Xã hội

Giá nước khoáng bằng nửa lít xăng, trong cuộc họp có cụ Mười chỉ uống chè xanh

“Thời điểm giá nước khoáng còn rất đắt nên cụ Đỗ Mười thường nói: Một chai nước khoáng bằng nửa lít xăng, nên trong các cuộc họp có thể dùng nước chè xanh”, ông Phan Trọng Kính – trợ lý cố Tổng Bí thư Đỗ Mười nói.

Gần nửa thế kỷ làm trợ lý, ông Phan Trọng Kính cho rằng, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã làm hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc và đặc biệt là không bao giờ có tư tưởng tư lợi cá nhân.

Thú vui đọc sách, bữa cơm với muối vừng

Theo ông Kính, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người trong sạch, luôn cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Có lần, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dự cuộc họp bàn về thương mại tại tỉnh Nam Định, nhiều đại biểu ở tỉnh thành phía Bắc về dự. Đến trưa, lãnh đạo tỉnh tổ chức bữa cơm rất thịnh soạn, bày biện nhiều món, ăn xong vẫn thừa rất nhiều.

“Khi đó, cụ Đỗ Mười chỉ ăn qua loa mấy miếng bánh mì. Xong cụ rất nghiêm nghị nhắc lãnh đạo tỉnh như thế thì lãng phí, là ăn của dân. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngồi ở đó nghe thấy thế đã gọi điện về tỉnh nhắc để ý việc này vì theo kế hoạch buổi chiều cụ Mười về làm việc với tỉnh”, ông Kính nhớ lại.

Ông Phan Trọng Kính - trợ lý cố Tổng Bí thư Đỗ Mười


Bữa cơm buổi chiều hôm đó ở Thái Bình chỉ có canh cua, đậu phụ, rau luộc, quả cà, với mấy miếng cá. Đoàn ông Kính phải xin thêm nước mắm để ăn với cơm.

Khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối, cụ Mười cũng góp ý phải hết sức tiết kiệm. “Thời điểm đó, giá nước khoáng còn rất đắt nên cụ thường nói “một chai nước khoáng bằng nửa lít xăng, nên có thể dùng nước chè xanh”, ông Kính nói.

Theo ông Phan Trọng Kính, trong sinh hoạt gia đình hằng ngày, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất giản dị. Trong bữa cơm lúc nào cũng có muối vừng, đậu phụ.

“Cụ Mười thương vợ lắm. Thời kỳ tem phiếu, nếu có tem phiếu mua thịt, cụ lại dành dụm để gửi vào Miền Nam cho bà Tạ Thị Thanh (vợ cố Tổng Bí thư Đỗ Mười) thời kỳ đang bị bệnh hen”, ông Kính cho hay.

Theo ông Kính đồ đạc trong nhà cụ Mười cũng đơn sơ, không có gì sang trọng, ngoài những thứ cơ quan cấp như chiếc tủ, cái bàn, giường nằm và những đồ lặt vặt khác.

Thú vui của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười qua lời kể của ông Kính là đọc sách. “Sách của cụ Mười nhiều lắm, gần một vạn cuốn”, ông Kính kể, khi còn làm việc, cụ Mười đều dành thời gian để đọc sách. Đến khi về với cuộc sống đời thường, cụ Mười đọc sách, tìm hiểu cái mới để đóng góp cho Trung ương.

Vào điểm nóng lắng nghe ý dân

Ông Kính kể, khi đương chức, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười rất quan tâm đến việc giải quyết đơn thư khiếu nại, lắng nghe ý kiến của người dân. Việc nào giải quyết ngay được, ông đều chỉ đạo làm ngay. Việc nào chưa giải quyết được thì gọi lãnh đạo địa phương lên trực tiếp gặp gỡ bà con giải quyết và sau đó phải báo cáo lại.

“Tôi nhớ, có bác từ Thái Bình lên Hà Nội khiếu kiện về việc đền bù giải phòng mặt bằng, đứng trước Cổng Đỏ (Văn phòng Chính phủ - PV) kêu “ông Đỗ Mười ơi”. Khi chúng tôi chạy ra, ông ấy nói muốn gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Hôm đó, đúng lúc giải lao, cụ Mười ra gặp liền và mời vào để giải quyết. Khi mời vào, ông này cũng ngang, cụ Mười nói 1 câu thì ông ấy nói 2-3 câu. Nhưng cụ Mười lắng nghe và nói, bác có thư từ gì thì đưa cho tôi”, ông Kính nhớ lại, hôm đó cụ Mười đã giao đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm khiếu kiện này.

“Hay có lần, trời mưa, một cụ già chặn xe ô tô chở nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để đưa thư khiếu kiện. Thấy vậy, cụ Đỗ Mười xuống xe, tiến lại nói: “Ông có gì thì đưa cho tôi. Mà mưa như thế thì mời ông vào nhà, ướt hết rồi”. Sau đó, cụ Mười lấy tập tài liệu ấy đưa cấp dưới ghi lại để báo cáo, giải quyết”, ông Kính nói.

Khi còn làm Thường trực Ban Bí thư, cụ Mười luôn dành khoảng một tiếng vào buổi chiều xuống Vụ Thư từ để xem và giải quyết các vụ việc phản ánh của người dân.

Theo lời kể của ông Kính, vào những năm 1991, có việc nhân dân một số xã ở tỉnh Thái Bình đã nổi lên chống lại một số cán bộ, đảng viên tham ô, ức hiếp quần chúng nhiều năm liền.

Trước tình hình đó, cố Tổng Bí thư đã về Thái Bình gặp gỡ các Bí thư xã và các cụ lão thành trong tỉnh để nắm tình hình và thấy rằng, sự việc xảy ra rất nghiêm trọng, ở đây có tình trạng cán bộ xã tham nhũng, lộng quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Ông Kính kể, lúc đó, cố Tổng Bí thư nghĩ rằng không những ở Thái Bình mà chắc các địa phương khác ít nhiều cũng có tình trạng như vậy. Cho nên, cố Tổng Bí thư đã họp với các bộ ngành để xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở. Quy chế đó sau khi ban hành đã phát huy được hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP