Giáo dục

GS Hồ Ngọc Đại: Nếu có công nghệ giáo dục, 30 năm sau sẽ có một dân tộc khác

Công nghệ giáo dục là lấy trẻ em làm trung tâm chứ không phải thầy giáo. Học là chơi chứ không phải vật lộn đau khổ. Học không thi cử, không chấm điểm.

Áp lực trong giáo dục là câu chuyện được đề cập khá nhiều tại Việt Nam. Chuyện thi cử, học hành, dạy thêm, học thêm đến chạy trường, chạy điểm… “nóng” từ mỗi gia đình trong các dịp nghỉ hè đến đầu năm học mới.

Với các gia đình có con bắt đầu lứa tuổi đến trường đầu cấp, áp lực này càng tăng gấp bội. Đằng sau mỗi mùa khai giảng năm học mới là biết bao lo lắng, chuẩn bị thậm chí là những cú sốc cho những em nhỏ hay chính phụ huynh.

Vậy làm thế nào để gỡ nút thắt của vấn đề này?

gdvn Ho Ngoc Dai
GS Hồ Ngọc Đại: Nếu có công nghệ giáo dục, 30 năm sau sẽ có một dân tộc khác

Là người hơn một lần từ chối làm thứ trưởng Bộ GD&ĐT để được dành trọn tâm huyết cho Công nghệ giáo dục, mấy chục năm đã trôi qua, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại vẫn đau đáu với mong muốn làm sao để việc đi học của trẻ thực sự là niềm hạnh phúc.

Ngày 19/6 tại CGD Victory – Hệ thống trường Thực nghiệm thứ ba tại Hà Nội, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cùng các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế đã chia sẻ về tư tưởng và quan điểm giáo dục về chủ đề: "Trường học không áp lực – Đi học là hạnh phúc".

GS Hồ Ngọc Đại là người đưa ra khái niệm “công nghệ giáo dục” và triển khai ở Việt Nam với mô hình thực nghiệm ra đời từ năm 1978 (trường Thực nghiệm) tại Giảng Võ, Hà Nội.

Đến năm 1985, trường Thực nghiệm được phép mở rộng ra các tỉnh đăng ký triển khai. Năm 1990, đề tài quốc gia Công nghệ giáo dục được nghiệm thu, thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục.

Năm 1986, bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ra đời, hiện nay được áp dụng đại trà với hơn 40 tỉnh thành lựa chọn.

Công nghệ giáo dục, hiểu theo một cách đơn giản nhất, là tổ chức công cuộc giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm chứ không phải thầy giáo.

Học là chơi chứ không phải quá trình vật lộn đau khổ. Học không có thi cử, không chấm điểm.

Giáo viên không được phép soạn giáo án. Người thầy mang kinh nghiệm cá nhân dạy học là tư duy cũ. Thầy cô hiện đại phải dùng công nghệ giáo dục.

Công nghệ này muốn thay thế nền giáo dục nhồi nhét, thầy đọc trò chép, về nhà thì học thêm và gò lưng luyện giải bài mẫu.

Ở nơi đó các em học sinh sẽ được giáo dục khoa học, phát triển tư duy song song với giáo dục lối sống, hình thành nhân cách cũng như kết hợp bồi dưỡng tâm hồn thông qua các môn nghệ thuật, năng khiếu, rèn luyện thể chất, và đặc biệt trau dồi ngoại ngữ - chìa khóa của công dân hội nhập toàn cầu.

gdvn sach
Nếu có công nghệ giáo dục, 30 năm sau chúng ta sẽ có một dân tộc khác.

Năm 2012, sự việc hàng loạt người dân thủ đô xếp hàng từ nửa đêm rồi xô đổ cánh cổng trường này để mong mua được một lá đơn cho con “ứng thí” vào lớp 1, thể hiện sự tin tưởng vào mô hình thực nghiệm.

Sau gần 40 năm nhìn lại mô hình này, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, công nghệ giáo dục dựa trên 3 nguyên tắc: Ai cũng học được; Học gì được nấy; Học đâu chắc đó.

Do vậy giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được.

Nếu học theo cách đó thì xong lớp 1 đọc thông viết thạo, hết lớp 2 viết thành câu, hết lớp 3 không bao giờ viết sai câu.

Bằng kinh nghiệm 46 năm liên tục nghiên cứu về giáo dục Tiểu học, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định, rõ ràng, trẻ em thế kỷ 21 đi xe hiện đại, sử dụng điện thoại di động hiện đại, sử dụng internet siêu tốc và máy vi tính hiện đại.

Ngay cả đồ chơi và trò chơi chúng cũng không còn chơi những đồ chơi và trò chơi của các thế kỉ trước.

Do đó, chúng rất cần được hưởng nền giáo dục hiện đại, nội dung hiện đại, phương pháp hiện đại thì ngược lại, chúng đang bị "nhồi nhét" kiến thức theo phương cách cũ.

“Bây giờ trẻ em hiện đại có những cái bố mẹ, ông bà nó chưa có. Bạn mua cái tivi về bố mẹ đang loay hoay thì nó xong rồi.

Ngày xưa, học Tiếng Việt lớp 1 là để xóa nạn mù chữ và chỉ có 5% dân cư đi học để làm ông này ông nọ. Bây giờ 100% dân cư đi học.

Ngày trước 95% dân cư không đi học vẫn sống bình thường. Ngày nay 100% dân cư muốn sống bình thường phải đi học.

Và khi 100% dân cư đi học thì buộc giáo dục phải có công nghệ, có phương pháp giáo dục đổi mới” – GS. Hồ Ngọc Đại lý giải.

“Nếu có người hỏi phương pháp giáo dục của tôi khác thế nào, tôi sẽ trả lời: Họ dạy một lớp 30 học sinh còn tôi dạy 30 học sinh trong một lớp.

Tôi dạy từng trẻ một, tôn trọng quyền cá nhân của các em. Mỗi học sinh đều có cuộc sống, hạnh phúc và đau khổ riêng”, GS Hồ Ngọc Đại nói.

Chỉ có cách dựa vào giáo dục hiện đại để dạy từng trẻ một, chúng ta mới có hy vọng vài ba năm nữa sẽ có một thế hệ tài năng.

Khi làm đúng công nghệ thì sẽ cho ra sản phẩm tất yếu. Để xây dựng nền giáo dục hiện đại cần tạo ra phương pháp mới mà ai cũng học được và học đến đâu được đến đó. Và nếu có công nghệ giáo dục, 30 năm sau chúng ta sẽ có một dân tộc khác.

Tác giả bài viết: Thùy Linh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP