Theo ghi nhận của Báo Giao thông, nhiều doanh nghiệp (DN) đã giảm giá bán lẻ thép thành phẩm xuống khoảng 300-600 nghìn đồng/tấn tùy loại, xuống ngưỡng 18-19 triệu đồng/tấn. Nhưng vẫn vượt mức kỷ lục thiết lập năm ngoái.
Cụ thể, giá thép Hoà Phát loại D10 giảm 310 nghìn đồng/tấn, xuống còn 18,63 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT); Loại thép cuộn CB240 cũng giảm 300 nghìn đồng/tấn, xuống còn 18,4 triệu đồng/tấn. Mức giảm tương tự với thép Việt – Ý và thép Việt – Đức.
Giá thép giảm khoảng 300-600 nghìn đồng/tấn tùy loại, xuống ngưỡng 18-19 triệu đồng/tấn |
Mức giảm mạnh hơn ở khu vực miền Nam. Loại D10 giảm 610 nghìn đồng/tấn, xuống còn 18,8 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT); Loại thép cuộn CB240 giảm 600 nghìn đồng/tấn, xuống còn 18,68 triệu đồng/tấn.
Hiện giá bán thép tại Tổng công ty Thép Việt Nam sau khi giảm còn khoảng 18,75-19,1 triệu đồng/tấn (áp dụng thanh toán ngay và chưa bao gồm VAT)...
Giá thép thành phẩm giảm do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép giảm đáng kể.
Theo Hiệp hôi thép Việt Nam (VSA), giá quặng sắt loại 62% Fe ngày 9/5 giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4. Mức giá này cũng giảm khoảng 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021;
Giá thép phế liệu loại HMS ½ 80:20 nhập khẩu tại cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn CFR giảm 94 USD/tấn so với đầu tháng 4/2022. Giá thép cuộn cán nóng HRC ở mức 797 USD/Tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 81 USD/Tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 4/2022.
Giá thép giảm còn do tiêu thụ giảm trong tháng 4 vừa qua. Nguyên nhân là do giá vật liệu xây dựng như thép, xi măng và đá xây dựng tăng cao khiến cho việc triển khai dự án chậm lại.
Theo đó, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,962 triệu tấn, giảm 11,28% so với tháng 3/2022 và giảm 1,1% so với cùng kỳ 2021; Bán hàng thép các loại đạt 2,419 triệu tấn, giảm 22,52% so với tháng trước và giảm 15,6% so với cùng kỳ.
Về thị trường, VSA nhận định ngành thép trong nước sẽ tăng trưởng 15-20% trong năm nay, do năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, đáng kể, nhất là các tuyến cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến đường vành đai... sẽ giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ.
Mặt khác, ngành thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trên thế giới (năm 2021, giá thép có thời điểm tăng tới 45-50% so với năm 2020).
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Giao thông