Giáo dục

GS Võ Quý, nhà bảo tồn thiên nhiên hàng đầu VN đã qua đời

GS Sinh học Võ Quý - nhà bảo tồn thiên nhiên hàng đầu Việt Nam - đã qua đời ngày 10/1, thọ 88 tuổi.

Đầu những năm 1960, một nhà nghiên cứu trẻ đã thuyết phục thành công các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng một khu đất gần thủ đô Hà Nội trở thành công viên quốc gia đầu tiên của Việt Nam. “Họ lắng nghe người đàn ông đã đi ra ngoài và tìm hiểu về các loài chim” – Pamela McElwee – trợ lý giáo sư tại ĐH Rutgers, một chuyên gia về lịch sử môi trường Việt Nam cho hay. “Tôi cho rằng, đó là một dấu hiệu về tầm quan trọng của ông ấy”.

Trên đây là những dòng kể đầu tiên trên tờ báo lớn của Mỹ - The New York Times - trong một bài báo ngày 11/1, thông tin về sự qua đời của GS Võ Qúy.

Trong sự nghiệp hơn nửa thế kỷ của mình, GS Võ Quý được biết đến với các nghiên cứu tiên phong về động vật hoang dã của Việt Nam và những nỗ lực của mình để khôi phục lại môi trường sống nhiệt đới đã bị phá hủy.

"Có thể gọi ông là người cha bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam" - David Hulse, phụ trách văn phòng Hà Nội của tổ chức môi trường WWF quốc tế 1992-1999 nói với phóng viên The New York Times như vậy.

gs vo quy nha bao ton thien nhien hang dau vn da qua doi
GS Võ Quý (giữa) kiểm tra mẫu thực vật ở miền Trung Việt Nam vào năm 1996. Ảnh: Kathy Wilhelm / Associated Press

GS Võ Quý là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn quốc tế (WCPA/IUCN), Hội đồng quốc tế về Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC/IUCN).

Ông còn là người đứng đầu hoặc là người sáng lập và thành viên tích cực của nhiều tổ chức như Tổng hội Các nhà sinh học Việt Nam, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội Sinh thái học Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam..



GS Quý theo chuyên ngành Điểu loại học ngay từ khi bắt đầu giảng dạy tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956).

Ông đã có công phát hiện ra một loài Trĩ mới cho khoa học ở vùng Kẻ Gỗ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Khi mới hơn 30 tuổi, GS. Võ Quý đã phát hiện ra con Trĩ lam Hà Tĩnh (người dân quen gọi là "gà lừng") , nhưng chưa được các nhà khoa học thế giới công nhận. Ông đã kiên trì nghiên cứu và tìm tài liệu chứng minh trong 20 năm, sau đó mới được công nhận là đúng và loài chim này được mang tên ông ( "Vo Quy Pheasant" - Trĩ Võ Quý).

GS Võ Quý đã cùng các đồng nghiệp, học trò lập hồ sơ cho 1.000 loài và phân loài chim ở nước ta. Ông đã là tác giả của 14 cuốn sách, tiêu biểu như: "Chim Việt Nam" (tập 1, 2), "Cuộc sống các loài chim", "Danh mục các loài chim Việt Nam"...; là dịch giả chính của ba cuốn sách về môi trường đồng thời cũng là tác giả của hơn 100 công trình khoa học đã công bố trong nước và nước ngoài.

"Công việc của tiến sĩ Quý không chỉ giới hạn ở những lĩnh vực hoặc phòng thí nghiệm. Ông thường sử dụng tầm vós của một trong những nhà tự nhiên học hàng đầu của Việt Nam để vận động chính sách, bao gồm cả kế hoạch hành động đa dạng sinh học đầu tiên của nước này, nhằm tìm cách cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường" - bài báo ngày 11/1 của New York Times khi đưa tin về sự qua đời của ông nhìn nhận.

GS Võ Quý làm việc ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (sau này là ĐHQG Hà Nội); tham gia giảng dạy ở nhiều trường ĐH trong nước và Anh, Mỹ....

Kỷ yếu 100 năm ĐHQG Hà Nội ghi nhận: "Ông dành nhiều tâm sức để nghiên cứu về đa dạng sinh học, các loài có nguy cơ tuyệt chủng, thiết lập và quản lý các khu bảo tồn, giúp đỡ các cộng đồng địa phương trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững. Ông đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ giữa người dân, nhất là dân nghèo, với tài nguyên thiên nhiên để tìm ra những biện pháp hữu hiệu góp phần xoá đói, giảm nghèo, giúp đỡ người dân ở các vùng đệm của các khu bảo tồn phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống, không phá rừng mà còn tích cực bảo vệ rừng và đưa ra quan điểm "bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng".

Ông được trao tặng nhiều phần thưởng quý giá: Huy chương vàng về thành tích bảo vệ động vật hoang dã và xây dựng khu bảo vệ thiên nhiên do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) trao tặng (1988). GS Võ Quý cũng là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến ngày hôm nay nhận bằng Danh dự Global 500 của Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (1992). Bên cạnh đó, còn có huy chương John Philipps của Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN) và giải thưởng hạng nhất của Đức về bảo vệ môi trường sinh thái (1994); nhận giải thưởng về môi trường của Trường đại học Michigan, Hoa Kỳ (1995)....

Tác giả bài viết: Hạ Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP