Giáo dục

Hà Tĩnh: 6 tháng lương “0 đồng”, nhiều giáo viên nhận tin vui từ lãnh đạo tỉnh

“Trước mắt sẽ trích ngân sách từ thị xã để chi trả tiền “nợ” lương giáo viên, còn về lâu dài tỉnh sẽ có giải pháp đồng bộ đối với giáo viên hợp đồng tại đơn vị này” – đó là chỉ đạo của ông Đặng Quốc Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Giáo viên hợp đồng sẽ được chi trả lương vào thời gian tới

Như vậy, 93 giáo viên bậc mầm non trong diện hợp đồng nhằm đáp ứng việc thiếu giáo viên trên địa bàn thị xã Kỳ Anh hơn 6 tháng nay đi dạy không có lương sẽ được chi trả từ ngân sách của thị xã.

Liên quan đến “nợ” tiền lương giáo viên hợp đồng tại thị xã Kỳ Anh, ông Đặng Quốc Vinh – Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Tỉnh đã giao Chủ tịch thị xã xử lý, cân đối ngân sách để chi trả tiền lương trước mắt cho giáo viên. Đồng thời, yêu cầu Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT có tham mưu trình UBND tỉnh những địa chỉ dự kiến đề xuất tuyển dụng giáo viên.

Qua đó, báo cáo Chủ tịch tỉnh để tổ chức một cuộc họp gần nhất đưa ra phương án giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên cũng như việc trích ngân sách từ đâu để chỉ trả tiền lương cho giáo viên hợp đồng những nơi còn thiếu chỉ tiêu”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, "Trước mắt thị xã sẽ trình lên HĐND thị xã trích 2 tỷ đồng từ tiền ngân sách địa phương cấp đủ cho các trường mầm non để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng”.

“Việc trả nợ hơn 2 tỷ đồng tiền lương cho giáo viên hợp đồng mầm non từ ngân sách thị xã chỉ là phương án tạm thời, về lâu dài tỉnh cần bổ sung ngân sách đối với những đơn vị thiếu giáo viên như thị xã” - ông Hà ý kiến.

Thực hiện chỉ đạo từ tỉnh, thị xã Kỳ Anh đã có văn bản báo cáo trình Sở Nội vụ về việc bố trí chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên văn hóa tiểu học.

UBND thị xã Kỳ Anh trình Sở Nội vụ về việc tuyển dụng thêm giáo viên mầm non và giáo viên văn hóa tiểu học

Cụ thể, giáo viên mầm non đề nghị tuyển dụng 11 người (trường mần non Kỳ Nam: 1, Kỳ Lợi: 1, Kỳ Thịnh: 4, Kỳ Phương: 5); giáo viên văn hóa tiểu học đề nghị tuyển dụng 21 người (trường tiểu học Kỳ Thịnh 1: 4, Kỳ Thịnh 2: 4, Kỳ Lợi: 3, Kỳ Long: 4, Kỳ Phương: 4, Kỳ Nam: 2).

Tuy nhiên, theo ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh phân tích, “Năm học 2018-2019 bậc mầm non có tổng số lớp 198 lớp, tăng so với năm 2017-2018 là 17 nhóm lớp (do dân số cơ học tăng nhanh), số giáo viên cần có để giảng dạy tại 198 lớp là 396 giáo viên (theo quy định UBND tỉnh là 2GV/lớp). Nếu đồng ý tuyển dụng 11 giáo viên như đề xuất của Sở nội vụ thì tiếp tục còn thiếu 116 giáo viên”.

Điều đáng nói, tại thị xã Kỳ Anh thiếu giáo viên là đồng bộ, không riêng bậc mầm non mà ngay bậc tiểu học cũng thiếu nghiêm trọng. Số giáo viên được giao năm 2018-2019 theo quy định của UBND tỉnh là 378, số giáo viên và hợp đồng lao động hiện có là 310 (năm 2018 nghỉ hưu 3) thì bậc tiểu học vẫn còn thiếu 71 giáo viên – ông Vĩnh cho biết.

Cũng theo ông Vĩnh, năm 2018-2019, bậc tiểu học có tổng số lớp là 289, tăng 19 lớp so với năm 2017-2018 thì số giáo viên cần có để giảng dạy là là 410 (quy định của tỉnh 1,42GV/lớp). Như vậy, còn thiếu 103 giáo viên. Nếu đồng ý tuyển 21 giáo viên như Sở Nội vụ đề xuất thì bậc tiểu học tại thị xã còn thiếu 82 giáo viên.

Như Báo điện tử Infonet đã thông tin trong bài “Hà Tĩnh: Lương 0 đồng, nhiều giáo viên ở Hà Tĩnh rục rịch bỏ nghề” phản ánh về vấn đề gần 100 giáo viên hợp đồng bậc mầm non tại thị xã Kỳ Anh 6 tháng qua đi dạy nhưng không có lương. Quá cực khổ, nhiều giáo viên hợp đồng ngoài giờ lên lớp thì tìm đủ việc bên ngoài làm thêm, trang trải cuộc sống. Với đam mê, yêu nghề, nhiều giáo viên vẫn chịu cảnh “cố đấm ăn xôi” tiếp tục lên lớp dù đi làm nhưng không lương.

Để cân đối khâu thừa thiếu giáo viên toàn tỉnh, cũng như việc chi trả tiền lương thường xuyên cho giáo viên hợp đồng ở những địa bàn thiếu như thị xã Kỳ Anh, dư luận lúc đặt câu hỏi, tỉnh Hà Tĩnh cần có một giải pháp lâu dài để giải quyết lương giáo viên hợp đồng là trích một nguồn ngân sách bổ sung cho các huyện và đơn vị thiếu giáo viên. Thậm chí, cắt nguồn chi thường xuyên của các đơn vị thừa giáo viên để bổ sung cho các đơn vị thiếu vì trên thực tế, giáo viên chưa làm đủ số giờ quy định vẫn được hưởng nguyên lương và các chế độ khác một cách bất hợp lí.

Trước thực trạng này, nhiều giáo viên đã “cầu cứu” lãnh đạo thị xã, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh giải quyết sớm chế độ lương hàng tháng cho họ, để họ vững tin lên lớp.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP