Theo chia sẻ của Trạm trưởng trạm bơm cầu Rỏi - Bà Bùi Thị Hồng Vân: “Cơ sở hạ tầng kênh chưa hoàn thiện khiến chúng tôi bơm mất nhiều thời gian vì nước thất thoát nhiều.”
Tại trạm bơm phục vụ nước tưới cho cây công nghiệp nằm trên địa bàn xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa được xây dựng cách đây 10 năm. Theo người dân ở đây cho biết trạm bơm này chỉ chạy được vài ba lần thử nghiệm và đã ngừng hoạt động cách đầy gần 10 năm. Theo đó, người dân cũng lãng quên hệ thống ống dẫn nước đã được xây dựng ở dưới lòng đất. Bà Hồ Thị Sơn – người dân xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà cho rằng trạm bơm không hoạt động gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Thực trạng một số công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Theo quan sát, hệ thống kênh cấp 3 bị đổ nát, nơi còn, nơi mất. Nguyên nhân là do hệ thống kênh này đã được xây dựng cách đây hơn 15 năm. Vào thời điểm đó với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, gần 4.300 km kênh đã được xây dựng, trong đó có trên 3.500 km kênh cấp 3 . Vì nhân dân tự đóng góp công, vật liệu nên chất lượng công trình còn nhiều hạn chế. Ngoài ra do biến đổi khí hậu nên nhiều công trình thủy lợi xây dựng không bắt kịp với sự thay đổi nhanh lưu lượng nước trên các dòng sông. Trạm bơm Vực Đạo ở xã Nghĩa Đồng huyện Tân Kỳ là một ví dụ, mặc dù chỉ mới đầu mùa nắng nóng nhưng trạm bơm chỉ chạy 2/4 máy bởi bể hút quá cạn. Ông Nhữ Sỹ Hiền- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Tân Kỳ nhận định: “Có nhiều công trình như trạm bơm, kênh mương thiếu đòng bộ làm cho công tác chống hạn càng khó khăn hơn.”
Đây chỉ là 4 trong số hàng trăm công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ khiến hoạt động tưới tiêu, nhất là công tác chống hạn gặp nhiều khó khăn. Với đặc thù là địa phương thường xuyên chịu hạn hán nghiêm trọng nên gần như năm nào đơn vị quản lý, nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đều phải dành gần ½ thời gian trong năm để chống hạn. Vì thế việc đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng thủy lợi sẽ góp phần đối phó hiệu quả với thiên tai.
Tác giả bài viết: Thúy Vinh - Huy Hoàng