Tin địa phương

Gói thầu hơn 39 tỉ đồng dở dang vì doanh nghiệp 'bỏ của chạy lấy người'

Đang là 1 trong 3 doanh nghiệp liên danh thi công gói thầu trị giá hơn 39 tỉ đồng ở Quảng Bình, nhưng Công ty CP Xây dựng và Thương mại 343 (Hà Nội) bất ngờ rút lui không rõ nguyên nhân.

Gói thầu trên là DH-1.2 có tên "Kè nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào, cải tạo năng lực thoát nước cầu Cống Mười"; với mức đầu tư hơn 39,1 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA - do Ban Quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới (Quảng Bình) quản lý.

Công trình thi công xây lắp cầu Cống Mười bị chậm tiến độ, người và phương tiện chưa thể lưu thông

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, tháng 4-2019, gói thầu DH-1.2 do liên danh 3 doanh nghiệp làm đơn vị thi công, gồm: Công ty CP 479 Hòa Bình (Nghệ An - đứng đầu liên danh), Công ty CP Xây dựng và Thương mại 343 (Hà Nội) và Công ty CP Xây dựng cầu 75 (Hà Nội).

Gói thầu có 2 hạng mục chính là thi công xây lắp cầu Cống Mười và nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào nhằm cải tạo năng lực thoát nước tại khu vực này. Trong đó hạng mục xây lắp cầu Cống Mười buộc phải bàn giao trước ngày 2-9-2021, để thông xe theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Bình.

Doanh nghiệp huy động nhân công, phương tiện thi công trở lại sau quá trình bị gián đoạn

Tuy nhiên, theo ghi nhận, sau quá trình thi công liên tục phải nghỉ gián đoạn, đến nay doanh nghiệp mới trở lại huy động nhân công, máy móc để hoàn thiện nốt các công trình phụ trợ tại cầu Cống Mười. Hiện doanh nghiệp vẫn đang "ngăn sông cấm chợ", người và phương tiện hiện chưa thể qua lại cầu.

Đáng nói trong quá trình nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào, nhiều người dân phản ánh các nhà thầu thi công rất "ẩu". Khi nạo vét bùn đất, chất thải dưới sông lên đã tập kết bừa bãi hai bên bờ sông trong một thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm mất mỹ quan đô thị, khiến người dân rất bức xúc.

Bùn đất, chất thải nạo vét sông Cầu Rào tập kết hai bên bờ sông thời gian qua gây ô nhiễm

Không những thế, khi được giao nhiệm vụ thi công hạng mục nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào, Công ty CP Xây dựng và Thương mại 343 đã không thực hiện đúng cam kết và bất ngờ "bỏ của chạy lấy người" sau gần 2 năm thi công mà không rõ nguyên do. Đồng nghĩa với việc tiến độ công trình tiếp tục chậm trễ, hạng mục này dở dang, hỗn độn và có nguy cơ bị bồi lấp trở lại.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cũng nhiều lần kiểm tra, đôn đốc và đánh giá tiến độ các gói thầu trong dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Đồng Hới", trong đó có gói DH-1.2 triển khai một cách quá ì ạch, chậm chạp; không đáp ứng yêu cầu đề ra.

Theo Ban Quản lý Dự án môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới, công trình cầu Cống Mười về cơ bản đã hoàn thành như cam kết, hiện nhà thầu đang hoàn thành các hạng mục phụ trợ và mỹ quan còn lại. Trong số hơn 39,1 tỉ đồng giá trị hợp đồng dự toán, thì tính đến ngày 9-9, đã giải ngân gần 16 tỉ đồng.

Bên kia sông, bùn đất tập kết bừa bãi, tràn lan nhưng doanh nghiệp vẫn "chây ì" vận chuyển đến bãi thải theo quy định

Trả lời Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Tịnh - Giám đốc Ban Quản lý Dự án môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới - xác nhận trong quá trình thi công gói thầu DH-1.2, thì Công ty CP Xây dựng và Thương mại 343 đã tự ý bỏ dở việc thi công, không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư.

Ông Tịnh nói để giải quyết hậu quả này, Ban đã yêu cầu người đứng đầu liên danh là Công ty 479 Hòa Bình phải có trách nhiệm "gánh" phần việc còn lại mà Công ty 343 bỏ dở dang.

"Doanh nghiệp tập kết chất thải, bùn đất xung quanh bờ sông Cầu Rào sau khi nạo vét là đúng quy định; vì công đoạn phải đợi bùn đất ráo nước, phơi khô sau đó chở chất thải lên bãi thải đã được chỉ định ngay trong hồ sơ mời thầu. Nhưng cũng "chậm hơn so với quy định một chút" - ông Tịnh lý giải về việc bùn thải tập kết bừa bài.

Theo ông Tịnh, nguyên nhân công trình bị chậm tiến độ là do dịch Covid-19, Ban cũng đã có văn bản xin UBND tỉnh Quảng Bình cho phép nhà thầu thi công để hoàn thành thông xe trước ngày 2-9, nhưng lãnh đạo tỉnh không đồng ý, đành phải tạm dừng thi công. Hiện giờ tỉnh cho lùi thời gian đến ngày 15-10.

Hai siêu dự án gần 100 triệu USD thi công "rùa bò", ô nhiễm

Đó là 2 siêu dự án này, gồm: dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Đồng Hới" có tổng mức đầu tư 58,11 triệu USD (gồm 18 gói thầu) và dự án "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Đồng Hới" có tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD (gồm 11 gói thầu). Hai dự án này đều có thời gian thực hiện trong giai đoạn 5 năm (2017-2022).

Hai dự án đều do Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới quản lý.

Theo yêu cầu, 2 dự án trên sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2022. Tuy vậy, sau gần 4 năm thực hiện theo kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Bình nhiều lần đánh giá tiến độ triển khai một cách quá ì ạch, chậm chạp; đến nay chưa có dự án nào đạt trên 50% giá trị thi công trong hợp đồng, không đáp ứng yêu cầu đề ra; trong khi thời gian kết thúc và bàn giao toàn bộ các công trình chỉ còn hơn 1 năm.

Không những vậy, hàng loạt gói thầu tại TP Đồng Hới đang được thực hiện với tiến độ "rùa bò", dở dang, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã nêu ra những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai 2 dự án trên và yêu cầu Ban khẩn trương phối hợp với sở, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ những vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ dự án, quyết không để tình trạng "rùa bò".

Tác giả: HOÀNG PHÚC

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP