Bà chia sẻ tại hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm theo hướng phát triển năng lực người học” vừa diễn ra ở TPHCM, giáo viên nước ngoài chỉ làm việc với đứa trẻ trong 2 - 3 tháng là họ đã có thể nắm bắt rất rõ về tính cách, năng lực của đứa trẻ.
Những buổi họp phụ huynh, giáo viên người nước ngoài luôn hỏi phụ huynh rằng các bố mẹ có dẫn bé theo hay không. Họ xem việc trao đổi với phụ huynh về đứa trẻ khi có mặt đứa trẻ là bình thường, thậm chí là cần thiết. “Còn giáo viên mình, khi cần nói chuyện với bố mẹ mà có trẻ đi cùng thì sẽ nói Con ra ngoài để cô nói chuyện với mẹ chút. Những chia sẻ về các em, giáo viên lại không trao đổi với học trò”.
Hình ảnh người thầy Việt còn rất đạo mạo tạo nên khoảng cách giữa người dạy và người học. (Ảnh minh họa)
Theo ThS Hồng Mai, quan trọng nhất trong giáo dục là người dạy học phải tin vào tiềm năng, sức mạnh của học trò và cần nỗ lực hết sức để các em thể hiện và trải nghiệm khả năng của mình.
Bà Mai nhấn mạnh: “Chúng ta muốn có một lớp người sáng tạo, một lớp người mới thì chúng ta phải có hình mẫu của người thầy năng động. Còn người thầy ngại thay đổi, luôn gò bó thì không thể có những thế hệ học trò sáng tạo. Quan điểm giáo dục mới, chương trình giáo dục mới, phương pháp giáo dục mới trước hết là để tạo ra những người thầy năng động”.
Hiện nay, người thầy Việt vẫn nặng ở vị thế trao - cho người học kiến thức, chưa thể hiện được vai trò tạo cảm hứng, động lực cho học sinh tự học.
TS Phan Thị Thu Hiền, khoa Giáo dục Mầm non, ĐH Sư phạm TPHCM bày tỏ, giá trị của người thầy phải là người cho học sinh con đường và cảm hứng để học sinh tự tìm đến việc học.
Khi bà sang Anh học cao học, nhiều học viên đến từ Việt Nam than thở rằng… mình đã bị các trường đại học lừa rồi. Sang đây, chúng ta phải bỏ ra hơn 600 triệu đóng học phí một năm để hàng tuần chỉ lên lớp một vài lần, mỗi lần chỉ hai tiếng và chỉ để nghe ông giáo nói những điều rất vu vơ.
Nhưng sau một thời gian, người học ở Việt Nam hiểu được rằng học không phải là mang giấy bút đến chép lại lời người ta nói mà quan trọng là họ tạo được cảm hứng, ý tưởng chân trời mới cho người học cùng một tài nguyên học tập cực kỳ phong phú. Kể cả "Truyện Kiều" hay "Chinh phụ ngâm" nguyên bản tiếng Việt cũng có thể tìm thấy tại một trường đại học ở Anh. Đó chính là cốt lõi để phát triển khả năng tự học.
Để có những người thầy năng động, dám thay đổi thì cần có những sinh viên Sư phạm sáng tạo. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM cùng trao đổi về chương trình tình nguyện hè 2016.
Bà Hiền cho rằng, cốt lõi không phải là chương trình mới mà phải là người giáo viên. Chương trình đổi mới thế nào mà giáo viên không đáp ứng được thì cũng không thể đạt được yêu cầu đổi mới chương trình. Người thầy cần nắm được tinh thần giáo dục theo câu nói của một nhà khoa học: Mục tiêu tối thượng của trường học là học, không phải là dạy.
“Chúng ta đang quá chú ý, tập trung đến việc dạy của người thầy mà chưa tập trung đến việc học của học trò”, TS Hiền nói. Đồng thời, bà cho rằng các trường Sư phạm “Dạy như thế nào?” có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong vấn đề này.
PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng nếu giảng viên ở trường Sư phạm không sáng tạo thì sinh viên Sư phạm không thể sáng tạo khi trở thành những người thầy ở trường phổ thông. Khi đó, chúng ta sẽ “sản xuất” ra những sản phẩm giống nhau hàng loạt, người học không phát huy được năng lực cá nhân.
Tiết dạy chuẩn mực truyền thống mà người thầy đạo mạo truyền thụ tri thức, học sinh thì trật tự lắng nghe như nuốt từng lời của thầy đã không còn phù hợp. Giờ học hiệu quả phải có trao đổi, tranh luận sôi nổi giữa thầy và trò. Ở đó người thầy phải thăng hoa, tổ chức, hướng dẫn học sinh tiếp cận với tri thức.
“Ngay cả trang phục và cách giao tiếp giữa thầy trò cũng phải làm sao rút ngắn để dành cho quá trình trao đổi, thảo luận trong quá trình khám phá tri thức”, ông Oanh nêu quan điểm.
Tác giả bài viết: Hoài Nam