Giáo dục

Giúp học sinh nghèo không bỏ học

Năm học 2016-2017 khép lại với kết quả khả quan từ những nỗ lực của ngành giáo dục Đà Nẵng. Điều đáng nói nhất là so với các năm học trước, số học sinh bỏ học trong năm học vừa qua giảm hơn 14 học sinh; số học sinh được vận động ra lớp, chuyển sang học bổ túc hoặc học nghề tăng lên 89 học sinh.

Trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi ở Đà Nẵng.

Mồ côi cha từ nhỏ, Lê Văn Lợi, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà) sống với mẹ nhưng mẹ thường xuyên ốm đau, lại không có công việc ổn định nên cuộc sống rất khó khăn.

“Nhiều lúc khó khăn quá, em tính nghỉ học và tìm việc gì đó phụ giúp mẹ nhưng mẹ không cho, nói rằng dù khó khăn cũng phải cố gắng học thật tốt”, Lợi nói. Nhờ nỗ lực học tập, nhiều năm liền Lợi đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và nhận được nhiều phần thưởng, học bổng.

Còn với Lê Ngọc Na, học sinh lớp 4 Trường tiểu học số 1 Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), hoàn cảnh cũng khó khăn không kém. Cả thu nhập của gia đình Na với 7 nhân khẩu đều trông vào mấy sào ruộng. Không những thế, bố mẹ Na nuôi thêm bà ngoại già yếu và người em trai của mẹ bị bệnh thần kinh nên hoàn cảnh càng khó khăn. Mặc dù vậy, Na chưa nghỉ buổi học nào, nhiều năm liền em là học sinh xuất sắc.

Cả Lợi và Na đều được các thầy cô giáo quan tâm, động viên; hai em lại học giỏi nên những phần quà tặng, học bổng chính là nguồn động lực tiếp sức các em đến trường.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, việc giúp đỡ và ngăn ngừa học sinh bỏ học được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành. “Đầu mỗi năm học, cuối học kỳ, kết thúc năm học, chúng tôi đều có văn bản chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường thực hiện các giải pháp giúp đỡ, ngăn ngừa học sinh bỏ học, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của mỗi đơn vị, trường học, mỗi cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành”, ông Vĩnh nói.

Bởi vậy, các đơn vị, trường học đều tiến hành tổng rà soát lại toàn bộ danh sách, xem xét cụ thể từng trường hợp chưa ra lớp (lý do, địa chỉ cụ thể); lưu ý số học sinh lưu ban, học sinh có hoàn cảnh đột xuất khó khăn để có biện pháp phối hợp huy động giúp đỡ. Đồng thời, trên cơ sở kết quả thi tuyển sinh đầu cấp hằng năm, Sở GD&ĐT rà soát lại số học sinh đã tốt nghiệp THCS nhưng không trúng tuyển vào lớp 10 các trường công lập và gửi danh sách về địa phương để cùng phối hợp tư vấn, vận động các em đi học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các lớp phổ cập, các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường, cơ sở đào tạo.

Đồng thời, cuối học kỳ 1 mỗi năm học, Sở GD&ĐT đều tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” và quán triệt, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về giúp đỡ, ngăn ngừa học sinh bỏ học.

Tại hội nghị sơ kết hằng năm, đơn vị cũng đánh giá về kết quả triển khai thực hiện của các đơn vị, trường học, biểu dương và khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giúp đỡ, ngăn ngừa học sinh bỏ học. Nhiều địa phương đã giảm tỷ lệ học sinh bỏ học đến mức thấp nhất và duy trì kết quả không có học sinh bỏ học trong nhiều năm như các quận Cẩm Lệ, Hải Châu…

“Chính nhờ sự phối hợp nhịp nhàng với các địa phương nên việc giúp đỡ và ngăn ngừa học sinh bỏ học mang lại hiệu quả cao trong năm học vừa qua. Các địa phương đã phân công cụ thể cho cán bộ trong Ban Chỉ đạo theo dõi, rà soát và nắm bắt kịp thời tình hình học sinh bỏ học trên địa bàn xã, phường để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, cụ thể và thiết thực; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này”, ông Nguyễn Đình Vĩnh nói.

Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, để giúp các em mở cửa ước mơ, không phải bỏ học giữa chừng, phía trước còn rất nhiều việc phải làm, bởi vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần sự theo dõi sâu sát thì mới có thể hỗ trợ các em được.

Tác giả: KIM NGÂN - HƯƠNG SEN

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP