Giáo dục

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đổi mới chương trình giáo dục nên bắt đầu từ đâu?

Mỗi học sinh chỉ cần chọn khoảng 5 môn học. Bên cạnh những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, các em có thể chọn thêm những môn phù hợp với sở trường.

LTS: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài nghiên cứu của mình về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng đăng tải và mời các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước, các thầy cô, phụ huynh học sinh và học sinh trên cả nước, cùng tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà tham gia góp ý, phân tích, phản biện về đề tài này, ngõ hầu góp phần thực hiện tốt nhất công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đất nước.


Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 28/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong hai năm 2014 - 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã khẩn trương tổ chức nghiên cứu, biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sau đây gọi tắt là CT tổng thể) và ngày 05/8/2015, Bộ GDĐT đã đăng tải lên mạng dự thảo CT tổng thể để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân.

Dự thảo CT tổng thể đã được các giới trong xã hội quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc. Ngày 16/10/2015, Bộ GDĐT đã đăng tải trên mạng Báo cáo số 962/BC-BGDĐT tổng hợp và tiếp thu, giải trình đối với góp ý của các tổ chức, cá nhân cho dự thảo CT này.

Trên cơ sở góp ý của các tầng lớp nhân dân, Ban Xây dựng CT GDPT tổng thể đã hoàn thiện một bước dự thảo, thể hiện ở phiên bản tháng 12/2015.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh do tác giả cung cấp.
Nhìn chung, phiên bản mới cũng như phiên bản tháng 7/2015 đều quán triệt các quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT nêu tại các Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục, qua các diễn đàn khác nhau, vẫn cho rằng hệ thống các môn học và kế hoạch dạy học ở cấp trung học phổ thông (THPT) – giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp – chưa thực hiện đúng yêu cầu được nêu trong Nghị quyết 88 của Quốc hội là:

“Bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.

Muốn giảm tải, phải phân luồng

Trước hết, theo dự thảo CT tổng thể, học sinh vẫn phải học quá nhiều môn, không có điều kiện đi sâu vào những lĩnh vực cần cho nghề nghiệp tương lai.

Thứ hai, nội dung học tập chủ yếu vẫn giới hạn trong một số môn học truyền thống (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học); không đáp ứng được nhu cầu định hướng nghề nghiệp rất đa dạng của học sinh.

Dự thảo CT tổng thể vắng bóng hoàn toàn các môn chuẩn bị định hướng nghề nghiệp cho những học sinh có nguyện vọng theo học các ngành Kiến trúc, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu - Điện ảnh, Thể dục thể thao,...

Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Giáo dục, đã không ít lần nhắn gửi lãnh đạo Bộ: THPT phải thực sự là giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong nhiều lần phát biểu ở các hội thảo khác nhau đều “kêu” là: chúng ta dạy học sinh nhiều môn quá.

Theo Giáo sư, ở các nước phát triển, học sinh cấp THPT chỉ học khoảng 4, 5 môn. Học sinh của ta hiện nay phải học đến 14 môn thì "còn gì là người"! Với số lượng môn học nhiều thế này, học sinh học gì cũng “lớt chớt”, không thể đi sâu để chuẩn bị tiếp cận nghề nghiệp được.

Chúng tôi cho rằng, đó là những ý kiến sâu sắc, có trách nhiệm và cần được tiếp thu khi hoàn thiện dự thảo CT tổng thể và CT GDPT nói chung.

Đối với giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở), Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định:

“Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở”.

Muốn giảm tải nội dung, phải phân luồng mạnh mẽ, giúp học sinh THPT có đủ thời gian tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng / Báo Nhân Dân.
Để đáp ứng yêu cầu trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, tiểu học và THCS phải thực hiện giáo dục toàn diện và tích hợp. Điều này dự thảo CT tổng thể về cơ bản đã thực hiện được.

Tuy nhiên, đáp ứng “yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS” không phải việc dễ dàng.

Theo quan sát của chúng tôi, trong một xã hội mà từ người dân đến nhà tuyển dụng đều có tâm lý chuộng học vấn cao, bằng cấp cao và trong tình hình khan hiếm việc làm như hiện nay, có lẽ giới trẻ chưa có nhu cầu cao và ngành Giáo dục chắc cũng khó thực hiện phân luồng mạnh sau THCS.

Tuy nhiên, Ban Xây dựng CT GDPT vẫn phải rà soát để bổ sung vào CT những nội dung hướng nghiệp.

Đối với giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định:

“Giáo dục dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.

Để đáp ứng yêu cầu này, CT phải thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn.

Nên lấy lớp 10 làm dự hướng, lớp 11 và lớp 12 để học sinh tự chọn môn học

Người tự chọn định hướng nghề nghiệp và chọn những môn học phù hợp với định hướng đó đương nhiên là học sinh (HS).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo rằng HS ngay đầu cấp THPT chưa đủ độ chín để định hướng nghề nghiệp đúng sở trường và lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp đó.

Đồng thời, nếu thực hiện phân hóa sâu ngay từ đầu cấp, HS sẽ khó có khả năng chuyển sang định hướng khác một khi các em nhận thức lại. Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi, nên có một năm học “dự hướng”.

Cụ thể là ở lớp 10, HS vẫn được học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn CT hiện hành. Trừ ba môn công cụ Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ.

Môn Giáo dục Thể chất sẽ được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn. Như vậy, số lượng các môn học ở mỗi học kỳ lớp 10 chỉ vào khoảng 6 hoặc 7 môn.

Có thể phương án này khiến một số nhà quản lý băn khoăn: Trong một học kỳ, những giáo viên không có giờ dạy ở lớp 10 sẽ làm gì?

Thắc mắc này xuất phát từ nề nếp phân công giáo viên theo khối lớp: giáo viên lớp 10 thì chỉ dạy lớp 10. Nhưng chúng ta có thể thay đổi cách phân công này; bởi vì các thầy cô được đào tạo ở trường sư phạm ra hoàn toàn có thể dạy cả 3 lớp 10, 11, 12.

Sau giai đoạn dự hướng, từ lớp 11 trở đi, học sinh cần được tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng về định hướng nghề nghiệp, CT GDPT sẽ phải bổ sung nhiều môn học hoặc nội dung học tập thuộc các lĩnh vực Công nghệ, Kinh tế, Tài chính, Nghệ thuật, Thể dục thể thao v.v…

Theo tính toán của chúng tôi, mỗi học sinh chỉ cần chọn khoảng 5 môn học. Bên cạnh những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, các em có thể chọn thêm những môn phù hợp với sở trường, sở thích của mình.

Ví dụ, một học sinh dự kiến theo đuổi nghề Y sẽ chọn Toán, Hóa, Sinh; bên cạnh đó, có thể chọn thêm Ngoại ngữ, Nghệ thuật (vẽ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, thời trang,…) hoặc Thể dục thể thao (cờ vua, bóng bàn, bơi lội,…) là những môn học sinh đó yêu thích hoặc có năng khiếu nhất định.

Với giải pháp này, đối với mỗi học sinh, số môn học sẽ giảm được hơn một nửa; các em vừa có điều kiện học sâu hơn, có thời gian thực hành nhiều hơn để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai, vừa có điều kiện phát triển một số năng lực khác.

Vì được chọn tới 5 môn nên các em cũng có điều kiện chuyển sang định hướng khác, nếu thấy định hướng nghề nghiệp ban đầu chưa thật phù hợp với mình.

Giải pháp dành thời gian học sâu hơn, có điều kiện thực hành nhiều hơn còn là sự hỗ trợ cần thiết để học sinh chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai khi thời gian đào tạo đại học được rút ngắn một năm như quy định mới về hệ thống giáo dục quốc dân.

Ba phương án tự chọn

Đã nói tự chọn thì người chọn (ở đây là HS) phải được tự do chọn lựa. Điều này phù hợp với triết lý “HS là nhân vật trung tâm trong nhà trường” và cũng phù hợp với yêu cầu của CT mới là phải hình thành, phát triển cho HS năng lực tự học, tự làm chủ bản thân.

Theo phương án này, sẽ không còn các môn học bắt buộc nữa, vì về nguyên tắc, việc trang bị tri thức phổ thông nền tảng đã kết thúc ở giai đoạn giáo dục cơ bản.

Ngoài ra còn có thêm một năm dự hướng (lớp 10) làm tiền đề cho việc lựa chọn định hướng nghề nghiệp. Mỗi HS sẽ chỉ học khoảng 5 môn, bảo đảm tổng số giờ học 28 tiết/tuần.

Nếu thực hiện được phương án này, chúng tôi tin rằng tình trạng dạy thêm học thêm ở THPT sẽ giảm rất nhiều, vì HS được học các môn phù hợp với sở thích, sở trường và có đủ thời gian trên lớp để học sâu.

Mặt khác, với 5 môn tự chọn, những HS không dự thi hoặc không thi đỗ đại học, cao đẳng vẫn có thể nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống và tìm cho mình một công việc phù hợp.

Ví dụ những HS có khiếu về mỹ thuật hoàn toàn có thể tự khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang, đồ họa, hoặc ít nhất cũng có thể tự chuẩn bị cho mình và người thân những bộ đồ phù hợp.

Để hỗ trợ HS chọn được những môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình, cần có sự tư vấn của các thầy cô chủ nhiệm, thầy cô phụ trách môn học và phụ huynh học sinh, vì họ hiểu các em có năng khiếu, sở trường, thiên hướng trong lĩnh vực nào.

