Giáo dục

Giám đốc PISA Việt Nam giải thích chuyện "nghèo mà xếp hạng cao"

TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả PISA chứ không chỉ là vấn đề kinh tế. Nghèo không có nghĩa là không thể giỏi.

- Tại hội thảo quốc tế mới đây, một GS người Mỹ đã thắc mắc không hiểu vì sao Việt Nam nghèo mà xếp hạng PISA lại cao hơn nhiều nước phát triển. Là Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam, bà lý giải thế nào về điều này?

- Thật ra không chỉ vị GS kia mà khá nhiều người đã thắc mắc về điều này kể từ khi Việt Nam tham gia kỳ PISA đầu tiên vào năm 2012. Bởi lẽ thông thường thì các nước nghèo, có thu nhập GDP thấp thường không có thể kết quả cao ở các kỳ thi PISA nhưng Việt Nam đã làm thay đổi điều này.

Tuy nhiên, việc Việt Nam có kết quả PISA cao trong hai chu kỳ PISA 2012, 2015 cho thấy rằng, nước nghèo về kinh tế không có nghĩa là con người nghèo cả về mặt trí tuệ hay nghị lực, không thể giỏi hay không thể nắm bắt được các kiến thức, kỹ năng. Kinh tế có thể ảnh hưởng tới nhiều mặt nhưng cũng không phải ảnh hưởng tới tất cả. Việt Nam nghèo nhưng về sự hiếu học, nghị lực vượt khó thì cũng không thua kém các nước khác.

Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả PISA mà hiện nay chúng tôi vẫn đang tiến hành phân tích. Chẳng hạn như niềm đam mê học toán của học sinh Việt Nam thuộc nhóm cao hay khả năng giải quyết các vấn đề khoa học của các em cũng thuộc top 10. Ngoài ra, mức độ cần cù, chịu khó, tuân thủ kỷ luật hay sự đam mê học tập của học sinh Việt Nam rất lớn. Những chỉ số đó đều ảnh hưởng tới kết quả của kỳ thi.

Ngoài ra, ở Việt Nam, với truyền thống hiếu học, cha mẹ đầu tư cho học sinh rất nhiều, học sinh ở Việt Nam đi học ngoài trường cũng vào loại nhiều nhất thế giới… Tất nhiên những nhân tố này ảnh hưởng thế nào đến kết quả học tập của học sinh vẫn cần được phân tích kỹ lưỡng.

- Như vậy, việc Việt Nam nghèo mà xếp hạng PISA cao là hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên?

Có ngạc nhiên chứ.

Việt Nam lần đầu tiên tham gia PISA chu kỳ 2012 đứng thứ 17 ở lĩnh vực Toán học (lĩnh vực trọng tâm), đứng thứ 19 lĩnh vực Đọc hiểu và đứng thứ 8 ở lĩnh vực Khoa học. Điều này đã gây bất ngờ trên thế giới, ai cũng ngạc nhiên, kể cả người Việt Nam trong đó có chúng tôi.

Trước khi tham gia PISA, chúng ta có một suy nghĩ rằng Việt Nam là một nước nghèo, còn nhiều hạn chế, tham gia PISA biết là sẽ xếp thứ hạng thấp nhưng mục đích để hội nhập và để phát triển.

Đến chu kỳ PISA 2015, một lần nữa học sinh Việt Nam lại tiếp tục đạt thứ hạng cao, vượt lên trên nhiều nước, đứng thứ 8 lĩnh vực Khoa học (lĩnh vực trọng tâm), đứng thứ 22 về Toán học và thứ 32 lĩnh vực Đọc hiểu. Điều này vẫn tiếp tục gây ngạc nhiên cho nhiều người. Vì kết quả PISA của Việt Nam đã tạo nên sự khác biệt, không theo quy luật các nước nghèo thường tỷ lệ thuận với kết quả thấp trong suốt 4 chu kỳ trước.
TS Lê Thị Mỹ Hà khẳng định có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả PISA chứ không chỉ là kinh tế.
Tuy nhiên, tôi còn ngạc nhiên hơn về thái độ của một số người Việt Nam khi thấy kết quả của học sinh nước mình được xếp thứ hạng cao trong kỳ thi PISA. Nhiều người Việt Nam được hưởng nền giáo dục tại Việt Nam sau đó ra nước ngoài thích ứng nhanh và học tập tốt, trưởng thành nhanh và sau này ra trường nhận được công việc tốt, điều đó chứng tỏ nền GD của chúng ta có những ưu điểm nhất định.

Thế nhưng trước kết quả PISA, nhiều người lại có những bình luận thiếu thiện chí về chính học sinh của đất nước mình, của nền giáo dục đã chắp cánh cho mình bước vào đời. Sự thiếu thiện chí này làm tổn thương đến sự nỗ lực và cống hiến của giáo viên, của các em học sinh trong các kỳ thi PISA vừa qua.

- Với kết quả ngạc nhiên như vậy, liệu có chuyện chọn “gà nòi” hay học sinh thành phố để đi thi PISA như nhiều người nghi ngờ không, thưa bà?

- Thực tế chỉ có những người không hiểu rõ về PISA mới nghi ngờ về việc chọn "gà nòi" hoặc học sinh thành phố để tham gia thi PISA. Bởi lẽ, mục đích của PISA là đánh giá chất lượng giáo dục quốc dân của một quốc gia ở độ tuổi nhất định chứ không phải là thi học sinh giỏi Olympic. Việc chọn mẫu là do OECD lựa chọn và quy định rất nghiêm ngặt để đảm bảo tính chất đại diện cho học sinh của tất cả các quốc gia.

Theo đó, toàn bộ các trường và số lượng học sinh tuổi 15 (15 năm 3 tháng đến 16 năm 2 tháng học từ lớp 7 trở lên) ở tất cả loại hình cơ sở giáo dục đều phải thống kê và nộp cho OECD. Tổ chức này sẽ tính toán trọng số, tỷ lệ các trường tham gia, sau đó chạy ra danh sách trường được chọn, số học sinh 35 em/trường.

Phần mềm chạy mẫu online, được OECD mở trong thời điểm nhất định. Do đó không thể có chuyện thay thế học sinh vì học sinh dự thi đã được chọn sẵn trong máy. Em nào hôm thi không có mặt thì phải chấp nhận vắng học sinh.

- Vậy còn chuyện luyện thi PISA để có thành tích cao thì sao, thưa bà?

- Mục đích tham gia PISA là muốn được OECD đánh giá khách quan chất lượng giáo dục để khuyến nghị các chính sách phát triển và đầu tư cho giáo dục của các quốc gia. Vì thế không có quốc gia nào luyện thi PISA cả.

Đề thi của PISA được bảo mật tuyệt đối, các tình huống trong bài thi PISA là tình huống thực tiễn, đa dạng và phong phú của các nước OECD nên luyện thi không có tác dụng gì.

Nói đến PISA chúng ta nghĩ đó là 1 chương trình đánh giá riêng biệt do OECD thiết kế. Trên thực tế, dạng câu hỏi thi của PISA, cách đánh giá mà PISA sử dụng chính là các phương pháp và kỹ thuật đánh giá hàng ngày trên lớp học của các nước OECD trong suốt 20 năm nay.

Do đó, học sinh các quốc gia OECD thường xuyên làm các dạng bài đánh giá năng lực như PISA trên lớp. Cách đánh giá của PISA, các dạng câu hỏi thi PISA chỉ mới lạ với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Học sinh Việt Nam không được tiếp xúc với các dạng câu hỏi này hàng ngày trên lớp nên khi bước vào kỳ thi PISA gặp khó khăn hơn. Do đó, kết quả PISA mà học sinh Việt Nam đạt được là rất đáng động viên, khích lệ vì học sinh Việt Nam đã vượt qua nhiều trở ngại và rào cản để hội nhập quốc tế.

- Có ý kiến nói rằng chúng ta không nên quá tự hào vì thứ hạng cao trong kỳ thi PISA vì mục đích của kỳ thi này không phải là để xếp hạng?

- Bản thân kỳ thi PISA có nhiều mục đích. Các nước muốn biết chất lượng giáo dục của quốc gia mình ở đâu, như thế nào đều phải tham gia PISA. PISA xếp hạng chất lượng giáo dục của các nước thông qua điểm số năng lực mà học sinh đạt được. Cũng chính vì vậy mới có những tranh luận về kết quả của Việt Nam khi chúng ta đứng thứ hạng cao.

Việc Việt Nam tham gia PISA và có kết quả cao là một điều đáng tự hào, bởi vì, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để có thể hội nhập giáo dục quốc tế và được các nước trên thế giới quan tâm.
TS Hà cho rằng, kết quả PISA cao của Việt Nam là rất đáng tự hào.

Tuy nhiên, không phải vì kết quả PISA cao hay thấp mà khẳng định chất lượng giáo dục nước này cao hơn nước kia. Nền giáo dục quốc gia nào cũng có mặt mạnh và mặt hạn chế, người dân nước nào cũng luôn kỳ vọng giáo dục của quốc gia họ phải phát triển tốt hơn nữa.

Chẳng hạn, học sinh Việt Nam thua kém học sinh ở các nước phát triển trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống hiện đại, phức tạp, đa chiều trong khi lại giải quyết tốt hơn các câu hỏi về học thuật. Học sinh Việt Nam chưa được làm quen nhiều với cách đánh giá năng lực, chưa biết bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân trước tình huống cần tranh luận, điều này thể hiện rất rõ ở các bài thi Đọc hiểu.

Chính vì thế, ngoài xếp hạng kết quả thì PISA cũng phân tích các điểm mạnh, điểm yếu của các quốc gia để đưa ra khuyến nghị chính sách cho quốc gia đó. Ngoài ra, khi tham gia PISA, đó là nơi hội tụ những chuyên gia đánh giá giáo dục giỏi trên thế giới, các quốc gia có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để từ đó vận dụng vào việc đổi mới kiểm tra đánh giá việc dạy và học ở quốc gia mình.

- Qua kết quả 2 kỳ PISA vừa qua, chúng ta đã rút ra được những điều chỉnh nào trong chính sách giáo dục, thưa bà?

- Theo tôi biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh được thực hiện ngay từ những năm đầu tiên chúng ta tham gia PISA. Nghiên cứu phương pháp và kỹ thuật đánh giá năng lực PISA thì thấy rằng, PISA đánh giá tính sáng tạo của học sinh rất nhiều, yêu cầu học sinh sau khi học kiến thức kỹ năng trong nhà trường thì phải giải quyết các vấn đề ở tình huống thực tiễn.

Do đó, từ khi PISA vào Việt Nam thì phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trên lớp đã có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như Thông tư 30 sau đó là Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT đã yêu cầu thay đổi cách tiếp cận và cách đánh giá đối với học sinh tiểu học, hướng vào đánh giá sự tiến bộ của người học giúp các em phát triển khả năng sáng tạo của mình.

Trên lớp học, các loại hình câu hỏi và cách đánh giá học sinh cũng đa dạng hơn. Trong 4 năm vừa qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tập huấn hướng dẫn quy trình, kỹ thuật xây dựng đề kiểm tra, kỹ thuật viết viết câu hỏi đánh giá năng lực học sinh cho giáo viên để đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá thường xuyên trên lớp học.

Cái mới của PISA là cách hỏi và cách trả lời. Hỏi làm sao cho học sinh suy nghĩ sâu sắc, có tư duy nhiều chiều hơn là chỉ đồng thuận với ý kiến của giáo viên. Những điều này đang được thực hiện thường xuyên hơn ở các lớp học của Việt Nam và đang có kết quả tốt.

Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa sau 2015 theo hướng phát triển năng lực cũng là một bước tích cực phát triển giáo dục và hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Tác giả bài viết: Lê Văn (thực hiên)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP