Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm BHXH bền vững trong bối cảnh già hóa dân số”, do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức.
Thứ trưởng, TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, già hóa dân số hiện đang là một vấn đề mang tính quốc tế, có tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng…
Hiện nay, nhóm người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên của Việt Nam chiếm 10,2% dân số và theo Tổ chức Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già, sớm hơn so với dự báo. Theo bà Minh, Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng lại nằm trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Điều này đang đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có công tác an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Nhiều chuyên gia lo ngại quỹ BHXH của Việt Nam bị “đe dọa” bởi sự già hóa dân số. |
Đáng quan tâm, tính đến tháng 12-2017, con số người lao động hưởng lương hưu hiện tại mới là gần 2,3 triệu người. Một bộ phận lớn dân cư sống ở nông thôn (65,7%) là nông dân và làm nông nghiệp; đời sống người cao tuổi đa phần còn khó khăn (70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 2,3% gặp khó khăn, thiếu thốn và 18% sống trong hộ nghèo). Trên 70% người cao tuổi vẫn tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (BHXH Việt Nam) Nguyễn Khang, dân số Việt Nam hiện có khoảng 95 triệu người, trong đó, lực lượng lao động là 54,51 triệu người nhưng số người tham gia BHXH mới chỉ đạt 13,9 triệu người. Hệ thống hưu trí của nước ta gồm 2 loại hình: Hưu trí bắt buộc và hưu trí tự nguyện, được hình thành dựa trên sự đóng góp của người tham gia (chủ sử dụng lao động, người lao động) và được quỹ BHXH chi trả suốt đời.
Ưu điểm của hệ thống hưu trí Việt Nam là có sự cam kết mạnh mẽ của hệ thống chính trị, có hệ thống pháp luật tương đối ổn định, nền kinh tế tăng trưởng đều và bền vững, hệ thống BHXH rộng khắp có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cao. Tuy nhiên, tính tuân thủ tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức còn thấp; tỷ lệ hưởng cao (tối đa 75%) và dài (trung bình 24,1 năm), tuổi nghỉ hưu sớm (55,6 đối với nam và 52,6 đối với nữ) và tuổi thọ của người nghỉ hưu tăng cao (78,8 tuổi) đang khiến cho quỹ BHXH đứng trước nguy cơ mất cân đối thu – chi vào năm 2035 theo cảnh báo của Tổ chức Lao động quốc tế. Việt Nam cũng gặp vấn đề về bất bình đẳng trong thu nhập giữa các nhóm cao nhất và thấp nhất (chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất với nhóm thu nhập thấp nhất lên đến trên 500 lần).
Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và đến năm 2030, tất cả người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ được hưởng trợ cấp xã hội. Để đạt mục tiêu này, ông Nguyễn Khang cho rằng, phải phát triển hệ thống BHXH đa tầng (lương hưu, BHXH bắt buộc, BHXH bổ sung, BHXH tự nguyện); mở rộng đối tượng tham gia, đặc biệt là người lao động ở khu vực phi chính thức và lao động nữ; điều chỉnh chính sách đảm bảo cân đối quỹ BHXH dài hạn, bền vững…
Ông Josef Pilger, Chuyên gia trưởng Dịch vụ Hưu trí toàn cầu Ernst&Young nhìn nhận, chính sách BHXH của Việt Nam đang có một số bất cập như mức độ cam kết tham gia của người sử dụng lao động với chế độ hưu trí nói riêng hay chính sách BHXH nói chung của Việt Nam còn thấp, tuổi nghỉ hưu thấp, công tác dự báo và đầu tư quỹ còn hạn chế do phải đặt tính an toàn của quỹ BHXH lên hàng đầu.
Vì vậy, ông Josef Pilger cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc, đảm bảo phù hợp khi tiến hành cải cách chính sách BHXH về chế độ hưu trí và an sinh xã hội phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế cũng như các tác động liên quan nếu có.
Thứ trưởng, TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện nay trên thế giới có gần 7 tỷ người và 1/9 trong số này là người từ 60 tuổi trở lên. Theo số liệu dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, đến năm 2050 dân số thế giới sẽ đạt 9,2 tỷ người và tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 1/5, cứ 5 người thì có một người cao tuổi. |
Tác giả: Phương Thảo
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội