Để triển khai dự án trọng điểm này, tỉnh Quảng Bình phải tái định cư cho 653 hộ dân của 6 huyện, thành phố, thị xã; ảnh hưởng hơn 50ha đất ở, hơn 160ha đất nông nghiệp, gần 670ha đất rừng và 61.532 công trình nhà ở. Hiện tỉnh Quảng Bình đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tăng tốc giải phóng mặt bằng, đồng thời tìm các giải pháp an cư cho người dân bị ảnh hưởng khi triển khai dự án.
Quyết liệt trong điều hành chỉ đạo
Trong tháng qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp xoay quanh việc bàn phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân để triển khai dự án đường cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn. Tại thời điểm hiện tại, trên toàn tuyến đi qua địa bàn Quảng Bình đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) với chiều dài 68,91km/126,34km (đạt 54,5%). Trong đó, huyện Quảng Trạch bàn giao 6,6km, Bố Trạch 22,70km, Quảng Ninh 5,3km, Lệ Thủy 24,45km, thị xã Ba Đồn 6,65km, thành phố Đồng Hới 3,21km. Các ban quản lý dự án đã bàn giao 126,34/126,34km chiều dài mốc, tim, tuyến. Các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang đẩy nhanh việc thực hiện trích đo hiện trường các đoạn đã bàn giao GPMB. Theo đó, huyện Bố Trạch đã hoàn thành trích đo 10,5km, huyện Quảng Ninh 3,82km, huyện Quảng Trạch 4,3km và huyện Lệ Thuỷ 10km.
Để đảm bảo mục tiêu theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành khẩn trương tổ chức xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác GPMB để các cấp triển khai; tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch trong phạm vi hướng tuyến; giao các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị các công tác phục vụ cho việc tái định cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vào chiều ngày 6/5, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan ở Quảng Bình đã thảo luận một số vấn đề về công tác phối hợp thực hiện báo cáo hàng tuần, hàng tháng theo quy chế hoạt động của BCĐ; về giải ngân vốn cho công tác GPMB. Theo đó, đại diện các sở, ban, ngành đã kiến nghị các ban quản lý dự án sớm gửi nội dung hồ sơ dự án cho địa phương để rà soát, có ý kiến chính thức liên quan đến các đường gom, hầm chui, công trình thoát lũ trên tuyến…
Người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tháo dỡ các công trình để địa phương giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc Bắc-Nam. |
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án trọng điểm quốc gia. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan cần tập trung triển khai quyết liệt các phần việc để bảo đảm tiến độ thực hiện theo quy định và xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh. Về một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Trần Thắng yêu cầu: Các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến việc triển khai dự án; đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa việc triển khai dự án một cách sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tránh việc người dân cơi nới, xây dựng công trình trái phép trong khu vực triển khai dự án; xác định vị trí khu vực xây dựng khu tái định cư để sớm triển khai xây dựng, phục vụ công tác GPMB; bố trí kinh phí hợp lý cho công tác bồi thường GPMB. UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương lập biểu đồ thời gian hoàn thành các bước triển khai công tác bồi thường, GPMB, hoàn thành trước ngày 30/5; phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc nảy sinh trong công tác GPMB.
Bố trí tái định cư cho người dân
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn, tỉnh Quảng Bình đang rốt ráo việc bảo đảm tiến độ công tác chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa; bố trí bãi đổ thải; bảo đảm vật liệu thông thường; bố trí khu tái định cư; bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình triển khai dự án theo đúng lộ trình đã đề ra. Về phương án tái định cư đối với các đoạn đã bàn giao mốc GPMB, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang xác định vị trí đất để bố trí tái định cư.
Theo thống kê có 653 hộ dân phải di dời gồm: Đoạn Vũng Áng-Bùng 190 hộ, đoạn Bùng-Vạn Ninh 269 hộ, đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ 194 hộ. Ngoài ra khi triển khai dự án sẽ liên quan ảnh hưởng đến nhiều diện tích đất ở, đất nông nghiệp, đất rừng liên quan đến sinh kế của người dân, nên tỉnh Quảng Bình đang bàn đưa ra các giải pháp tối ưu để người dân phải di dời nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Theo đó, khi triển khai dự án sẽ làm ảnh hưởng hơn 50ha đất ở, hơn 160ha đất nông nghiệp, gần 670ha đất rừng và 61.532 công trình nhà ở của người dân. Đến nay, hầu hết các hộ dân đã đồng ý sẽ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bàn giao đất cho dự án. Qua đánh giá tình hình, hiện đa số người dân đều đồng thuận cao, tình trạng người dân ồ ạt xây dựng công trình, trồng cây trái phép tại các khu vực, địa điểm dự kiến tuyến đường đi qua chờ đền bù đã lắng xuống. Cùng với việc lập biên bản, xử lý vi phạm, sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ, trả lại hiện trạng mặt bằng.
Người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tháo dỡ các công trình để địa phương giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc Bắc-Nam. |
Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động kịp thời anh đã tự tháo dỡ khoảng 130m tường rào bao quanh trang trại để chờ đền bù. Anh Tuyên cho biết: “Khi xây dựng không biết sai trái. Khi xây dựng xong rồi thì xã cũng mời ra tuyên truyền, gia đình cảm thấy việc làm của mình sai nên tự thuê máy đập phá dỡ. Thì mình cũng phải làm cho đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước…”. Cũng như gia đình anh Tuyên, hiện có nhiều hộ dân trên địa bàn Quảng Bình ở các huyện như Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn… cũng dừng việc xây dựng trái phép chờ đền bù và tự tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm.
Được biết, các dự án cao tốc đề xuất diện tích tái định cư tập trung từ 60-120m2 là quá nhỏ, vì vậy các sở, ngành liên quan đang đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo, nâng mức tối thiểu diện tích là 200-300m2 cho mỗi hộ tái định cư. Theo kế hoạch, trong tháng 11 tới sẽ bàn giao mặt bằng dự án cao tốc, đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải di dời, bàn giao đất cho dự án, cần phải có đủ quỹ đất định cư để bố trí cho người dân. Trong khi đó, người dân cần phải có thời gian để xây dựng nhà ở. Để đảm bảo giao mặt bằng sớm cũng như nơi ở cho các hộ dân, các huyện cần đẩy nhanh việc xây dựng các khu tái định cư; đồng thời phải có phương án tạm cư, tính toán chi phí hỗ trợ cho người dân thuê chỗ ở mới.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị có cơ chế, chính sách thống nhất trong đền bù, bảo đảm tính tương đồng giữa các dự án. Các tổ chức chính trị - xã hội, mặt trận, đoàn thể cùng vào cuộc thực hiện, tạo sự đồng thuận, bảo đảm lợi ích cho nhân dân.
Tác giả: Sông Lam - Lam Hồng
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân