Kinh tế

Giá điện tăng: Người dân phả trả thêm bao nhiêu tiền?

Theo thống kê của EVN, hiện có khoảng trên 26 triệu hộ sử dụng điện. Khi giá điện tăng, nhóm khách hàng này sẽ phải chịu tác động như thế nào?

Căn cứ Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện, trên cơ sở chấp thuận của cấp có thẩm quyền, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện. Theo đó, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh.

Giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh.

Dù Bộ Công Thương đã khẳng định việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán để việc tăng giá điện phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững, tuy nhiên, việc tăng giá điện vẫn sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, chi phí sinh hoạt của người dân.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện nay, theo thống kê của EVN, có khoảng trên 26 triệu hộ sử dụng điện. Nhóm hộ sử dụng điện chiếm tỷ trọng cao từ 100 kWh-200 kWh/tháng chiếm khoảng 38,7%; sau đó đến các hộ sử dụng dưới mức 100 kWh/tháng chiếm khoảng 22% và các hộ khác có tỷ lệ thấp hơn.

Với mức giá điện mới ban hành, hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng tăng thêm khoảng 7.000 đồng. Hộ sử dụng đến 100 kWh/tháng trả thêm khoảng 14.000 đồng. Hộ sử dụng 200 kWh/tháng trả thêm 31 000 đồng. Hộ sử dụng 300kWh/tháng trả thêm 53.000 đồng.

“Hộ nào càng tiêu thụ nhiều điện thì càng phải trả nhiều tiền, chính vì vậy Chính phủ kêu gọi mọi người tiết kiệm điện, tránh sử dụng lãng phí”, ông Tri nhấn mạnh.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ về giá điện với hộ nghèo, hộ chính sách, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết một trong những căn cứ để điều chỉnh giá điện là xem xét hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách. Việc tính toán cơ cấu bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ và vẫn đang hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách là 30 kWh/tháng với điều kiện họ sử dụng dưới 50 kWh/tháng. Với biểu giá điện mới này, hằng tháng Nhà nước đang hỗ trợ cho mỗi một hộ trên 50.000 đồng trực tiếp để mua điện.

“Theo thống kê của Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, năm 2018 chúng ta có khoảng 2,17 triệu hộ nghèo, hộ chính sách. Vậy ngân sách hàng năm bỏ trên 1.200 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Bên cạnh đó, chính sách bán giá điện cho các hộ sử dụng điện ít với mức dưới giá bán bình quân. Theo báo cáo của EVN, năm 2018 chúng ta có 9,22 triệu hộ sử dụng điện dưới 100 kW/h, chiếm 35,6% tổng lượng khách hàng sinh hoạt. Mức giá này đã được tính toán kỹ để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách”, ông Anh Tuấn thông tin.

Tác giả: Lan Trần

Nguồn tin: Báo Công lý

  Từ khóa: giá điện tăng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP