|
Tâm hồn trẻ rất trong trắng, ngây thơ, khả năng tiếp thu cái mới rất nhanh và mạnh - đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến chúng bị ảnh hưởng bởi các thói hư tật xấu từ ngoài xã hội. Và sự thật, nếu con trẻ có nói những câu bậy bạ, có những hành vi thô lỗ, lệch lạc, các bậc cha mẹ cũng đừng quá lo lắng.
Để giúp trẻ loại bỏ những thói hư tật xấu, các bậc cha mẹ cần chú ý:
* Chọn bạn cho con. Điều này không có nghĩa là cha mẹ can thiệp quá sâu vào việc con phải chơi với bạn này và không được chơi với bạn kia. Mà thực tế, cha mẹ có thể tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bạn của con, bởi “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Bạn bè có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, nhưng cha mẹ không phải lúc nào cũng biết được con mình giao du với ai. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng con nói tục, chửi bậy, hành động khiếm nhã, cha mẹ không nên dùng biện pháp ngăn cấm con kết bạn. Cha mẹ tuy không xen vào làm cản trở việc con chơi với ai, song có thể đưa ra một số gợi ý, định hướng cho con nên chơi với ai và ai thì nên tránh, nguyên nhân vì sao nên chơi và vì sao không, để trẻ hiểu rằng những người bạn tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của trẻ sau này. Khi trẻ cảm thấy chưa hài lòng, phản kháng, cha mẹ hãy dạy trẻ cách để giải tỏa những tâm lý tiêu cực. Cùng chơi với bạn của con là cách để cha mẹ vừa chia sẻ vừa thấu hiểu con một cách thuận lợi nhất.
* Tạo “lá chắn” cho tâm hồn con. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy chỉ rõ dần cho trẻ thấy như thế nào là lễ phép, là ứng xử văn minh, lịch sự. Đồng thời, cũng chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của những hành động hư hỏng, không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Giáo dục trẻ tránh xa những tật xấu như nói tục, chửi bậy, đánh nhau… là một quá trình lâu dài, liên tục. Các bậc cha mẹ thật kiên trì để những điều hay lẽ phải thấm dần dần khắc sâu vào tâm trí trẻ một cách tự nhiên. Khi đã tạo được một lá chắn vững chắc, trẻ sẽ có được sức đề kháng trước những tiêm nhiễm của thói quen xấu. Càng khôn lớn trẻ càng hiểu rõ được giá trị của việc ứng xử lịch thiệp. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy “dị ứng” dù có chứng kiến những hành vi xấu thì cũng đã biết để tránh không làm theo.
* Phương pháp giáo dục phải xác đáng. Nếu cha mẹ phát hiện con mình đang nói tục, chửi bậy hay có bất cứ hành vi nào đáng lên án như hỗn láo với người lớn tuổi, cần nhẹ nhàng nhưng dứt khoát chỉ rõ cho trẻ thấy đó là những hành vi chưa đúng, làm cha mẹ và người khác buồn lòng. Khi trẻ có một hành vi thiếu lịch sự, cha mẹ nên phê bình và dạy trẻ cách ứng xử phù hợp hơn. Bởi có không ít trẻ, nói bậy chửi thề vì không biết đó là điều cần tránh, mà chỉ biết người khác nói được thì mình bắt chước mà thôi. Tất nhiên việc giáo dục con cái phải có phương pháp phù hợp. Có trường hợp cha mẹ khi thấy con có hành vi bất lịch sự đã lập tức giận dữ nổi trận lôi đình, quát tháo ầm ĩ, thậm chí còn đánh đập con trước mặt đông người. Những biện pháp giáo dục thô bạo có thể thấy được hiệu quả tức thời nhưng không lâu dài và có thể phản tác dụng, khi con trẻ trở nên chai lỳ. Ngược lại, cũng có bậc cha mẹ khi thấy con nói tục, chửi bậy hay có hành vi lệch chuẩn lại suy nghĩ giản đơn, cho rằng lớn lên con sẽ biết điều gì nên làm và điều gì thì không nên. Vì thế đã bỏ qua, coi là điều vặt vãnh, không đáng lo ngại. Như thế trẻ sẽ ngộ nhận rằng điều mình làm được cha mẹ hưởng ứng, cổ vũ và sẽ lặp lại nhiều lần tạo thành thói quen xấu, lớn lên sẽ khó bỏ.
* Cây non dễ uốn. Cần uốn nắn thói hư tật xấu của trẻ càng sớm càng tốt. Trẻ từ 3-4 tuổi đã biết bắt chước người lớn nói tục chửi thề, nhưng chúng không hiểu được ý của câu từ mình nói ra, càng không hiểu được có phù hợp chuẩn mực hay không. Vì thế, khi chứng kiến trẻ có hành vi khiếm nhã, cha mẹ hãy nhắc nhở và ngăn chặn ngay. Nói với trẻ những câu cụ thể, dễ hiểu như: “Cha mẹ rất buồn khi nghe con nói những lời bậy bạ”, hoặc “Đứa trẻ nào hay nói tục, chửi thề sẽ bị mọi người ghét và xa lánh”… Trẻ rất xấu hổ khi bị nhắc nhở, sợ cha mẹ buồn lòng và bị người khác bỏ rơi, hắt hủi nên sẽ cố gắng bỏ thói quen xấu này. Lần giáo dục đầu tiên bao giờ cũng để lại dấu ấn sâu sắc và có giá trị rất lớn, đứa trẻ sẽ nhận thức hành vi của mình và tự điều chỉnh mình sao cho phù hợp với yêu cầu của cha mẹ.
* Cha mẹ là tấm gương sáng. Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên để trẻ hình thành những thói quen hành vi cho bản thân. Trong mọi lúc mọi nơi, cha mẹ luôn chú ý đến từng lời nói và việc làm của mình. Trong giao tiếp hằng ngày, mỗi người nên hình thành thói quen ứng xử lịch sự, lễ phép, tạo cho trẻ môi trường sống văn minh để trẻ “thấm” dần, đừng nên để trẻ bị “tiêm nhiễm” những thói hư tật xấu từ chính người thân của mình. Nếu trẻ vô tình chứng kiến cảnh người khác đánh chửi nhau, cha mẹ hãy nhân tiện chỉ rõ cho con thấy sự nguy hại của lối ứng xử thô lỗ. Được giáo dục thường xuyên, trẻ sẽ tự cảm thấy xấu hổ khi có những thói hư tật xấu và sẽ kiểm soát hành vi của mình để trở thành người văn minh, lịch sự.
Tác giả: Nguyễn Văn Công
Nguồn tin: Giáo Dục và Thời Đại