Tin địa phương

Giải quyết tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp ở Bố Trạch: Những kết quả tích cực

Tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất Lâm nghiệp trái phép đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương trên khắp cả nước và trở thành một vấn đề nóng được xã hội đặc biệt quan tâm. Tại huyện Bố Trạch, cũng từng là điểm nóng về tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp trái phép, tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành nên đến nay tình hình trên địa bàn cơ bản đã ổn định.

Huyện Bố Trạch có diện tích tự nhiên trên 211.000ha, trong đó hơn 167.000ha là đất lâm nghiệp, chiếm gần 79%. Những năm về trước, đặc biệt là các năm 2012 đến 2015 khi nguồn lợi về trồng rừng ngày càng có giá trị, nhu cầu đất sản xuất của người dân tăng cao, đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất, tranh chấp đất lâm nghiệp ở Bố Trạch trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Đặc biệt nổi lên ở các thôn Bồng Lai 1 và Bồng Lai 2 xã Hưng Trạch, các thôn 8,9,10 xã Xuân Trạch và thôn 7 xã Lâm Trạch đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, tranh chấp hàng ngàn ha đất lâm nghiệp của Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai, Chi nhánh Lâm trường Bố Trạch và Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung bộ.

Quá trình lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp ở huyện Bố Trạch đã xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa các bên, đỉnh điểm đó là vụ việc xảy ra vào ngày 7-8-2014 tại thôn 7 xã Lâm Trạch, một số đối tượng xấu đã dụ dỗ, lôi kéo người dân cố tình ngăn cản, xây dựng cổng bằng bê tông để không cho Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung bộ sản xuất, kinh doanh trên diện tích rừng của đơn vị quản lý, mục đích gây sức ép để chiếm đất. Khi các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế, nhiều đối tượng đã rất manh động, ngăn cản, thậm chí cố tình chống đối, gây mất an ninh trật tự.

Lực lượng chức năng huyện Bố Trạch kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm, khai thác đất lâm nghiệp trái phép.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Để giải quyết tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp trái phép, huyện đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn và tùy đặc điểm của từng địa phương để có những biện pháp cụ thể. Tuy nhiên chúng tôi vẫn ưu tiên nhất đó là công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành tốt các đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất lâm nghiệp”.

Bên cạnh đó, huyện Bố Trạch cũng chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nghiêm những đối tượng chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, có hành vi lôi kéo, kích động người dân lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp trái phép. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân để lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng từ đó có hướng tham mưu cho UBND tỉnh, cũng như chỉ đạo giải quyết.

Sau khi xác minh thực trạng diện tích đất rừng bị lấn chiếm, nhu cầu của người dân và số diện tích đất lâm nghiệp của các công ty, lâm trường trên địa bàn, UBND huyện Bố Trạch đã có đề xuất với UBND tỉnh xem xét giải quyết vấn đề đất sản xuất cho người dân. Từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 11 quyết định thu hồi đất của các công ty, lâm trường giao cho người dân trên địa bàn để phát triển sản xuất với tổng diện tích hơn 1.800ha.

Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh sách và tiến hành giao đất cho các hộ dân. Đến nay, huyện đã giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 226 hộ với diện tích gần 1.100ha, số diện tích còn lại đang được các xã quản lý và tiếp tục làm hồ sơ để giao cho người dân.

Cùng với việc giao đất cho người dân để phát triển kinh tế, huyện Bố Trạch cũng tích cực chỉ đạo các địa phương, các ban, ngành liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, tạo điều kiện giải quyết nhu cầu việc làm, đồng thời chủ động lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các xã miền núi, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, qua đó đã tạo được niềm tin, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Nhờ vậy trong 2 năm trở lại đây, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch đã không còn xảy ra, nạn khai thác lâm sản trái phép cũng giảm hẳn, người dân đã có ý thức hơn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Nguyễn Văn Hiền, thôn Bồng Lai 1, xã Hưng Trạch chia sẻ: “Trước đây do chưa hiểu biết về pháp luật và khó khăn trong đời sống nên tôi cùng một số hộ dân trong thôn đã lấn chiếm đất lâm nghiệp của lâm trường. Sau khi được chính quyền tuyên truyền, vận động tôi đã nhận ra việc làm của mình là sai trái và sẽ không tái phạm”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cẩm Sâm, Giám đốc chi nhánh Lâm trường Bố Trạch cho biết: “Năm 2015 trở về, trước tình trạng người dân lấn chiếm đất của lâm trường đã gây khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Tuy nhiên, sau khi đơn vị phối hợp với các ngành chức năng để xử lý, đặc biệt là sau khi có chủ trương cắt một phần đất để giao cho các xã quản lý, tình trạng lấn chiếm đất của lâm trường đã không còn, hoạt động sản xuất kinh doanh của lâm trường đã ổn định trở lại”.

Tồn tại duy nhất hiện nay ở Bố Trạch đó là, còn một số ít người dân do chưa nhận thức rõ về các quy định của pháp luật nên vẫn đòi hỏi thêm quyền lợi cá nhân. Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm cao của các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan, với cách thức giải quyết thấu tình đạt lý, tin tưởng rằng tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp ở Bố Trạch sẽ được giải quyết triệt để. Qua đó ổn định tình hình trên địa bàn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đưa kinh tế lâm nghiệp ở Bố Trạch phát triển mạnh mẽ và đúng hướng.

Tác giả: Tiến Thành (Đài TT-TH Bố Trạch)

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP