Mọi sự chú ý tiếp tục đổ dồn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng - vốn là động lực kéo thị trường lên khá nhiều trong thời gian vừa qua. Thông tin ông trùm ngân hàng một thời Trầm Bê bị bắt cùng một dàn những người liên quan đã khiến giới đầu tư lo ngại áp lực bán tháo sẽ nhấn chìm các cổ phiếu ngân hàng.
Tuy nhiên, diễn biến đã không như vậy. Cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank chịu áp lực bán tháo khá lớn nhưng chung cuộc chỉ giảm 450 đồng xuống 12.550 đồng. Các cổ phiếu ngân hàng khác giảm nhẹ.
Sacombank cho biết ngân hàng này không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh. Các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4/2014. Bên cạnh đó, ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị - điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23/02/2017 và từ ngày 03/7/2017 đối với ông Phan Huy Khang.
Ông Dương Công Minh, tân chủ tịch Sacombank cho biết STB không chịu ảnh hưởng từ việc Trầm Bê bị bắt. Hiện ngân hàng đang tích cực tái cơ cấu và nhiều tiến bộ tích cực trong việc thu hồi và xử lý nợ xấu.
Thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động. |
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chứng kiến diễn biến trái chiều. Trong khi Sacombank bị bán ra thì BID của Ngân hàng BIDV tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tăng giá. Việc khối ngoại mua ròng hơn 2 triệu cổ phiếu BID, chiếm 1/3 lượng giao dịch, đã tiếp tục đẩy cổ phiếu này đi lên.
Nhóm cổ phiếu trụ cột trên thị trường phân hóa nhưng khá cân bằng giúp thị trường chung không suy giảm.
Trong nhóm cổ phiếu dấu khí, trong khi Petrolimex (PLX) tăng giá thì TCT Khí Việt Nam - CTCP (PVGAS - GAS) giảm giá. Cổ phiếu thực phẩm Vinamilk (VNM) và Masan (MSN) cùng với cổ phiếu công nghệ FPT và cổ phiếu hàng không VietjetAir tăng giá thì các trụ cột ngành thếp HPG, HSG và bảo hiểm BVH giảm.
Cổ phiếu FPT tăng 7 trong 8 phiên gần đây. Doanh nghiệp của ông Trương Gia Bình vừa chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền tỷ lệ 10%. Cổ phiếu của ông Trương Gia Bình còn được quan tâm sau thống tin sẽ tiến hành thoái vốn khỏi mảng bán lẻ.
Một số cổ phiếu nóng tiếp tục hút dòng tiền rất tốt và kéo dài chuỗi ngày tăng trần như HAI và HAR.
Cổ phiếu Nông Dược Hậu Giang (HAI) đã có hàng chục phiên tăng trần liên tiếp, tăng dựng đứng từ 4 ngàn đồng hồi đầu tháng 7 lên 17.250 đồng/cp như hiên tại. Đây là cổ phiếu hiện do Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết nắm giữ gần 13%. Ông Trần Quang Huy, Phó TGĐ Tập đoàn FLC, làm Thành viên HĐQT và tạm thời giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT công ty từ ngày 25/7/2017.
Cổ phiếu mới của ông Trịnh Văn Quyết còn được kỳ vọng sau khi mở rộng hợp tác từ Mỹ, Nhật, liên tục đầu tư phát triển nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và phân bón trong nửa đầu năm. HAI là đơn vị sản xuất, kinh doanh nông dược và dịch vụ BVTV hàng đầu tại Việt Nam.
Cổ phiếu QCG nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) không thể tăng điểm cho dù doanh nghiệp vừa báo lãi lớn bất thường trong quý vừa qua. Bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) giảm nhẹ sau nhiều phiên tăng giá.
Nhiều cổ phiếu chứng khoán quay đầu giảm giá nhưng tiếp tục hút dòng tiền, trong đó có ART. Cổ phiếu này được niêm yết trên Upcom hôm 2/8 tăng trần lên 7.000 đồng/cp. Cổ phiếu AGR tiếp tục tăng khá mạnh.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu nóng gần đây quay đầu giảm sàn như PVV, LGL, NVT…
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động với mỗi phiên có trên dưới 5 ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng.
Theo đa số các CTCK, thị trường đang diễn biến tích cực và luôn có những điểm hỗ trợ rất mạnh. Điều này cho thấy, kỳ vọng của các nhà đầu tư về thị trường vẫn tốt. Đây là thời điểm được cho là tốt để chuẩn bị tiền mặt để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tốt với mặt bằng giá mới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/8, VN-index giảm 0,58 điểm xuống 786,23 điểm; HNX-Index giảm 0,35 điểm xuống 100,97 điểm. Upcom-Index giảm 0,44 điểm xuống 55,37 điểm. Thanh khoản toàn tiếp tục duy trì ở mức cao với 300 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 4.825 tỷ đồng.
Tác giả: H. Tú
Nguồn tin: Báo VietNamNet