Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo hướng giảm hầu hết các mặt hàng. Theo đó, giá xăng RON95 giảm 1.015 đồng/lít, bán ra mức 23.215 đồng/lít, xăng E5 RON92 giảm 1.128 đồng/lít, bán ra là 22.231 đồng/lít.
Giá xăng dầu giảm mạnh từ 15h chiều nay 12/9. (Ảnh: Thu Nga) |
Tương tự, giá dầu diesel giảm 1.008 đồng/lít, bán ra mức 24.180 đồng/lít. Với mức giảm này, giá dầu diesel vẫn tiếp tục cao hơn giá xăng.
Giá dầu hỏa giảm 1.027 đồng/lít, xuống 24.418 đồng, Giá dầu mazut cũng giảm 1.038 đồng/kg, xuống 15.039 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 451 đồng/lít; xăng RON95 là 450 đồng/lít, dầu diesel là 90 đồng/lít, dầu hỏa là 200 đồng/lít và dầu mazut là 741 đồng/kg. Đồng thời nhà điều hành dừng chi Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu.
Kỳ điều hành giá xăng dầu trước đó, Liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng trong nước giảm 366 - 439 đồng, xuống 23.359 - 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít lên 25.180 đồng/lít, vượt giá xăng. Đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu trong nước vì giá xăng thường cao hơn giá dầu.
Trên thị trường thế giới, giá dầu gần đây liên tục giảm mạnh, ghi nhận tại Oilprice vào sáng 12/9, giá dầu WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 85,4 USD/thùng, giảm 1,58%; dầu Brent chuẩn toàn cầu giao dịch ngưỡng 91,5 USD/thùng, giảm 1,39%. Theo các nhà phân tích, giá dầu thế giới xuống thấp khi dữ liệu từ hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều có dấu hiệu suy yếu, dẫn đến mối lo nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm.
Thuế, phí vẫn chiếm 35% giá thành mỗi lít xăng Theo ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỉ trọng thuế, các chi phí đang chiếm khoảng 35% giá thành mỗi lít xăng. Ông Tuấn Anh dự báo giá dầu thế giới thời gian tới sẽ duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Điều này cũng tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Theo tính toán, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100 - 125 USD/thùng thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40 - 75%. Do đó, để kiểm soát lạm phát và đưa nền kinh tế tăng trưởng vẫn cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu. Đồng thời cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu đến hết năm 2022 và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước. |
Tác giả: HÒA BÌNH
Nguồn tin: Báo VTC