Nghề làm bánh xèo, bánh đúc xuất hiện ở xã Quảng Hòa từ rất lâu và được truyền từ đời này qua đời khác, lưu giữ, phát triển cho đến tận ngày nay. Làm bánh xèo, bánh đúc không cầu kỳ, bởi nguyên liệu đơn giản chỉ có gạo xay nước. Nhưng để tạo ra những tấm bánh ngon thì tốn rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, người làm bánh phải cần cù, nhẫn nại ngồi bên bếp lửa tráng bánh hàng tiếng đồng hồ.
Với hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bánh, chị Trần Thị Lan ở thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa chia sẻ, vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bánh xèo, bánh đúc, nên từ nhỏ, chị đã gắn bó với nghề. Để có những chiếc bánh mềm, dai, gạo phải được ngâm nước khoảng từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ rồi đem xay.
Khi xay dùng môi múc cả nước và gạo bỏ vào cối xay từ từ. Xay xong, bỏ một ít muối, hành hẹ thái nhỏ vào trong thau nước bột gạo và bắt đầu tráng bánh. Khuôn tráng bánh xèo có miệng lớn hơn bát ăn cơm, thành khuôn mỏng, cao khoảng 1,5cm, đáy bằng phẳng.
Bếp có thể tráng một lúc được nhiều khuôn. Bếp thật đỏ lửa mới bỏ khuôn lên, khi tráng bánh phải chú ý lửa thật đỏ và đều thì bánh mới dậy, hoa văn lá hành hẹ nổi lên đẹp mắt. Khi khuôn đã nóng, dùng tàu lá chuối tẩm dầu chà lên đáy khuôn rồi múc bột gạo tráng lên. Tráng đến khuôn thứ 3 thì bánh khuôn đầu đã chín.
Để có những mẻ bánh ngon, chị Trần Thị Lan phải thức dậy từ 3 giờ sáng. |
Còn đối với món bánh đúc, chị Lan cho biết, cách làm cũng không quá khó bởi bánh được nấu từ bột gạo pha với ít nước vôi trong. Tuy nhiên, để có một chiếc bánh đúc tròn trịa, đậm màu, ngon, giòn, người nấu phải có bí quyết riêng của mình và thêm chút kỳ công.
Trong đó, công đoạn pha bột gạo lứt với nước vôi trong tưởng chừng dễ dàng nhưng lại là khâu quyết định độ giòn và dẻo của bánh đúc. Nếu pha nước vôi quá tay bánh sẽ có vị mặn và nồng của vôi, pha ít thì bánh sẽ dễ nhão không được giòn. Trong quá trình nấu bánh, không để bột vón cục, không được khê hay cháy, nên cần đảo liên tục và đều tay.
Mặc dù là nghề phụ nhưng nghề làm bánh xèo, bánh đúc mang lại nguồn thu chủ yếu cho nhiều gia đình. Trung bình mỗi hộ gia đình làm bánh như chị Lan làm từ 15 đến 20kg bánh/ngày, sau khi trừ chi phí thu lãi về gần 200.000 nghìn đồng/ngày.
Thế nhưng, cũng như các nghề truyền thống khác, nghề làm bánh ở xã Quảng Hòa hiện nay cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, như: giá nguyên liệu gạo lứt khá cao, bánh làm thủ công, tốn nhiều công sức, sản phẩm làm ra chưa có thị trường đầu ra ổn định. Vì thế, lợi nhuận kinh tế từ nghề truyền thống còn thấp, đời sống của người làm nghề chưa được bảo đảm.
Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng các hộ làm bánh xèo, bánh đúc ở xã Quảng Hòa vẫn quyết tâm giữ nghề, bám nghề. Bởi lẽ, nghề bánh xèo, bánh đúc đã gắn bó với người dân, chứa đựng nét văn hóa độc đáo, cái hồn của đất quê và là một trong những món ăn đặc trưng của du khách khi đến với Quảng Bình.
Tác giả: Như Hương
Nguồn tin: baoquangbinh.vn