Chuẩn đầu ra để... cho có
Vấn đề chất lượng giáo dục ĐH nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung rất ít khi làm hài lòng các bên liên quan trong xã hội. Nhiều trường ĐH công đều phản ánh mức đầu tư tài chính cho giáo dục ĐH rất thấp so với nhiều quốc gia phát triển..., kéo theo nhiều hệ lụy về chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Để bảo đảm nguồn thu và đáp ứng nhu cầu chi, các trường ĐH công đều có xu hướng mở rộng quy mô đào tạo bằng nhiều cách, kể cả hạ thấp chuẩn đầu vào, dễ dãi trong quản lý học tập và đánh giá sinh viên, tiết kiệm ngân sách dành cho thí nghiệm, thực tập hoặc quan hệ doanh nghiệp, đầu tư giáo trình và cơ sở vật chất. Khi tỉ lệ sinh viên trên 1 giảng viên quá lớn thì không có cách dạy nào hơn là dạy theo kiểu thuyết trình, chủ yếu cung cấp kiến thức cho sinh viên...
Xét về phương diện tài chính giáo dục ĐH, có thể xem chi phí đào tạo ĐH ở nước ta vào hàng các nước thấp nhất. Ngày nay, không có chuyện nhanh, nhiều, tốt, rẻ trong đào tạo ĐH được. Bên cạnh cơ chế tài chính khó khăn, việc quản lý tài chính cũng như các hoạt động khác của không ít trường dường như kém hiệu quả, thể hiện qua việc tổ chức xây dựng, thực hiện chương trình, các chuyến đi công tác nước ngoài, chi giao dịch tiếp khách, đầu tư không đúng chỗ, đúng lúc để phù hợp với kế hoạch, chiến lược của nhà trường.
Sinh viên một trường ĐH tại TP HCM trong lễ tốt nghiệp Ảnh: Tấn Thạnh
Trong bối cảnh tài chính giáo dục ĐH còn nhiều ràng buộc và quản trị giáo dục ĐH còn hạn chế về trách nhiệm giải trình cùng tính minh bạch tài chính và chất lượng, liệu có thể có biện pháp khả thi nào cải thiện được chất lượng giáo dục ĐH hiện nay?
Nghiên cứu về chương trình đào tạo ở nhiều trường ĐH cho thấy trường nào tiếp cận sớm với cách thiết kế các chương trình của quốc gia phát triển thì nhìn chung chất lượng ở trường đó có chuyển biến. Từ năm 2008, ngành giáo dục yêu cầu tất cả các trường phải xây dựng chuẩn đầu ra nhưng đến hơn 1 năm sau, chỉ có một số ít trường xây dựng và công bố. Hiện nay, hầu hết các trường đã công bố chuẩn đầu ra nhưng nếu nghiên cứu thực tế thì hầu hết đều viết cho có, thiếu phối hợp với nhà sử dụng lao động, thiếu các chuẩn mực sư phạm (lẫn lộn giữa kiến thức và kỹ năng, thiếu tương thích với nhu cầu...), không rõ ràng để dựa vào đó phát triển nội dung, phương pháp dạy và thi kiểm tra đánh giá, thiếu tham khảo chương trình nước ngoài...
Có thể nói, có đến trên 80% trường ĐH, CĐ xây dựng chuẩn đầu ra đều bị các lỗi nêu trên. Bên cạnh đó, chuẩn đầu ra viết một đằng, nội dung chương trình viết một nẻo và thi kiểm tra đánh giá còn khác xa nữa. Sự áp đặt chủ quan của những người xây dựng chuẩn đầu ra cũng như chương trình đào tạo là nguyên nhân gây ra tình trạng không đáp ứng nhu cầu năng lực ở thị trường lao động.
Bỏ quên đánh giá chương trình
Hạn chế dễ thấy nhất là chương trình giáo dục tổng quát (còn gọi là giáo dục đại cương) vì rất ít khi sinh viên được giảng viên cắt nghĩa việc sử dụng kiến thức đã học cho những bộ môn khoa học tiếp sau, nhất là các môn khoa học chính trị hay toán cao cấp. Nhìn chung, các chương trình này hiện chưa hiệu quả, không góp phần hình thành năng lực, thái độ nghề nghiệp, nhân cách; thiếu thích ứng nhu cầu mà tốn thời gian, chưa thực sự tạo cho sinh viên hứng thú học tập.
Hạn chế nữa là hiện nay, chương trình đào tạo ĐH không tính đến chất lượng đầu vào của sinh viên cũng như định hướng đào tạo theo nghiên cứu hay hướng khoa học ứng dụng để thiết kế phù hợp với tải trọng (learning load) của người học. Năng lực học tập của người học đa dạng (điểm tuyển sinh, liên thông, vừa làm vừa học...) nhưng việc tổ chức chương trình đào tạo không khác biệt, tốc độ giảng dạy chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Vì thế, người sử dụng lao động hay “chê” sinh viên tốt nghiệp theo chương trình liên thông là vậy.
Việc sắp xếp thực hiện chương trình hiện nay cũng như phân công giảng viên dạy cho sinh viên năm thứ nhất ở không ít trường còn chưa phù hợp; chưa coi tiếng Anh là một trong các công cụ quan trọng, là tiền đề thiết yếu để sinh viên có thể truy cập, tìm hiểu kho tài nguyên tri thức vô tận của loài người.
Hạn chế nữa trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá chương trình là ít có sự tham gia của các doanh nghiệp. Việc đi thực tập ở doanh nghiệp là phần quan trọng để giúp hình thành năng lực của sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, phần nhiều các trường thiếu rõ ràng trong việc xác định mục đích, chuẩn đầu ra sau đợt thực tập, kế hoạch phân công giảng viên của trường, chuyên gia doanh nghiệp và hình thức đánh giá sinh viên sau mỗi đợt thực tập ngoài nhà trường... Rất nhiều trường ngại đổi mới chương trình đào tạo và hầu như không có đánh giá chương trình đào tạo sau một khoảng thời gian nào đó, cũng chẳng biết đến kỹ thuật đánh giá một chương trình để từ đó đổi mới tốt hơn.
Đừng để lạc lõng khi hội nhập Để khắc phục các hạn chế về chương trình đào tạo, các trường cần sớm rà soát lại chuẩn đầu ra dựa vào Khung trình độ quốc gia nhằm bổ sung chương trình, tinh giản, loại bỏ những nội dung không cần thiết và thiết kế phương pháp, chiến lược dạy học cũng như đo lường, đánh giá sinh viên. Các trường cần sớm đưa tiếng Anh vào giảng dạy tăng cường ở năm thứ nhất. Chương trình đào tạo có thể xem là xương sống trong hoạt động của một trường ĐH. Vì thế, cần tham khảo các chương trình đào tạo ĐH ở nước ngoài, nhân rộng những thành công của chương trình tiên tiến... để chương trình của ta đỡ lạc lõng trong tiến trình hội nhập. Có chương trình tốt rồi thì các yếu tố về đội ngũ giảng viên và người học sẽ ảnh hưởng hết sức quan trọng đến chất lượng đào tạo. |
Tác giả bài viết: Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh
Nguồn tin: