Giáo dục

Gặp thầy giáo từ chối làm hiệu trưởng để có thời gian làm toán

Năm 2009, khi đang là phó hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, PGS. TS Nguyễn Sum được đề nghị giữ chức hiệu trưởng nhưng ông từ chối. Ông nhận trách nhiệm quyền hiệu trưởng trong 5 tháng rồi xin nghỉ, dành thời gian cho nghiên cứu toán học.

Gần 10 năm sau, năm 2017, PGS Nguyễn Sum được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho công trình dài 58 trang về bài toán "hit" của Peterson trên tạp chí Advances in Mathematics - một trong những tạp chí hàng đầu thế giới về toán học.

GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, người hướng dẫn PGS Nguyễn Sum gọi việc ông từ chối chức hiệu trưởng là "điều chưa từng thấy trong xã hội hiện nay".

Còn bản thân PGS Nguyễn Sum thì chuyện này như một lẽ thường.

PGS. TS Nguyễn Sum đã từ chối chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn để tập trung thời gian cho công việc nghiên cứu. Ảnh: Lê Văn.

Ông nói, làm công tác quản lý cũng là trách nhiệm của mỗi người để đóng góp cho xã hội. Và ông đã không từ chối trách nhiệm đó.

Từ năm 1995, ông bắt đầu kiêm nhiệm công việc quản lý với chức vụ trưởng bộ môn. Từ năm 2004, ông là phó hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn cho tới năm 2009.

"Tôi thấy đóng góp của tôi cho công tác này như vậy là đủ" - ông Sum nói. "Đến năm 2009 đã hết nhiệm kỳ, tuổi tác và sức khỏe của tôi không đủ để làm đồng thời nhiều việc, tôi muốn dành tất cả thời gian còn lại để giảng dạy và nghiên cứu khoa học nên tôi đã xin không tiếp tục làm công tác quản lý nữa".

Và ông chỉ thực sự làm nghiên cứu về Toán học - niềm đam mê của cuộc đời mình - kể từ sau năm này.

Ông kể, ông học phổ thông vào những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đó là những năm tháng vất vả khi hầu như không có năm nào được học trọn vẹn, năm sau phải học để bù đắp kiến thức của năm trước.

Tới năm 1979, ông được chọn vào đội tuyển của tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định) tham dự kỳ thi Toán quốc gia lần đầu tiên được tổ chức trong cả nước. Ông tự nhận, kết quả của mình trong kỳ thi không cao nhưng niềm say mê của một cậu học trò trường huyện đối với Toán học bắt đầu từ đó.

Tháng 9 năm đó, ông chọn thi vào ngành Sư phạm Toán của Trường ĐH Quy Nhơn rồi gắn bó với ngành Toán đến bây giờ.

Trong bài phát biểu tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu vừa diễn ra, PGS Nguyễn Sum nói rằng, điều may mắn của ông là khi làm nghiên cứu sinh đã nhận được sự hướng dẫn của GS Nguyễn Hữu Việt Hưng và GS Huỳnh Mùi, những người đã chỉ cho ông hướng nghiên cứu hiện đại, ngang tầm quốc tế, những người đã chỉ cho ông cách làm khoa học một cách chân chính và truyền cho ông nghị lực để vượt qua mọi khó khăn khi làm nghiên cứu.

GS Hưng cũng là người đã giới thiệu và đề nghị ông nghiên cứu về bài toán hit của Peterson - bài toán gắn liền với sự nghiệp Toán học của ông cho tới ngày nay.

Bài toán hit do Frank Peterson (Học viện Kỹ thuật Massachussets) đặt ra vào năm 1986 và ông đã giải tường minh trường hợp 1 và 2 biến. Các tính toán tường minh của bài toán hit cho trường ba biến là nội dung luận án tiến sĩ của Masaki Kameko (ĐH Toyama, Nhật Bản) thực hiện tại Trường ĐH Johns Hopkins, ông bảo vệ luận án vào năm 1990.

"Năm 1996, GS đã gửi cho tôi luận án của Kameko vào năm 1996, đến năm 2000 ông đề nghị tôi nghiên cứu nó" - ông Sum nhớ lại.

GS Hưng cho rằng, bài toán này thích hợp với một người đang làm công việc quản lý như ông Sum. Bởi lẽ, bài toán này đòi hỏi một khối lượng tính toán khổng lồ, bù lại nó không cần quá nhiều sự cọ sát thường xuyên với những ý tưởng mới, điều không thể có ở Quy Nhơn.

Đồng thời, nó cơ bản đến mức không ai có quyền chối bỏ, và nó phức tạp đến mức ở những nơi có nhiều lựa chọn hơn thì những người làm toán thường “kính nhi viễn chi”, không đủ can đảm để nghiên cứu nó.

Ông Sum cũng khẳng định điều này dù trong 5 năm sau lời đề nghị này, ông mới bắt đầu tiếp cận bài toán.

Công việc của ông Sum là nghiên cứu và tính toán với đại số đa thức 4 biến bằng cách dùng phương pháp và các kết quả trong luận án của Kameko.

Hai năm sau, cuối năm 2007, ông giải quyết được trọn vẹn trường hợp 4 biến, hoàn thành một bản thảo chi tiết dài tới 240 trang.

"Vì công trình này rất dài và tính toán rất phức tạp nên không thể gửi đăng trên các tạp chí ISI được. Do đó tôi nghiên cứu lý thuyết để rút ngắn nó" - ông Sum kể lại.

PGS Nguyễn Sum (trái) và GS Phan Thanh Sơn Nam, 2 nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. Ảnh: Lê Văn.

Theo ông Sum, trong luận án của Kameko có đưa ra một giả thuyết về cận trên đúng của số các phần tử sinh của đại số đa thức k biến xem như môđun trên đại số Steenrod. Tuy nhiên, giả thuyết này đúng với k không quá 4.

Trong quá trình nghiên cứu lý thuyết tổng quát, ông Sum chứng minh được rằng giả thuyết của Kameko là sai khi số biến k lớn hơn 4. Từ kết quả này, ông đã đăng bài báo đầu tiên về bài toán hit trên tạp chí Advance in Mathematics vào năm 2010 dài 26 trang: "Phủ định giả thuyết của Kameko về bài toán hit".

Trên cơ sở của phủ định giả thuyết của Kameko, ông Sum đã thiết lập một công thức quy nạp về số phần tử sinh của đại số đa thức xem như môđun trên đại số Steenrod theo số biến của đại số đa thức đó. Sử dụng công thức quy nạp này, ông trình bày lại kết quả chi tiết của bản thảo 240 trang đã viết trước đó về dạng cấu trúc chỉ còn 20 trang.

Tháng 4/2015, ông đăng tải toàn bộ kết quả nghiên cứu của mình trên tạp chí Advance in Mathematics với dung lượng chỉ còn 58 trang với tiêu đề: "Về bài toán hit của Peterson". Phần bản thảo 240 với những tính toán chi tiết được công bố online như một phần gắn liền của công trình nói trên.

Đây cũng là công trình đã giúp PGS Nguyễn Sum được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017, mà GS Đinh Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng giải thưởng khẳng định là một công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990.

Nhớ lại quãng thời gian theo đuổi giải quyết những vấn đề đặt ra từ bài toán hit của Peterson, ông Sum nói mình đã gặp rất nhiều khó khăn song rất khó để có thể mô tả cụ thể sự khó khăn ấy. Ông chỉ chắc chắn rằng, ông luôn có niềm tin tuyệt đối với công việc của mình.

Năm nay 57 tuổi, chỉ kém người thầy của mình vỏn vẹn 3 tuổi, ông Sum nói mình đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời và sự nghiệp nhưng với Toán học thì ông vẫn chưa dừng lại. Toán học đã gắn bó với ông như điều gì đó không thể tách rời.

Trong email chúng tôi nhận được từ PGS Nguyễn Sum, ông đặt tên hiển thị trên email của mình là "Nguyen Sum, Toan" thay vì Nguyễn Sum. Nguyễn Sum - Toán có lẽ là điều đơn giản và đúng nhất để nói về người thầy giáo từ Trường ĐH Quy Nhơn này thay vì một học hàm hay chức danh nào đó.

Tác giả: Lê Văn

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP