Trong nước

Giang hồ trên xe buýt: Nỗi khiếp đảm của hành khách

Để lừa đảo hành khách chiếm đoạt tài sản, các băng nhóm này đều có “nguyên tắc” hành nghề khá bài bản từ chuyện ăn mặc, nói năng, đặc biệt phải “hiểu luật” khi “xử” hành khách...

Clip giang hồ chửi, đánh hành khách trên xe buýt
Nhóm Chánh “già” leo lên xe buýt tuyến 12 (Bến Thành - Giang Điền, Đồng Nai) dùng chiêu bài bán thuốc “thần dược”, chiếm đoạt 200.000 đồng của một người ở Nghệ An sáng 7-11

Trong giới giang hồ buôn “thần dược” lừa đảo trên các tuyến xe buýt, ông Cường được xem là “sư phụ” nhờ gắn bó với việc này hàng chục năm qua. Ông Cường cũng là người “truyền nghề” cho ra lò nhiều thế hệ đệ tử.

“Để sống được trong nghề này, trước tiên phải ăn mặc chỉn chu, đầu tóc gọn gàng kết hợp với giọng nói truyền cảm” - ông Cường chỉ dạy.

Đọc vanh vách Luật hình sự

Cường quê gốc Hà Nội, sinh ra ở Nha Trang, cưới vợ người Bến Tre và từ đó chuyển về TP.HCM sinh sống.

Một thời gian dài, Cường bán “thần dược” ở khu vực cầu vượt Bình Phước (Q.Thủ Đức) và nói quen biết với nhiều đại ca giang hồ cộm cán ở khu vực bến xe Lam Hồng (Bình Dương) như M. “thu”, T. “chó”, B. “lục”...

Do cơ quan chức năng truy quét gắt gao, cộng thêm “hết bài” nên Cường chuyển xuống thuê một nhà trọ trên đường Vũ Hồng Phô (P.Bình Đa, TP Biên Hòa, Đồng Nai), giá 600.000 đồng/tháng để tiện hành nghề.

Sáng sớm và chiều tối hằng ngày, ông này thường “đóng đô” tại các quán cà phê quanh khu vực bến xe Tam Hiệp và canh xe buýt số 12 để lên lừa đảo. Theo Cường, trước kia ông cũng thu nạp nhiều đệ tử nhưng khi “đủ lông đủ cánh”, họ tách ra thành lập nhóm mới.

Cường dạy: “Lên xe phải nói mình là người của một nhà thuốc có uy tín và muốn giới thiệu các bài thuốc nam cho mọi người áp dụng. Sau đó, phát cho mọi người một tờ giấy ghi đầy đủ thông tin, ai tin thì mua với giá 2.000 đồng. Khi thu được các tờ bạc lẻ, mình sẽ trả lại để họ tin tưởng, rồi giở bài giới thiệu, bán các vỉ thuốc Piromax”.

Cường tiết lộ sở dĩ kiếm được trăm ngàn đồng từ vỉ thuốc chỉ 3.000 đồng là do mình đánh trúng tâm lý, lòng tham của con người.

“Ai tham thì mua, còn nếu ai không mua mà còn mở miệng phàn nàn và những người cầm thuốc mà không mua rất dễ bị đòn” - Cường nói.

Để “hành nghề”, Cường cho biết các băng nhóm đều thủ thân những kiến thức về pháp luật.

Ví dụ: điều 133 Bộ luật hình sự là tội cướp tài sản, điều 136 là tội cướp giật tài sản, điều 138 là tội trộm cắp tài sản và điều 143 là tội hủy hoại tài sản... Vì vậy, đánh sưng mày sưng mặt không sao nhưng đập chiếc xe bể kính là dính vào tội hủy hoại tài sản, bị đi tù từ 6 tháng đến 3 năm, còn đánh người gây thương tích, trên 11% là truy cứu trách nhiệm hình sự - Cường đọc vanh vách.

Cường còn thú nhận trong quá trình “hành nghề” có lúc “mất bình tĩnh” nên đánh khách nhưng chỉ đánh ở phần mềm. “Nói chung nhiều đứa làm nghề này bị bắt nhiều lần nhưng cũng chỉ phạt cảnh cáo rồi về thôi vì khó có thể lấy được bằng chứng” - Cường khẳng định.

Chánh “già” và Sơn “móm” vào một tiệm thuốc tây ở Q.9 (TP.HCM) mua 5 hộp thuốc PIROMAX giá 150.000 đồng. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau, kháng viêm nhưng nhóm đối tượng nổ là “thần dược” bán với giá "cắt cổ”

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Ngoài ông Cường và băng Chánh “già” còn có ba băng khác hoạt động dọc tuyến quốc lộ 1 (từ Suối Tiên về ngã ba Trị An, Đồng Nai).

Dù vậy, các băng giang hồ này đều tuân thủ quy luật “nước sông không phạm nước giếng”. Lên xe bắt gặp “đồng nghiệp”, các đối tượng lên sau buộc phải ngồi làm “khán giả”, cổ vũ cho “đồng nghiệp” giở trò.

Điều tra của Tuổi Trẻ cho thấy trong bốn băng giang hồ này nổi cộm hơn hẳn là băng của Chánh “già” bởi lực lượng trẻ, đông đảo, hoạt động có tổ chức và manh động.

Băng này ngoài nòng cốt gồm Chánh “già”, Sơn “móm”, Cát “lũ”, mới thu nạp thêm hai đối tượng trẻ, to con để đảm trách nhiệm vụ “xử” hành khách hay nhà xe chống đối.

Trong số các đối tượng này, Chánh “già” đang thuê khách sạn ở gần khu vực Suối Tiên (Q.9), Sơn “móm” thuê phòng trọ phía sau Big C (P.Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai), ba đối tượng còn lại sống lang bạt ở TP.HCM.

Trước đây, có thời gian dài băng Chánh “già” từng là nỗi khiếp đảm của hành khách trên các tuyến xe khách, xe buýt từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây hoặc “cắm chốt” ở cầu Ông Bố (Bình Dương), trấn lột khách trên các xe về các tỉnh Tây nguyên. Có khi băng Chánh “già” còn ra tận các cung đèo ở các tỉnh miền Trung để hoạt động.

Cách đây khoảng bốn năm vào thời điểm cận tết, băng này trúng mánh khi lừa bán thuốc được gần 8 triệu đồng trên xe khách.

Tuy nhiên bị nhà xe phản ứng, khóa cửa, không cho băng này xuống nên xảy ra đánh nhau. Nhóm này sau đó bị đưa về công an làm việc và bị phạt mỗi người 2 triệu đồng về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.

Hiện nay, băng này thường xuyên đón xe khách ở các trạm xe buýt gồm ngã ba 621, Tân Vạn (giáp ranh TP.HCM và Bình Dương), ngã ba Vũng Tàu, Bồn Nước, bến xe Tam Hiệp và cầu vượt Amata (Đồng Nai).

Mỗi lần hành sự nhóm này thường đi 4-5 người để dễ bề uy hiếp nhà xe và hành khách.

Ngoài hoạt động liên tục trên các tuyến xe buýt liên tỉnh (tuyến 12, 602, 604), vào thời gian buổi sáng từ 6g-10g, chiều từ 16g-19g băng này còn giở trò khống chế một số xe khách từ TP.HCM về các tỉnh miền Trung, miền Bắc để leo lên chiếm đoạt tài sản của khách.

“Chỉ cần nó ngoắc tay mà không ghé thì không bị rượt đánh, đập bể kính xe thì cũng đừng hòng bắt khách ở các trạm. Thậm chí nhà xe đó nên bán xe nghỉ luôn vì không còn đất sống” - một tài xế tiết lộ.

Với thủ đoạn lừa đảo trắng trợn, mỗi ngày băng Chánh “già” chiếm đoạt của khách trên 5 triệu đồng.

Với chiêu bài tương tự, băng giang hồ này tiếp tục chiếm đoạt 2,2 triệu đồng của hai người trên xe khách Quang Hạnh ngày 9-11

Dằn mặt cả cán bộ kiểm tra

Dù bị các băng nhóm giang hồ đe dọa, chiếm đoạt tài sản nhiều năm qua nhưng cả tài xế và hành khách đều không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù.

“Nhìn thấy bọn chúng từ xa nếu không có khách tụi tôi làm lơ chạy qua luôn. Tụi tôi rất sợ tụi nó ném kính trả thù, nhiều xe vì ngó lơ nên bị bọn chúng đập vỡ kính” - một tiếp viên xe buýt số 12 nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Tài - giám đốc Trung tâm Quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT Đồng Nai) - cho biết hiện tượng các băng nhóm giang hồ hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách trên xe buýt trung tâm đang rất đau đầu.

Tuy nhiên, ông Tài cho rằng để xử lý dứt điểm tình trạng này rất khó. Do các băng nhóm hoạt động theo kiểu liều mạng nên các HTX, tài xế, lơ xe khó hợp tác vì sợ bị trả thù.

“Các băng nhóm giang hồ này hoạt động trải dài từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Họ đã từng đe dọa, đánh người. Ngay cả cán bộ trung tâm khi đi kiểm tra cũng bị các đối tượng dằn mặt nên mỗi lần đi kiểm tra phải đi nhiều người và “thủ” thêm khúc cây phòng thân.

Với các nhà xe không cho bán, các đối tượng chặn đường không cho xe buýt chạy, thậm chí chúng còn gọi vào số điện thoại trung tâm chửi bới” - ông Tài nói.

Theo ông Tài, trước tình hình này, ngoài việc dán thông tin cảnh báo, đơn vị sẽ yêu cầu công an vào cuộc xử lý.

Ông Trần Bá Hòa - chủ nhiệm HTX dịch vụ vận tải Đoàn Kết (Đồng Nai), một trong ba đơn vị quản lý tuyến xe buýt 604 - cho biết không dám “vạch mặt chỉ tên” các đối tượng giang hồ này mà chỉ biết đánh động hành khách tự giữ tài sản khi lên xe.

Ông Nguyễn Văn Trị - phó chủ nhiệm HTX xe buýt và du lịch Quyết Tiến, đơn vị khai thác tuyến xe buýt số 12 và 602 - cho rằng việc các băng nhóm giang hồ lên xe đe dọa, chiếm đoạt tài sản của khách gây ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của đơn vị.

Ông Trị đề nghị: “Các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý chứ lên xe buýt gì đâu mà toàn giật dọc, tài xế phản ứng thì bị đánh, ném đá vào xe".

Bởi theo ông Trị, dù chưa có con số cụ thể nhưng thời gian qua vì lo sợ các băng nhóm giang hồ nên lượng khách đi xe buýt số 12 có dấu hiệu giảm.

Tài xế chở đối tượng vào trụ sở công an

Ông Nguyễn Xuân Thiện - chủ nhiệm HTX dịch vụ vận tải Thống Nhất (Đồng Nai), một trong bốn đơn vị khai thác tuyến xe buýt 602 (bến xe Phú Túc - ĐH Nông lâm) - cho biết ngoài việc gắn camera giám sát để kịp thời nắm bắt tình hình báo trung tâm điều hành hỗ trợ, ông quán triệt nhân viên, tài xế khi phát hiện những đối tượng này không nên phản ứng mà âm thầm khóa cửa chở đối tượng vào trụ sở công an trình báo.

Tài xế của đơn vị, ông Võ Phi Quang - người từng đối mặt với hiểm nguy, hai lần chở đối tượng lừa đảo, móc túi vào trụ sở công an trình báo - kể: “Năm 2015, một hành khách đi trên xe buýt do tôi cầm lái hốt hoảng báo mất gần 2 triệu đồng, tôi kiểm tra và phát hiện một đối tượng vứt tiền ngay dưới chân để phi tang. Dù đối tượng đòi nhảy xuống nhưng tôi khóa cửa xe chở thẳng vào trụ sở Công an TP Biên Hòa trình báo và đối tượng ngay sau đó bị xử lý”.

Vài tháng sau, tài xế Quang cùng với nhiều hành khách trên tuyến xe buýt từ Suối Tiên - Đồng Nai gom góp tiền cho một bà cụ khi bà bị lừa đảo mất gần 2 triệu đồng.

“Băng nhóm lừa đảo bán “thần dược” đông lắm, cứ mở cửa là các đối tượng lên xe và hành khách lại bị lừa sạch tiền bạc, tội nghiệp lắm!”, tài xế Quang chia sẻ.
“Dù chưa có con số cụ thể nhưng thời gian qua vì lo sợ các băng nhóm giang hồ nên lượng khách đi xe buýt số 12 có dấu hiệu giảm
Ông Nguyễn Văn Trị (phó chủ nhiệm HTX xe buýt và du lịch Quyết Tiến)

Tác giả bài viết: HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP