Ngày 20/11 được gọi tên là ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhưng như thế không có nghĩa là 364 ngày còn lại trong năm, chúng ta cho phép mình quên sự có mặt của các thầy, cô giáo trong cuộc đời của mình. Vì họ đã nâng bước chân chúng ta bằng cả bầu trời tri thức và tình yêu thương bao la. Bởi thế mới nói: “Cô giáo như mẹ hiền”.
Cô Thúy với nhiều người cũng sẽ là một cô giáo bình thường như bao cô giáo khác – nhiệt tình và yêu nghề. Nhưng với tôi, cô là cứu cánh cho quãng đời sinh viên “nổi loạn”, dại khờ.
Năm 2006, tôi thi trượt đại học, nguyện vọng 2 vào khoa Xã hội học, đại học Công đoàn không khiến tôi có một chút hứng thú với “đời sinh viên” như mộng tưởng lúc còn là học sinh. Cũng bởi nguyện vọng 2 nên tôi chẳng hào hứng, luôn coi trường như một nơi “trú chân” để chờ phục thù… thi năm nữa.
Ngôi trường đại học gắn bó với nhiều kỷ niệm thời sinh viên của tôi. (Nguồn ảnh: Internet). |
Quá học kỳ 1, tư tưởng “trên mây” khiến tôi không chú tâm vào kiến thức trên giảng đường rồi dần dần không mảy may luyến tiếc cái “mác” sinh viên của chính mình. Tôi bỏ học – tất yếu và lặng lẽ. Tuyệt nhiên là gia đình và bạn bè không hề hay biết. Tôi vẫn vác xe đi và về nơi xóm trọ sinh viên nghèo, lúp xúp, nhưng chỉ là đến ghế đá ngoài công viên ngồi “ủ mưu” cho những kế hoạch của riêng mình.
Chẳng ngờ sau 2 tuần vắng mặt ở lớp, bố mẹ gọi tôi về nhà… nói chuyện. Không áp lực, không mắng mỏ, bố chỉ nhẹ nhàng hỏi tôi có định hướng thế nào. Rồi sau khi lắng nghe, bố cũng lặng lẽ ủng hộ quyết định của tôi bằng sự im lặng.
Hôm tôi xách ba lô định quay lại Hà Nội, bố nhắc tôi gọi điện lại cho cô giáo tên Thúy ở khoa. Cô là người đã thông báo về gia đình việc sinh viên vắng mặt trên lớp vì tôi không đăng ký số điện thoại cá nhân trong hồ sơ nộp vào trường.
Cô hẹn tôi một chiều muộn mùa đông trong quán cà phê Trịnh trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, TP.Hà Nội). Trái ngược với sự e thẹn, ngại ngùng của tôi, cô nở nụ cười tươi và gọi cho tôi một cốc sinh tố hoa quả.
Cô hơn tôi chỉ mấy tuổi, chắc vì thế nên cũng dễ đồng cảm. Sau khi nghe tôi trình bày lý do bỏ học, cô vẫn cười rất hiền, nhẹ nhàng nói: “Em phải suy nghĩ kỹ, nếu sau này chẳng may không thi đỗ thì còn có một nơi để về. Đừng lãng phí dù chỉ là nửa năm học như thế”.
Rồi cô làm thủ tục bảo lưu kết quả học tập cho tôi, mặc dù tôi đã khăng khăng… không bao giờ quay lại trường.
Rồi như là định mệnh, tôi lại thi trượt thật. Tôi vẫn gặp lại cô bằng thái độ bẽn lẽn, ngượng ngùng. Còn cô thì vẫn vậy, nụ cười hiền hậu đón tôi với lời nói như là “cứu cánh” của một năm về trước: “Có gì cần giúp đỡ thì cứ gọi cho cô, đừng ngại”.
Cô Thúy đã đến và đi qua cuộc đời tôi như thế. Nhưng những gì cô để lại trong tôi: Sự ấm áp, niềm tin yêu và lòng biết ơn thì còn mãi.
Có rất nhiều người thầy, cô mà tôi quý trọng, họ để lại trong tôi những tình cảm thật đặc biệt. Cô đã cho tôi một bài học nhẹ nhàng về điều cần thiết trước khi đưa ra một quyết định. Rất đơn giản, đó là sự thận trọng.
Cũng từ đó, hầu như tôi chẳng bao giờ vội vàng trong một quyết định nào nữa. Mỗi lần định bỏ, định buông, chẳng hiểu sao nụ cười hiền hậu của cô Thúy lại hiện lên trong tâm trí.
Tôi hiểu rằng, lòng biết ơn với một người thầy không chỉ riêng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Bởi trên con đò của người thầy không chỉ là tri thức, mà còn chất chứa những bài học làm người.
Cảm ơn vì cô giáo đã đi qua cuộc đời em như thế!
Tác giả: Dương Thu
Nguồn tin: Báo Người đưa tin