Giáo dục

Gom trẻ bụi đời, cụ bà 80 tuổi mở lớp học đặc biệt gần 20 năm

"Lớp học tình thương bà Mười” đã tồn tại gần 17 năm nay và mang đến cái chữ cho rất nhiều trẻ em lang thang, cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn.

Lớp học tình thương được bà Lữ Thị Lê Nương (bà Mười) mở ra cách đây gần 20 năm.

Ở cái tuổi 80, đáng ra phải an nghỉ tuổi già nhưng bà Mười vẫn vững tâm theo đuổi ý nguyện gieo con chữ cho những đứa trẻ nghèo, lang thang.

Bà Mười kể lại vào một ngày cách đây khoảng 17 năm, khi đang trên đường đi chợ về vô tình nhìn thấy một nhóm sinh viên tình nguyện đang dạy một nhóm trẻ em vô gia cư tập đọc, tập viết bên vỉa hè.

Bà Mười cảm thấy ấm lòng khi nhìn những đứa trẻ dù điều kiện hết sức thiếu thốn nhưng vẫn cố gắng học lấy cái chữ để lo cho tương lai.

Dù đã già, thế nhưng bà Mười vẫn luôn lo lắng cái chữ cho các cháu bụi đời có một tương lai tươi sáng.


“Kể từ đó, tôi chợt nghĩ ra một ý tưởng là đi quyên góp tập vở, bút viết, cặp sách cho các cháu.

Tôi thấy mình như có duyên với các cháu đó, thấy thương lắm nên nảy sinh ý tưởng mở lớp học để giúp các cháu được đến trường như bao đứa trẻ khác. Từ đó, tôi đã mạnh dạn đề xuất lên trên để được mở lớp học tình thương này”, bà Mười tâm sự.

Sau đó, chính quyền địa phương cũng đã cấp đất cho bà Mười xây dựng một lớp học tình thương để dạy chương trình cấp 1 cho các em tại địa chỉ 45 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM.

Lớp học mang tên “Trung tâm học tập cộng đồng phường Tân Thuận Tây” ngày nào cũng sáng đèn.

Từ đó bà Mười tất bật đi xin từng cái bàn, cái quạt đến những cuốn sách giáo khoa, bút viết,... rồi gom những đứa trẻ nghèo, dân vạn chài bên bờ sông quận 7 để đưa về dạy.

Nơi mang đến những cái chữ cho các em có hoàn cảnh khó khăn, bán vé số,....

Tuy vậy, những đứa trẻ nghèo vẫn thường xuyên phải nghỉ học, rồi bỏ học để đi làm phụ gia đình. Biết được hoàn cảnh khó khăn của từng em, bà Mười không ngại vất vả đạp xe đạp, chèo thuyền đi vận động từng gia đình cho bọn trẻ đi học.

Nhiều đứa trẻ không có giấy khai sinh nên bà phải đi xin chính quyền cấp cho để không còn em nào phải bỏ học..

Ban đầu do chưa có các tình nguyện viên nên bà Mười đã bỏ tiền túi ra để thuê giáo viên về dạy.

Nhưng với số tiền lương ít ỏi không đủ chi phí cho giáo viên đi lại nên tình trạng thiếu giáo viên tới dạy diễn ra thường xuyên. May mắn sau đó, nhiều nhóm tình nguyện biết được lớp học đầy ý nghĩa này nên đã đến dạy miễn phí.

Bà Mười phải lặn lội di xin tùng cái bàn, cái ghế, sách vỡ, bút cho các cháu, chỉ mong sao cho các cháu có cái chữ.


Cô Phượng, một giáo viên ở đây chia sẻ: “Những học sinh ở lớp này đa số là các em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, các em thường xuyên vắng học để đi bán vé số phụ giúp gia đình”.

“Mình đang dạy ở một trường cấp 1 khác, trước kia mình được bà Mười mời về dạy, dù số lương khá ít ỏi nhưng mình vẫn tranh thủ những buổi không dạy ở trường bên kia để về đây dạy cho các em.

Mới đầu ở đây khó khăn lắm, thiếu đủ thứ nên đôi khi thấy nản chí, nhưng dạy một thời gian mình thấy thương các em nên đã dạy cho đến giờ”, cô Phượng chia sẽ thêm.

Dù với sô tiền phụ cấp ít ỏi, cô Phượng vẫn đến dạy cho các em nhỏ nơi đây

Dù thiếu thốn đủ thứ, nhưng với lòng nhiệt huyết của bà Mười, các em vẫn tranh thủ đến học.


Qua sự giới thiệu của Phòng giáo dục và Đào tạo quận 7, Ban giám hiệu Trường tiểu học Phù Đổng đã chấp nhận tổ chức thi lên lớp và cấp học bạ và bằng tốt nghiệp cho các em theo đúng tiêu chuẩn để vào học tiếp cấp 2 ở những trường học công lập khác.

Dù sức khoẻ đã yếu đi nhiều nhưng bà Mười vẫn thường xuyên tới lớp để được tận mắt xem các cháu học. Bà Mười chỉ có một tâm nguyện muốn cho lớp học ngày càng phát triển để những đứa trẻ bụi đời có một tương lai tươi sáng.

Tác giả bài viết: Đức Thủy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP