Giám thị của một trường kinh tế ở Hà Nội phân tích, năm nay, sự phân công này của Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH-CĐ có ảnh hưởng quyết định đến kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.
Các trường ĐH, CĐ được cử đi coi thi để đảm bảo khách quan, tránh các lo ngại từ việc các sở giáo dục, các trường địa phương chủ trì cho thí sinh của tỉnh mình sẽcó yếu tố thành tích chi phối. Bản thân các trường cũng lo ngại nếu mình không làm thì không khách quan.
Giảng viên tại một trường kỹ thuật ở Hà Nội cũng cho rằng: “Năm nay, lượng thí sinh chỉ thi xét tốt nghiệp tăng hơn so với năm ngoái. Một số trường ĐH dân lập, CĐ và trung cấp nghề chỉ cần kết quả ở cụm thi xét tốt nghiệp. Vì vậy, các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi sẽ tác động đến khâu tổ chức thi. Kết quả thi phụ thuộc nhiều vào khâu này.
Vì vậy, đi tác nghiệp trên “sân khách” cũng khiến giảng viên lo ngại. Một giám thị coi thi ở Nam Định cho biết anh em trong đoàn cũng có người nhà ở đây. Anh chia sẻ nỗi e ngại nếu người nhà biết các thầy coi thi và đặt vấn đề. Tuy nhiên, trước mỗi buổi thi, giám thị mới bắt đầu bốc thăm phòng thi. Kể từ lúc đó, mọi vật dụng cá nhân của giám thị coi thi đều đã bị bỏ lại. Vì vậy, khả năng người nhà thí sinh liên kết được với giám thị là rất khó xảy ra. Mỗi buổi thi, giám thị lại bốc thăm để biết phòng coi thi mới.
Thách thức kết quả từ công tác tổ chức thi sẽ tác động đến thành tích của tỉnh. Vì vậy, coi thi nghiêm túc hay nới lỏng cũng khiến giám thị cảm thấy rất áp lực. Vị giám thị coi thi cụm xét tốt nghiệp này cho biết: “Sẽ cứ theo đúng quy chế mà làm.”
Ông phân tích, nếu việc coi thi ở các điểm thi xét tốt nghiệp không nghiêm túc thì việc thi tốt nghiệp không còn ý nghĩa nữa. Chưa kể đến nhiều trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề vẫn tuyển thí sinh ở cụm thi xét tốt nghiệp.
Đối với các trường ĐH, việc đi tác nghiệp ở tỉnh xa cũng nảy sinh khá nhiều khó khăn: đi khảo sát địa điểm thi xa, việc kết nối và huy động giáo viên sở tại phụ thuộc vào sở, trường khó chủ động, kinh phí tổ chức thi lớn, lo ăn ở cho đội ngũ giảng viên trong các ngày thi. Những việc này tuy không xa lạ với một trường ĐH nhưng vì địa điểm thi xa, nhiều việc phải phối hợp với địa phương nên cũng không thể chủ động được công việc so với trước đây.
Các giám thị đi tác nghiệp trên "đất khách" cho biết, mặc dù chỗ ăn ở, các biện pháp an ninh, an toàn cho giám thị, khu vực ăn ở cũng như trường thi đều được nhà chức trách sở tại lo nhưng các thầy, cô vẫn phải chú ý cẩn thận khi ra ngoài hoặc đi chơi.
Giám thị - nghề "nguy hiểm"
Là cán bộ coi thi lâu năm, một cán bộ Trường ĐH Ngoại thương cho biết, thí sinh áp lực thì giám thị cũng căng thẳng không kém. Thậm chí, đối với những giám thị non kinh nghiệm thì coi thi có thể khiến họ lo lắng đến mất ăn mất ngủ...
Giám thị phải thức khuya, dậy sớm. Quy trình thi cử thì nhiều khâu, thủ tục, quy trình. Khâu nào cũng cần chính xác nghiêm ngặt vì sai một li, đi một dặm và có thể bị kỷ luật nặng.
Tuy nhiên, có những lỗi của thí sinh khiến cả thí sinh lẫn giám thị có thể gặp “nguy hiểm”. Đơn cử như chia sẻ của một giảng viên Trường ĐH Luật, có giám thị phát hiện thí sinh quay cóp và lập biên bản. Nhưng có thí sinh khác lại phát hiện bạn cùng phòng thi đang quay cóp chưa bị xử lý thì tố cáo cả thí sinh lẫn …giám thị. Với những trường hợp như vậy, nếu các giám thị không xử lý nhanh thì có thể dẫn tới bị kỷ luật.
Giảng viên ĐH Ngoại thương cho biết, lỗi thí sinh hay mắc và có thể gây ra hậu quả đáng tiếc nhất là mang điện thoại vào phòng thi.
Theo kinh nghiệm của nhiều giám thị cho biết, thực ra nhiều thí sinh không nhận thức rõ việc này. Nếu đi thi xa nhà, ở nhà trọ không có chỗ gửi đồ, các em tắt điện thoại cho vào túi quần, tưởng là không dùng điện thoại, không mở máy. Đến trường thi, các em ngại không gửi đồ vì tâm lý sợ mất, sợ quên nên cứ để điện thoại trong túi như vậy vào thi.
Trong giờ thi giám thị nhìn thấy lập biên bản hoặc có học sinh khác tố giác bạn mang điện thoại vào phòng thi. Thậm chí, có những trường hợp thí sinh mơ hồ về quy chế thi cũng dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Đơn cử như thí sinh nộp bài thi xong thì mở máy báo cho người thân đến đón khi chưa ra khỏi khu vực thi. Thế là thí sinh bị lập biên bản, đem dụng cụ cấm vào khu vực thi.
Những trường hợp như vậy bắt buộc giám thị phải lập biên bản và thí sinh bị đình chỉ thi. Nhiều khi giám thị biết chắc rằng thí sinh hoàn toàn trung thực khi làm bài, nhưng nếu không lập biên bản, giám thị có thể cũng bị tố cáo, gây tổn hại đến công việc của mình.
“Học sinh cũng như con cháu, nếu chúng vô ý như vậy và giám thị nắm rõ quy chế mới có thể xử lý tốt. Thực ra, nghề giám thị đúng là nghề “nguy hiểm”- giám thị Trường ĐH Ngoại thương khái quát.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hường