Người nóng như chõ xôi
Cậu bé A Phi Lal người dân tộc Chăm, sống ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo đáng sợ. Một tháng vài lần, cơ thể của cậu lại sốt cao tới 39-40 độ. Mỗi lần sốt như vậy, A Phi Lal mắt lờ đờ, mặt bừng đỏ, ăn không được, nuốt không trôi. Cha bé cố gắng dỗ con ăn dăm muỗng cơm nhưng rồi con lại nôn thốc nôn tháo ra ngoài.
Căn bệnh ung thư hạch nách hành hạ Phi Lal nhiều tháng nay. Từ một cậu bé khỏe mạnh, bụ bẫm, cơ thể em cứ gầy mòn, suy yếu dần đi. Da dẻ xanh nhợt, môi tái thâm, nhiều lúc đi còn không vững.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật hai lần để lấy khối u nhưng tương đối khó khăn bởi khố u chạm dính dây thần kinh. Sau khi lấy khối u, bé được chuyển qua điều trị bằng hóa chất và xạ trị.
Theo phác đồ, A Phi Lal sẽ phải truyền 6-7 toa thuốc hóa chất. Nếu như đáp ứng thuốc tốt, bé có thể kiểm tra lại chuyển qua giai đoạn điều trị duy trì. Tuy nhiên, 7 chu kỳ thuốc cho con là cả gánh nặng đối với kinh tế gia đình, tương lai cậu bé phía trước đang hết sức mờ mịt.
Cha “phơi” mặt ngoài đường không đủ tiền cho con chữa bệnh
Người đàn ông chúng tôi gặp có vẻ ngoài cứng rắn, trầm mặc nhưng chỉ cần nhắc đến con trai, khuôn mặt anh không giữ nổi bình tĩnh. Khóe mi giật giật, đỏ hoe, anh nghẹn lại cố ngăn những giọt nước mắt mặn chát.
Mất một hồi bình tĩnh, anh A Ly Mil cho hay, lúc này anh cảm thấy rất bất lực vì đã cố gắng hết sức mà không kiếm đủ tiền lo cho con. Hai vợ chồng có hai đứa con, đứa nhỏ mới được 2 tuổi. Hằng ngày, anh có nghề buôn mùng (màn) ở một số chợ cóc ở vùng quê.
Bé A Phi Lal đang cần lắm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ có tiền chữa bệnh. |
Số vốn để buôn bán cũng không có nhiều, quán của anh chỉ cần một cái áo mưa để trải làm sạp, một cái loa nhỏ và ngồi tạm ở ven đường bán cho đến khi vãn chợ. Công việc nhiều may rủi, hôm nhiều hôm ít, nếu chịu khó thì cuộc sống của vợ chồng con cái cũng tạm ổn.
Chị Ro Ny vừa trông con vừa làm thuê những việc vặt ở gần nhà. Nếu như bé A Phi Lal không bị bệnh thì cuộc sống của họ vẫn xoay sở được, không đến nỗi đói kém.
Con bệnh, số tiền thuốc ngoài danh mục bảo hiểm bằng cả tháng họ lăn lộn vất vả. Chưa kể tiền ăn, lo cho con nhỏ, tiền đi lại,... họ hàng khó khăn nên vay mượn cũng không đủ.
|
Chia sẻ với chúng tôi, anh A Ly Mil nói: “Tôi chăm con ở bệnh viện, chứng kiến nhiều cảnh sinh ly tử biệt lắm. Tôi không muốn con mình như thế. Cứ nghĩ cháu không ở bên chúng tôi nữa là nước mắt lưng tròng.
Tôi nuôi hy vọng sau một toa thuốc cháu sẽ khỏe dần lên. Lúc cháu đau đớn, mệt mỏi cũng chỉ biết xoa bóp cho con dễ chịu hơn. Trong đầu thì lùng bùng nghĩ cách kiếm thêm việc làm gì đó để có tiền chuẩn bị cho toa thuốc mới. Nợ đã nhiều, tiền không kiếm ra, nghĩ đến chỗ nào cũng thấy bế tắc”.
Mọi đóng góp có thể gửi về: Chị Ro Ny ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang. ĐT: 0165 918 0290 |
Tác giả: Đức Toàn
Nguồn tin: Báo VietNamNet