Tuy vậy, cũng có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương án trên. Bởi vì nếu HS được hoàn toàn tự do lựa chọn môn học thì các tổ hợp môn học do các em tự “thiết kế” cho mình có thể rất đa dạng, khó cho các trường xếp thời khóa biểu.

Băn khoăn này là chính đáng, nhưng cũng cần có sự điều tra, khảo sát ở HS, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để biết thực tế diễn ra như thế nào.

Để giải quyết khó khăn này, có thể quy định sẵn trong CT một số tổ hợp môn học, mỗi tổ hợp ứng với một nhóm ngành.

Ví dụ những HS chọn định hướng khoa học xã hội sẽ phải chọn tối thiểu 3 môn trong tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và được chọn thêm 2 môn học khác (chẳng hạn, Ngoại ngữ, Âm nhạc).

Những HS chọn định hướng khoa học tự nhiên sẽ phải chọn tối thiểu 3 môn trong tổ hợp Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và 2 môn học khác (chẳng hạn Ngoại ngữ, Tin học).

Những HS chọn định hướng nghệ thuật sẽ phải chọn tối thiểu 3 môn trong tổ hợp thuộc nhóm ngành nghệ thuật và 2 môn học khác (chẳng hạn, Ngoại ngữ, Lịch sử) v.v…

Phương án này chủ yếu để giải quyết khó khăn trong công tác quản lý. Nhược điểm của nó là hạn chế sự lựa chọn của học sinh.

Mặt khác, nếu các tổ hợp môn học bị quy định cứng trong CT thì CT GDPT khó theo kịp sự thay đổi nhanh chóng về nghề nghiệp và yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng và trường nghề.

Cũng có thể đưa ra một phương án trung hòa là CT cho phép HS được tự do lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp nhưng dành cho cơ sở giáo dục quyền xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở và địa phương mình.

Có một khó khăn chung cho cả ba phương án là không phải trường nào cũng có đủ giáo viên và cơ sở vật chất đáp ứng nguyện vọng học phân hóa rất đa dạng của học sinh.

Để khắc phục khó khăn này, cần tăng cường giáo viên các môn học và cơ sở vật chất cho các trường trên cơ sở khảo sát kỹ định hướng nghề nghiệp của học sinh địa phương.

Trong lúc chờ đợi thực hiện giải pháp căn cơ này, nhà trường có thể mời giáo viên từ các trường chuyên nghiệp tham gia giảng dạy hoặc cho phép học sinh theo học một số môn ở các trường chuyên nghiệp và những trường khác trên địa bàn có môn học phù hợp.

Việc cho phép học sinh theo học một số môn ở các trường chuyên nghiệp và những trường khác trên địa bàn có môn học phù hợp cũng là một biện pháp để giải quyết tình trạng số học sinh đăng ký học một số môn học quá ít, không đủ điều kiện tổ chức lớp.

Trong trường hợp bất khả kháng, một số trường có thể chỉ đáp ứng được nguyện vọng học phân hóa tối thiểu. Khả năng đáp ứng nguyện vọng phân hóa đa dạng có thể là một ưu thế của mỗi trường trong việc thu hút học sinh.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là một trường chỉ đáp ứng được nguyện vọng phân hóa tối thiểu sẽ không có sức hấp dẫn, nếu trường đó dạy tốt.

Trên thực tế sẽ hình thành những trường mạnh về đào tạo theo hướng phân hóa này và một số trường mạnh về đào tạo theo hướng phân hóa khác.

Xu hướng này sẽ dẫn đến khả năng hình thành những trường chuyên kiểu mới, không phải trường luyện học sinh giỏi để đi thi như bấy lâu nay, mà là những trường chuyên phục vụ một số định hướng nghề nghiệp nhất định.

Có một khó khăn không nhỏ nữa là việc tăng số môn học sẽ dẫn đến tăng giáo viên THPT.

Để giải quyết khó khăn này, có thể tích hợp một số nội dung giáo dục về kinh tế, tài chính vào các môn học thích hợp như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ,…

Nhưng dù sao, khi mở ra hướng tự chọn các môn nghệ thuật, thể dục thể thao cho những học sinh có nguyện vọng theo đuổi những ngành nghề này, chắc chắn số giáo viên nghệ thuật, thể dục thể thao sẽ tăng.

Giáo viên trường công lập tăng sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, lợi ích mà giải pháp này đem lại cho học sinh và cho nguồn nhân lực tương lai là rất lớn.

Đối với một số ngành nghề, đây cũng là cơ hội để đến sớm hơn với lớp trẻ.

Chúng tôi tin rằng trên cơ sở đánh giá một cách khoa học, cụ thể sự cân bằng giữa chi phí và lợi ích mà CT GDPT mới đem lại, chúng ta sẽ chọn giải pháp dạy học tự chọn đáp ứng định hướng nghề nghiệp của học sinh như yêu cầu của các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Tác giả bài viết: GS Nguyễn Minh Thuyết

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP