Trong nước

Hà Nội muốn đổi 40 ha đất ở Nam Từ Liêm lấy 2,85 km đường bằng hình thức BT

Tổng vốn đầu tư dự án đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân dự kiến khoảng 1.412 tỷ đồng. Phương thức thực hiện dự án theo hình thức BT. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2018 - 2020.

Hình minh hoạ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa công bố thông tin về Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân theo hình thức hợp đồng BT.

Theo đó, tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 1.412 tỷ đồng. Phương thức thực hiện dự án theo hình thức BT. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2018 - 2020.

Tuyến đường được xây dựng với chiều dài 2,85km, mặt cắt ngang 30m. Đồng thời, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, hệ thống PCCC, cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè, tổ chức giao thông, di chuyển các công trình ngầm nổi trong chỉ giới thực hiên dự án.

Tuyến đường xây dựng nhằm kết nối đồng bộ, liên thông với mạng lưới đường trong khu vực, kết nối các tuyến đường Vành đai 2; 2,5; 3..., góp phần giảm tải cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho tuyến đường Nguyễn Trãi, đường Giải Phóng, đường Vành đai 2, Vành đai 3… tạo động lực phát triển Kinh tế - Xã hội cho các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung.

Dự kiến quỹ đất thanh toán cho dự án BT sẽ nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm gồm các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 với diện tích khoảng 39,8ha thuộc Quy hoạch phân khu S4.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, quy mô và diện tích cụ thể của quỹ đất thanh toán dự án BT được xác định đảm bảo phù hợp với Quy hoạch, quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 và Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đổi đất lấy hạ tầng bằng các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) là hình thức được Hà Nội áp dụng khá phổ biến, có hàng nghìn ha đất được đối ứng cho các dự án này.

Hiện mới có một số công trình hoàn thành là: Bảo tàng Hà Nội, Cung trí thức thành phố, đường trục phát triển bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Trạm xử lý nước thải Hồ Tây, tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương…

Cách đây không lâu, UBND TP. Hà Nội cũng đã xin Thủ tướng xem xét, chấp thuận về việc sử dụng cơ sở nhà, đất tại số 220 đường Láng, quận Đống Đa và số 16 đường Thanh Bình, Hà Đông để đối ứng dự án đầu tư xây dựng Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong theo hình thức đầu tư PPP, hợp đồng BT…

Cụ thể, thông tin dự án như sau: diện tích khu đất khoảng 4,2 ha, quy mô đào tạo 17-180 lớp tương ứng 17.000 - 18.000 học viên. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 751,7 tỷ đồng. Phương án tài chính sơ bộ được đưa ra đó là sử dụng cơ sở nhà, đất tại số 220 đường Láng, quận Đống Đa và số 16 đường Thanh Bình, quận Hà Đông để thanh toán cho dự án BT.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP