Kinh tế

Giá cá sấu tăng, người nuôi vẫn lo vì quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Giá cá sấu bỗng tăng trở lại sau 2 năm “rớt giá” thảm hại. Giá tăng, nhưng người nuôi loài cá này tại Đồng Nai vẫn không khỏi lo lắng khi đầu ra hiện đang phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc vốn “nóng, lạnh” bất thường.

Bất an vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Ông Nguyễn Văn Vịnh, quản lý trại nuôi cá sấu Cổ Hữu Tâm, ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán (Đồng Nai) cho hay, từ đầu năm đến nay, giá cá sấu được thương lái thu mua bỗng dưng tăng cao trở lại. Theo đó, giá cá sấu loại 1 (từ 8 đến 15kg/con) hiện có giá khoảng 140.000 đồng/kg; cá sấu loại 2 (từ 15 kg trở lên) có giá khoảng 110.000 đồng/kg. Với mức giá trên, mỗi con cá sấu bán ra, người nuôi có lãi từ 400.000 đến 800.000 đồng/con.

Tuy nhiên, theo ông Vịnh, giá cá sấu dù đã tăng trở lại nhưng người nuôi vẫn không dễ bán. Đặc biệt, đối với cá sấu loại 2 vốn được xuất khẩu sang Trung Quốc thì đang bán rất chậm. “Nhiều thương lái Trung Quốc đã đến xem hàng nhưng vẫn chọn lựa chưa chịu bắt”, ông Vịnh cho hay.

Trại cá sấu Cổ Hữu Tâm hiện đang nuôi gần 3.000 con cá sấu. Phân nửa trong số này hiện đã quá lứa để xuất chuồng (cá loại 2). Đây là số cá sấu tồn hàng từ 2 năm trước, do thời điểm bấy giờ giá cá sấu xuống quá thấp nên chủ trại nuôi “cố đấm ăn xôi” để chờ giá.

Khó bán, giá lại thấp nên chủ trại cũng “siết” chế độ chăm sóc để giảm chi phí. “Cá sấu nhỏ thì mình cho ăn hằng ngày còn đối với cá sấu quá lứa chỉ cho ăn tuần 2 lần để giảm bớt chi phí”, ông Vịnh cho hay.

Giá cá sấu đã tăng trở lại nhưng người nuôi vẫn lo lắng khi đầu ra loại vật nuôi này phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc

Bà Lưu Thị Hương, chủ vựa thu mua cá sấu Hương Công, ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán thì cho rằng, hiện giá cá sấu đã ở mức tốt hơn so với thời điểm khoảng 2 năm trước. Thời điểm trước, giá cá sấu rớt thê thảm từ mức hơn 200.000 đồng/kg xuống còn 50.000 đồng/kg. Bà Hương thừa nhận, hiện nay dù giá tốt nhưng hiện lượng hàng xuất đi Trung Quốc không nhiều.

“Trước mỗi tháng tôi xuất khoảng 20 tấn cá sấu thì hiện nay cũng chỉ tăng thêm khoảng 10 tấn mỗi tháng”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của con cá sấu. Cũng chính vì phụ thuộc vào thị trường này nên dù giá tăng, người nuôi hiện vẫn rất lo lắng.

“Họ cần nhiều thì họ qua mua đẩy giá tăng. Khi nhu cầu giảm thì họ không mua và giá rớt. Nói chung đầu ra con cá sấu hiện mình gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc”, bà Hương chia sẻ.

Người nuôi rục rịch tái đàn

Ông Lê Việt Dũng, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh hiện có tổng đàn cá sấu nuôi trên 180.000 con, tập trung chủ yếu ở huyện Định Quán với hơn 110.000 con. Trước năm 2016, khi Trung Quốc ồ ạt nhập cá sấu của Việt Nam, giá cá sấu đã tăng mạnh, có thời điểm đạt hơn 200.000 đồng/kg. Do chạy theo lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ ở Đồng Nai đã đầu tư nuôi cá sấu. Khi nguồn cung tăng mạnh thì Trung Quốc hạn chế nhập, giá cá sấu lao dốc, xuống còn 50.000 đồng/kg. Điều này khiến nhiều hộ nuôi rơi vào cảnh thua lỗ. Thời gian này có khoảng 100 hộ nuôi nhỏ lẻ (số lượng dưới 100 con) đã ngừng nuôi.

Hiện nay, khi giá cá sấu bắt đầu tăng trở lại, nhiều hộ nuôi cũng vì thế rục rịch tái đàn. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Định Quán, từ đầu năm 2018 đến nay, khi giá cá sấu tăng thì có khoảng 10 hộ trên địa bàn huyện Định Quán đã đăng ký nuôi trở lại.

Theo ông Dũng, việc người nuôi tăng đàn trở lại sẽ khiến nguồn cung cá sấu tăng. Trong khi đó, đầu ra cho loại cá này hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Do đó, khi thị trường này ngừng nhập giá bán có nguy cơ sẽ lại “đi vào vết xe đổ” như đã từng xảy ra 2 năm trước.

Tác giả: Vĩnh Thủy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP