Giáo dục

Giáo dục Phần Lan - thành công từ những câu chuyện giản dị nhất

Các giáo viên ở Phần Lan dành ít thời gian ở trường học hơn những đồng nghiệp ở Mỹ. Họ sử dụng thời gian rảnh rỗi để biên soạn chương trình giảng dạy cũng như xây dựng các bộ đánh giá học sinh.

Trong khi đó, trẻ em còn dành nhiều thời gian hơn thế vào việc vui chơi ngay cả khi thời tiết chuyển giá rét. Các em gần như không phải làm bài tập về nhà và không bị bắt buộc phải đi học cho đến khi tròn 7 tuổi. “Chúng tôi không cần phải vội vàng,” Louhivuori cho biết. “Trẻ em tiếp thu tốt hơn khi chúng đã sẵn sàng. Tại sao cứ phải thúc giục chúng?”
Vì sao giáo dục Phần Lan lại thành công đến vậy? (ảnh: Smithsonian)

LTS: Phần Lan luôn nằm trong số những quốc gia được xếp hạng cao nhất trên thế giới về cải tiến, khởi nghiệp, và đặc biệt là sáng tạo trong giáo dục. Trong suốt nhiều năm qua, hệ thống giáo dục quốc gia Bắc Âu này luôn được đánh giá là một trong những nền giáo dục tiên tiến và thành công nhất toàn thế giới. Làm thế nào mà một đất nước từng chỉ biết chặt gỗ để phát triển kinh tế nay lại có thể tạo ra một trong những hệ thống giáo dục thành công nhất trên thế giới, thậm chí vượt mặt Mỹ - một trong những “cường quốc” giáo dục bấy lâu nay.

Lên đường tìm kiếm câu trả lời cho riêng mình, nhà báo kiêm nhà sư phạm LynNell Hancock đã đến một vài trường học ở nhiều khu vực khác nhau trên đất nước Phần Lan. Bà chợt nhận ra rằng, ở một quốc gia mà dân số chỉ bằng một vài tiểu bang của Mỹ cộng lại, việc dạy và học đã được nâng tầm lên thành niềm vui và đam mê của cả thầy và trò, thay vì quẩn quanh với các kỳ thi đang ngày một lỗi thời trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.

Vntinnhanh xin gửi đến các độc giả bản dịch bài viết của bà LynNell Hancock với tựa đề “Vì sao trường học ở Phần Lan lại thành công?”

“Vì sao trường học ở Phần Lan lại thành công?”

Đó là thời điểm kết thúc một học kỳ tại trường Phổ thông liên cấp Kirkkojarvi nằm ở thành phố Espoo thuộc miền Tây thủ đô Helsinki. Khi đó, Karri Louhivuori, hiệu trưởng đồng thời là giáo viên nhiều kinh nghiệm của trường, quyết định thử nghiệm một thứ gì đó mới mẻ hơn, tất nhiên là vẫn phải theo tiêu chuẩn của Phần Lan. Một trong những học sinh lớp 6 của ông – một cậu bé người Kosovo – Albania, đang dần thờ ơ với việc học tập bất chấp những nỗ lực của thầy cô giáo trong trường. Một đội ngũ các nhà giáo dục của trường, bao gồm một nhân viên công tác xã hội, một y tá và một chuyên viên tâm lý, đã thuyết phục Louhvivuori rằng cậu bé không hề lười nhác. Vì vậy, ông đã quyết định giữ cậu bé ở lại một năm, một giải pháp được cho là lỗi thời và hiếm khi đuợc áp dụng ở quốc gia Bắc Âu này.



Phần Lan đã cải thiện đáng kể trình độ của học sinh trong các môn đọc, toán và khoa học trong suốt thập kỷ qua, phần lớn vì các giáo viên tại đây được tin tưởng giao phó toàn bộ phương pháp giảng dạy nhằm giúp học sinh tiến bộ. Besart Kabashi, 13 tuổi, là một trong những học sinh được tiếp cận với phương pháp giáo dục đặc biệt như vậy.

“Vào năm đó, tôi đã nhận dạy học cho riêng một mình Besart,” Louhivuori kể lại. Khi Besart không chịu học Khoa học, Địa lý và Toán, cậu bé đã được chuyển tới ngồi cạnh bàn làm việc của Louhivuori, trước mặt các bạn học cùng lớp. Besart lấy một cuốn sách trên giá, từ từ đọc từng trang một, hết quyển này đến quyển khác cho đến khi số sách mà cậu đọc được lên đến hàng chục quyển. Đến cuối năm đó, cậu bé tị nạn người Kosovo đã chinh phục được hoàn toàn tiếng Phần Lan – thứ tiếng duy nhất trên thế giới có nhiều nguyên âm hơn phụ âm. Quan trọng hơn cả, cậu đã nhận ra rằng: Bản thân mình có thể học.

Nhiều năm sau đó, Besart, 20 tuổi, xuất hiện tại một bữa tiệc Giánh sinh ở Kirkkojarvi với một chai Cognac và một tràng cười lớn. “Thầy đã giúp con,” anh nói lời cảm ơn tới thầy giáo cũ của mình. Besart hiện đang sở hữu một xí nghiệp sửa chữa ô tô và một công ty vệ sinh của riêng anh. “Không có gì đâu,” Louhivuori nói với tôi. “Tôi làm việc này thường xuyên để chuẩn bị cho cuộc sống sau này của bọn trẻ.”


Câu chuyện về một cậu học sinh được cứu vớt ra khỏi tình trạng thất học chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thần kỳ của nền giáo dục tại quốc gia Bắc Âu nhỏ bé này. Thành công này đã truyền cảm hứng tới rất nhiều phụ huynh và các nhà hoạch định giáo dục của Mỹ. Phương pháp dạy học của Phần Lan đột nhiên trở thành một chủ đề nóng tại Mỹ sau khi bộ phim tài liệu “Waiting for Superman” (tạm dịch: Chờ đợi một Siêu nhân) được công chiếu vào năm 2010, trong đó các nhà làm phim đã sử dụng nền giáo dục tân tiến của Phần Lan để tương phản với hệ thống trường công lập đầy phức tạp của Mỹ.

Quan niệm “Bất kể kết quả như thế nào” đã thúc đẩy không chỉ 30 giáo viên tại Kirkkojarvi mà còn 62.000 nhà giáo dục đến từ 3.500 trường học tại Phần Lan. Ở đây, các giáo sư đã lựa chọn 10% sinh viên xuất sắc nhất tại các trường đại học để theo học tiếp lên bậc thạc sĩ. Quy mô nhiều trường học được thu nhỏ lại, giúp các giáo viên có thể sát sao việc học tập của từng học sinh. Nếu một phương pháp dạy học thất bại, các thầy cô giáo sẽ ngồi lại với nhau để thảo luận và tìm ra một phương pháp mới. Họ dường như muốn tạo ra và trải nghiệm các thách thức. Gần 30% trẻ em Phần Lan nhận được những sự giúp đỡ đặc biệt trong suốt 9 năm đầu bậc học phổ thông. Trường học của Louhivuori tiếp nhận 240 học sinh từ lớp 1 tới lớp 9 mỗi năm, mặc dù Phần Lan vốn được biết là một quốc gia đồng nhất dân tộc, hơn một nửa trong số 150 học sinh cấp tiểu học trong trường là dân nhập cư, từ Somalia, Iraq, Nga, Bangladesh, Estonia và Ethiopia, cho tới nhiều quốc gia khác. “Những đứa trẻ có xuất thân giàu có được hưởng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau, nhưng chúng cũng có thể được dạy dỗ bởi những giáo viên ngu xuẩn,” Louhivuori cười. “Chúng tôi cố gắng nắm bắt những học sinh yếu. Đó là mong muốn sâu thẳm của chúng tôi.”

Sự lột xác của nền giáo dục Phần Lan được khởi nguồn từ 40 năm về trước và luôn được coi là bệ phóng quan trọng trong kế hoạch phục hồi kinh tế đất nước. Tuy nhiên, những nhà hoạch định chính sách thời đó không thể ngờ rằng nó lại thành công đến như vậy. Năm 2000, kết quả từ chỉ số “Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” (PISA) - một kỳ thi chuẩn hóa nhằm kiểm tra trình độ của các học sinh ở lứa tuổi 15 tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, cho thấy trẻ em Phần Lan sở hữu khả năng đọc hiểu tốt nhất trong số các học sinh cùng lứa tuổi. Ba năm sau, các em dẫn đầu ở bộ môn Toán. Vào năm 2006, Phần Lan đứng đầu danh sách 57 quốc gia trong bộ môn Khoa học. Ba năm sau đó, đất nước Bắc Âu này đứng thứ 2 ở bộ môn Khoa học, thứ 3 ở Đọc hiểu và thứ 6 ở Toán học trong một cuộc thi được PISA tiến hành trên nửa triệu học sinh trên toàn thế giới. “Tôi vẫn còn cảm thấy ngạc nhiên,” Arjariita Heikkinen – hiệu trưởng trường Phổ thông liên cấp Helsinki, cho biết. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta lại tiến bộ như thế.”

Tại Mỹ, trong hàng chục năm qua các nhà hoạch định chính sách vẫn đang loay hoay với hàng loạt kế hoạch cải tổ nền giáo dục nước nhà. Chính phủ Mỹ đã từng có ý định áp dụng cơ chế thị trường vào hệ thống trường công của nước này. Trong những năm trở lại đây, một nhóm các nhà tài phiệt Phố Wall và các nhà hảo tâm như Bill Gates đã đổ một núi tiền nhằm thúc đẩy hệ thống giáo dục tư nhân. Đây cũng là canh bạc của Tổng thống Obama. Trong cuộc chạy đua trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, ông đã liên tục thúc giục các quan chức chính phủ hoàn thành các kỳ thi và phương pháp đánh giá giáo viên, một triết lý giáo dục hoàn toàn xa lạ với Phần Lan. “Tôi nghĩ, thật ra các giáo viên sẽ cảm thấy rất xấu hổ,” Timo Heikkinen – hiệu trưởng trường Helsinki với 24 năm kinh nghiệm dạy học, cho biết. “Nếu chỉ dựa theo số liệu thống kê khô khan thì các ông đã để lỡ mất phần con người của họ.”


Phần Lan không hề có một kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc nào, trừ một kỳ thi cuối năm học ở bậc trung học phổ thông. Không hề có xếp hạng, so sánh hoặc cạnh tranh giữa các học sinh, trường học hay khu vực. Các trường học tại Phần Lan được tài trợ bởi chính phủ và được vận hành bởi các quan chức trong chính quyền, quan chức cấp nhà nước và viên chức địa phương, chứ không phải các doanh nhân, tướng lĩnh quân đội hay chính trị gia, mới là những nhà giáo dục. Mọi trường học đều chung các mục tiêu quốc gia và các mục tiêu này đều được xây dựng từ các chuyên gia giáo dục có chứng chỉ ở các trường đại học.

Kết quả là, một học sinh người Phần Lan dù đến từ thành thị hay nông thôn đều được hưởng nền giáo dục như nhau. Khoảng cách giữa các học sinh giỏi nhất và yếu nhất ở đây là nhỏ nhất thế giới, theo kết quả từ một cuộc thăm dò gần đây nhất tiến hành bởi Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). “Bình đẳng là từ quan trọng nhất trong nền giáo dục Phần Lan. Tất cả các đảng phái chính trị, dù ở phe tả hay phe hữu, đều đồng ý với nhận định trên,” Chủ tịch hiệp hội giáo viên Phần Lan Olli Luukkainen, chia sẻ.

93% dân số Phần Lan tốt nghiệp từ các trường phổ thông hoặc dạy nghề, cao hơn 15,5% so với Mỹ, trong khi 66% số này theo đuổi tiếp con đường học vấn cao hơn, cao nhất trong số các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Điều đáng nói là số tiền mà chính phủ Phần Lan đầu tư vào mỗi học sinh nước này chỉ bằng 30% so với Mỹ.

Tuy nhiên, người dân Phần Lan vẫn khá hờ hững với các thành tích kể trên. Họ vui mừng khi thấy đội tuyển nước nhà vô địch giải khúc côn cầu thế giới nhưng lại không hề đếm xỉa tới các điểm số thuộc hệ thống PISA. “Chúng tôi chuẩn bị cho trẻ em cách để học, chứ không phải cách để thi,” Bộ trưởng bộ Giáo dục Phần Lan Pasi Sahlberg trình bày. “Chúng tôi không quan tâm lắm tới PISA. Kỳ thi này không nói lên điều gì về chúng tôi.”

Maija Rintola đứng trước lớp học với các em học sinh lớp 1 đang trò chuyện rôm rả với nhau. Cô giáo 20 tuổi đang cùng với học sinh tham gia lế hội sinh viên Vappu - một ngày lễ lớn vào cuối tháng Tư để các sinh viên, học sinh vui chơi mừng mùa xuân và mừng năm học sắp kết thúc. “Việc vui chơi rất quan trọng với các em ở lứa tuổi này. Chúng tôi coi trọng những giờ phút đó.”

Các giáo viên ở Phần Lan dành ít thời gian ở trường học hơn những đồng nghiệp ở Mỹ. Họ sử dụng thời gian rảnh rỗi để biên soạn chương trình giảng dạy cũng như xây dựng các bộ đánh giá học sinh. Trong khi đó, trẻ em còn dành nhiều thời gian hơn thế vào việc vui chơi ngay cả khi thời tiết chuyển giá rét. Các em gần như không phải làm bài tập về nhà và không bị bắt buộc phải đi học cho đến khi tròn 7 tuổi. “Chúng tôi không cần phải vội vàng,” Louhivuori cho biết. “Trẻ em tiếp thu tốt hơn khi chúng đã sẵn sàng. Tại sao cứ phải thúc giục chúng?”


Ở Phần Lan, rất hiếm khi chúng ta nghe thấy những câu chuyện kiểu như trẻ em bị bỏ đói hay không có nơi nương tựa. Chính phủ cho phép các bà mẹ được nghỉ phép 3 năm sau khi sinh nở và cung cấp hỗ trợ cho cả cha lẫn mẹ. Khi những đứa trẻ lên 5 tuổi, các em sẽ được đến trường mẫu giáo mà không phải đóng góp bất kỳ khoản tiền nào, đặc biệt tại đây, trẻ em được tập trung vui chơi và giao tiếp với xã hội. Đối với các bậc phụ huynh, trong một tháng tháng họ sẽ nhận được 150 euro từ nguồn ngân sách nhà nước để chăm sóc và nuôi nấng mỗi một người con cho đến khi chúng bước sang tuổi 17. Con số thống kê cho thấy, có tới 97% trẻ 6 tuổi ở Phần Lan đăng ký các lớp mẫu giáo, nơi các em sẽ được chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản cho chương trình phổ thông. Các trường học cung cấp đồ ăn, chăm sóc sức khỏe, tư vấn và dịch vụ taxi nếu bất kỳ học sinh nào cần. Chương trình chăm sóc sức khỏe cũng được miễn phí đối với toàn bộ học sinh.

Mặc dù nền giáo dục Phần Lan không quá chú trọng vào việc dạy chữ cho học sinh mẫu giáo lớn, Rintola cho biết, các em học sinh lớp 1 khóa này của cô đều đã đọc, viết thành thạo. Như vậy, mục tiêu quốc gia của Phần Lan trong vòng 5 năm vừa qua gần như đã được hoàn thành trên phần lớn học sinh bậc tiểu học tại đây.

Tuy vậy không phải là không có những ngoại lệ, dù hiếm hoi. Ở trường học nơi Rintola giảng dạy đã từng có một học sinh 7 tuổi đến từ Thái Lan. Do em không thể nói được tiếng Phần Lan, nhà trường đã bố trí cho em một lớp học đặc biệt được phụ trách bởi một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đa văn hóa. Mục đích của lớp học là nhằm giúp các em học sinh đến từ nhiều quốc gia bên ngoài Phần Lan bắt kịp với các kiến thức phổ thông cho dù vẫn đang phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ. Các giáo viên ở Kirkkojarvi được trang bị nhiều kỹ năng để giúp các em học sinh nhập cư hòa nhập với trường lớp. Ở thành phố Espoo, các giáo viên nguồn và chuyên viên tư vấn có thể nhận được mức lương ưu đãi lên tới 82,000 euro mỗi năm.

Rintola tiếp tục dạy các em học sinh khóa này cho đến năm sau và có thể là cả 5 năm sau đó tùy theo nguyện vọng của trường. “Đó là một hệ thống giáo dục tốt. Tôi có thể thân thiết với các em,” Rintola tâm sự. “Tôi hiểu rõ các em.” Bên cạnh tiếng Phần Lan, Toán và Khoa học, học sinh lớp 1 được học Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tôn giáo và Thủ công. Tiếng Anh sẽ được giảng dạy ở lớp 3, còn tiếng Thụy Điển sẽ được đưa vào chương trình học của lớp 4. Học sinh lớp 5 ở Phần Lan sẽ được học Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Vật lý và Hóa học.


Đặc biệt, trước khi bước vào lớp 6, học sinh sẽ được tham gia bất kỳ một kỳ thi cấp quận trở lên nếu có nguyện vọng và phải nhận được sự chấp nhận của giáo viên chủ nhiệm. Hầu hết các em đều tham gia vào kỳ thi này, chủ yếu là vì tò mò. Kết quả của kỳ thi không được công bố rộng rãi. Nói về các kỳ thi, các nhà giáo dục ở Phần Lan vẫn không thể lý giải tâm lý cuồng thi cử của các đồng nghiệp Mỹ. “Những người Mỹ ưa thích số liệu và các biểu đồ lòe loẹt,” Louhivuori nói đùa. “Có vẻ 2 năm về trước chúng tôi đã làm tốt hơn bình thường. Điều này chẳng có nghĩa lý gì. Chúng tôi hiểu lũ trẻ hơn kết quả các bài thi.”

Tôi tới Kirkkojarvi để tìm hiểu xem các cách tiếp cận của Phần Lan đạt hiệu quả đến đâu đối với các học sinh không có gốc gác Phần Lan thuần chủng. Để đánh giá, tôi thấy không ít người Mỹ có tư tưởng bảo thủ dường như không tỏ ra quá hào hứng với những thành tựu mà quốc gia bên bờ biển Baltic đạt được. Họ cho rằng, nước Mỹ không cần phải học tập theo mô hình giáo dục của một đất nước với chỉ vỏn vẹn 5,4 triệu người – 4% trong số đó còn sinh ra ở nước ngoài. Na Uy, quốc gia láng giềng với Phần Lan, sao chép gần như nguyên bản các chính sách giáo dục của Mỹ. Và cũng như Mỹ, chỉ số PISA của Na Uy chỉ đứng ở nhóm trung bình trong vòng 1 thập kỷ qua.

Để khẳng định hơn nữa, tôi tới thăm các trường học từ Espoo tới Helsinki rồi thị trấn Siilitie – nơi vốn được biết tới với các chính sách lâu đời nhất nhằm hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tại một ngôi trường hơn 50 năm tuổi nằm gọn trong một khu rừng ở Siilitie, gần một nửa trong số 200 học sinh từ lớp 1 tới lớp 9 mắc các khuyết tật trên cơ thể và gần như không có cơ hội học tập. Thế nhưng, nhà trường vẫn sắp xếp cho các em theo học cùng với các học sinh bình thường khác để bắt kịp với các chính sách giáo dục của chính phủ.

Tại đây, tôi được chứng kiến cảnh tượng các em học sinh lớp 1 vui chơi và chạy nhảy dưới gốc cây. Được biết đây là hoạt động trong một buổi học toán của các em. “Hãy tìm một cành cây to bằng bàn chân các em,” giáo viên ra mệnh lệnh. “Tập hợp 50 viên đá và hạt dẻ rồi chia chúng thành các nhóm gồm 10 viên.” Thầy giáo Aleksi Gustafsson, xây dựng các bài tập này sau khi tham gia một khóa huấn luyện dành cho các giáo viên. “Tôi từng nghiên cứu về tác dụng của nó đối với trẻ em. Các em sẽ cảm thấy vui vẻ khi được học tập ngoài trời,” Gustafsson cho biết.

Trường học của Gustafsson nhận được 47.000 euro mỗi năm để thuê cho các giáo viên phụ trách giảng dạy đặc biệt. Mức lương dành cho họ cũng cao hơn các đồng nghiệp khác bởi thời gian họ dành cho việc học tập trên giảng được đại học dài hơn, cũng như nhu cầu dành cho nhóm giáo viên này đang ngày một tăng lên. Ở Siilitie, cứ mỗi giáo viên (hoặc trợ giảng) có nhiệm vụ phụ trách 7 học sinh.

Chia sẻ với tôi, hiệu trưởng Arjariita Heikkinen cho biết, chính quyền Helsinki đã nhiều lần có ý định đóng cửa trường học bởi ngày càng có ít học sinh ở khu vực lân cận tới trường. Những lúc đó, người dân lại bảo nhau quyên góp tiền để giữ lại trường. Kết quả là, gần như 100% học sinh lớp 9 ở đây đủ điều kiện theo học tiếp ở bậc trung học phổ thông. Ngay cả những em học sinh khuyết tật cũng có thể dễ dàng tìm được một lớp học trong hệ thống trường dạy nghề ở Phần Lan. “Chúng tôi giúp các em tìm được ngôi trường phù hợp. Chúng tôi quan tâm tới cuộc sống của các em trong tương lai,” phó hiệu trưởng Anne Roselius tâm sự.

Tuy vậy, trường học ở Phần Lan không phải lúc nào cũng tuyệt vời. Trước những năm 1960, hầu hết học sinh bỏ học sau khi hoàn thành xong chương trình học lớp 6. Những em khác theo học ở các trường tư, trường chuyên hoặc trường làng, nơi sự quản lý của giáo viên bớt nghiêm khắc hơn. Chỉ có những ai có gia đình khá giả mới có thể hoàn thành toàn bộ chương trình học các cấp.

Tình hình chỉ bắt đầu cải thiện kể từ năm 1963 khi chính phủ Phần Lan quyết định tạo ra bước đột phá đối với kinh tế đất nước bằng việc cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục đã trì trệ và lạc hậu trong nhiều thập kỷ qua. “Tôi gọi nó là Giấc Mơ Lớn của giáo dục Phần Lan”, Pasi Sahlberg – một nhà sư phạm làm việc cho Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan, kể lại. “Đơn giản, chúng tôi chỉ có mong muốn rằng mọi trẻ em đều được theo học tại một ngôi trường công chất lượng. Nếu muốn cạnh tranh, chúng tôi cần phải phổ cập giáo dục cho tất cả mọi người. Điều này xuất phát từ nhu cầu được sống và tồn tại của con người.”

Trên thực tế, nếu người dân Phần Lan không thực tế, những chính sách đó có thể bị lờ đi. Trước đó, các nhà lập pháp của nước này xây dựng một bản kế hoạch trong đó đặt nền móng cho giáo dục quốc gia. Các trường công lập sẽ được tổ chức thành một hệ thống các trường liên cấp, hay còn được gọi là peruskoulu, dành cho các học sinh từ 7 đến 16 tuổi. Giáo viên trên khắp cả nước đều được đóng góp vào xây dựng bộ sách giáo khoa quốc gia, trong đó bao gồm các hướng dẫn thay vì những điều lệnh cứng nhắc. Bên cạnh tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển (ngôn ngữ chính thức thứ 2 của quốc gia), trẻ em có cơ hội được học một ngôn ngữ thứ 3 (một trong số đó là Tiếng Anh) kể từ 9 tuổi trở đi.

Quyết sách quan trọng thứ 2 được công bố vào năm 1979 khi các nhà cải cách giáo dục đòi hỏi mỗi giáo viên phải có bằng thạc sĩ 5 năm tại 1 trong số 8 trường đại học lớn nhất trên cả nước. Toàn bộ học phí sẽ được chi trả bằng ngân sách nhà nước. Kể từ đó, vị thế của nghề giáo ở Phần Lan được đứng ngang bằng với hai nghề cao quý khác là bác sĩ và luật sư. Các sinh viên đổ dồn vào các trường đại học sư phạm, không chỉ bởi giáo viên là ngành nghề có mức lương cao mà còn bởi các thầy cô giáo ngày càng có quyền tự chủ và được xã hội tôn trọng. Theo Sahlberg, trong năm 2010, 6,600 ứng cử viên đã nộp đơn ứng tuyển vào 660 vị trí trong các trường tiếu học.

Đến giữa những năm 1980, việc kiểm tra và quản lý các chính sách giáo dục được bàn giao cho các chính quyền địa phương. Sách giáo khoa môn Toán từ lớp 1 đến lớp 9, giảm xuống còn 10 trang. Việc tuyển chọn học sinh giỏi cũng đã bị bãi bỏ. Tất cả học sinh đều được theo học cùng một lớp học bất kể trình độ ra sao. Các lớp học được bố trí nhiều giáo viên đặc biệt có nhiệm vụ hỗ trợ các em và đẩm bảo rằng không có học sinh nào bị tụt lại quá xa. Văn phòng thanh tra giáo dục bị đóng cửa hoàn toàn kể từ năm 1990, để lại quyền tự kiểm tra cho hiệu trưởng và các giáo viên. “Chúng tôi có động lực của riêng mình để đạt được thành công bởi chúng tôi yêu công việc của mình,” Louhivuori nói.


Các chỉ số khoa học quốc tế của Phần Lan mới chỉ tăng lên trong thập kỷ trở lại đây. Trước đó, bộ sách giáo khoa đầu tiên của nước này được đưa vào giảng dạy trong thập niên 70 của thế kỷ trước dày tới 700 trang. Timo Heikkinen, hiện đang là hiệu trưởng trường liên cấp Kalahti, nhớ lại rằng vào năm 1980, các giáo viên ở các trường công lập chỉ biết ngồi trên bàn và quát mắng học sinh.

Tuy vậy, thách thức dành cho giáo dục Phần Lan vẫn đang ở phía trước. Sự sụp đổ của nền tài chính trong giai đoạn đầu những năm 1990 đã mang lại những thách thức mới cho quốc gia Bắc Âu này. Cùng thời điểm đó, làn sóng người nhập cư đổ dồn về đây đã gây áp lực lên các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp và hệ thống giáo dục. Báo cáo mới nhất của Viện hàn lâm Phần Lan cho thấy xu hướng phân biệt chủng tộc đang ngày một nghiêm trọng, khi các học sinh Phần Lan da trắng lựa chọn các trường học với tỷ lệ học sinh nhập cư và gia đình có thu nhập thấp không quá lớn.

Một vài năm trước đó, Heikkinen bắt đầu nhận ra rằng, những bậc phụ huynh Phần Lan giàu có đang tỏ ra lo ngại về số lượng học sinh gốc Somali tăng lên từng năm ở Kallahti. Họ quyết định gửi những đứa con tới học ở các trường khác. Đáp lại, Heikkinen và các thầy cô giáo đã thiết kế ra những khóa học khoa học môi trường bằng cách tận dụng vị trí đặc biệt của ngôi trường – nằm bên trong một cánh rừng. Và một phòng thí nghiệm sinh học với công nghệ 3D cho phép các em học sinh lớp trên quan sát dòng máu đang chảy trong cơ thể.

“Nó đã phát huy tác dụng,” Heikkinen thừa nhận. Tuy nhiên ông vẫn tỏ ra khiêm nhường trước những thành công của trường: “Nhưng chúng tôi vẫn đang tìm kiếm nhiều phương pháp phát triển.”

Hay nói một cách khác, bất kể kết quả như thế nào.

Tác giả bài viết: Nam Anh (dịch từ Smithsonian Magazine)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP