Giáo dục

Giáo viên bị nhắc nhở vì chia sẻ, bình luận bài báo về VNEN

Những người dám “like” hay “share” các bài viết về giáo dục lên trang cá nhân thường là người đã về hưu hoặc giáo viên đó phải sử dụng một tên nick khác.

LTS: Ngày 16/10 vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Giờ thì tôi đã hiểu vì sao sau gần 5 năm mô hình VNEN mới vỡ trận?” của tác giả Đỗ Quyên, ngay sau đó tòa soạn nhận được sự quan tâm đông đảo của các thầy cô trên cả nước.

Đặc biệt trong số đó nhiều giáo viên gửi ý kiến về tòa soạn với mong muốn được chia sẻ cùng đồng nghiệp về tình hình giảng dạy tại cơ sở giáo dục nơi mình đang công tác.

Trong bài viết này, tòa soạn tập hợp những ý kiến đó gửi tới độc giả. Thầy cô nào có ý kiến gì có thể gửi tới tòa soạn thông qua phần bình luận ở cuối bài báo, chúng tôi sẽ cập nhật và đăng tải.


Một giáo viên đang giảng dạy tại miền Nam chia sẻ: Sở, Phòng GD&ĐT chỉ đạo Ban giám hiệu các trường về các Nghị quyết, Thông tư, Chỉ thị của ngành kèm theo những lời nhắc nhở.

Ban giám hiệu về trường chỉ đạo giáo viên, khi đó nếu giáo viên chỉ ra nhược điểm của một phương pháp giáo dục nào đó ví dụ như VNEN hoặc kêu than dạy theo mô hình VNEN cả giáo viên và học sinh đều khổ thì Ban giám hiệu sẽ quán triệt bằng cách khẳng định, dạy và học khó là do giáo viên ngại khó, ngại khổ, không vì học sinh, giáo viên chưa hiểu hết về VNEN, giáo viên thiếu năng lực…

Oái oăm, khi nhận chỉ đạo từ Sở GD&ĐT đến Phòng GD&ĐT nên nhiều nơi Ban giám hiệu cũng ra lệnh cấm giáo viên chia sẻ, bình luận, có ý kiến trên trang cá nhân trước những bài viết trái chiều về giáo dục như Thông tư 30, VNEN…

Like, share bài báo trái chiều về giáo dục, giáo viên bị nhắc nhở (Ảnh: Báo Kiến thức)

Một giáo viên Tiểu học khác than thở: Sau khi tập huấn về mô hình VNEN về giáo viên phải tiến hành thực hiện kê bàn ghế lớp học theo mâm vì học sinh ngồi chật cứng nên tạo cơ hội cho các em nói chuyện, giáo viên thì vất vả hơn 6 lần so với mô hình truyền thống chưa kể giảng đi giảng lại nhiều lần trong một nhóm.

Bởi lẽ, khi học theo mô hình VNEN thì lớp chia thành 6 nhóm, giáo viên chạy hết nhóm này đến nhóm kia đến khi học sinh vẫn chưa hiểu bài thì cô giảng bằng bảng. Và thế, học trò vẹo cổ, lác mắt.

“Chính vì vậy, khi giảng bài nếu học sinh không hiểu bài thì tôi kết hợp cả phương pháp truyền thống vào dạy trong quá trình dạy VNEN.

Là người thường xuyên cập nhật thông tin về những đổi mới giáo dục và đưa ra ý kiến trước cuộc họp, đưa vấn đề ra bàn luận nên tôi bị nhắc nhở thậm chí Sở GD&ĐT đã chỉ đạo một đoàn về dự giờ tiết học của lớp tôi và nói lời hoa mỹ để “ép” tôi phải khẳng định VNEN là tốt.

Như vậy có khác nào họ dạy chúng tôi phải biết im lặng mặc dù thấy những điều không tốt”, giáo viên này bức xúc.

Lo ngại trước việc giáo viên tiết lộ thông tin trái chiều với báo chí truyền thông phiến diện, một giáo viên Tây Nguyên cho biết:

“Lãnh đạo có dặn với giáo viên chúng tôi rằng trước khi nói chuyện với báo chí, truyền thông thì cần báo cáo, trao đổi trước với Ban giám hiệu”.

Một giáo viên khác kể: Phòng GD&ĐT triển khai tới các Ban giám hiệu, trong cuộc họp hội đồng, họp chi bộ Ban giám hiệu phổ biến đến giáo viên nên giáo viên dù có đồng tình với những quan điểm trong bài viết trái chiều xung quanh những vấn đề giáo dục thì cũng chỉ đọc và tự suy ngẫm chứ không được “like” hay “share” bài viết ấy lên trang cá nhân của mình.

Đồng thời, giáo viên cũng không được có ý kiến bình luận gì trước những bài viết như vậy.

Cô giáo này tâm sự: “Những người dám “like” hay “share” các bài viết lên trang cá nhân thường là những người đã về hưu hoặc giáo viên đó phải sử dụng một tên nick khác mà không dám công khai thông tin cá nhân, hoặc chỉ dám đưa bài viết đó lên các nhóm kín để cùng nhau bàn luận”.

Hiện nay rất nhiều giáo viên "kêu than" về việc phải thực hiện lệnh cấm này, nếu giáo viên “like”, “share”, bình luận trên các diễn đàn sẽ bị Ban giám hiệu gọi lên nhắc nhở.

Bởi theo các nhà quản lý: “Giáo viên là người trong ngành thì phải biết bảo vệ ngành, đừng vạch áo cho người xem lưng, những gì không tốt thì phải biết giấu đi và là giáo viên thì cần phải ủng hộ chủ trương của ngành.

Giáo viên mà còn phản đối trước những đổi mới giáo dục trong cách dạy và học thì làm sao phụ huynh học sinh yên tâm”, giáo viên thuật lại.

Đồng thời, họ cũng cho rằng, người có quyền phát ngôn với các cơ quan truyền thông phải là cấp quản lý nên họ cũng cấm giáo viên tiếp xúc với báo chí.

Giáo viên này tâm sự rằng: "Vừa qua tôi có chia sẻ bài viết về vấn đề dạy thêm, học thêm thì ngay sau đó Ban giám hiệu gọi tôi lên và hỏi: “Tại sao cô chia sẻ bài viết đó”.

Tôi trả lời: “Tôi thích bài viết ấy”. Vậy là ngay lập tức tôi bị nhắc nhở trước hội đồng".

Tác giả bài viết: Thùy Linh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP