Trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, Nghị quyết nêu rõ các nguyên tắc sau:
- Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
- Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
- Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.
- Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai…và đầu tư kinh doanh.
- Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.
- Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, Chính phủ thống nhất không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh phải quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.
Thứ hai là tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khở nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ rà soát, đánh giá tình hình thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đề xuất biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vũ cho Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia nhằm tăng vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ ba là đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đằng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị quyết nêu rõ, các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực.
Trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghiên cứu, đề xuất để thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều), giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực: Công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản.
Thứ 4 là giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nghị quyết nêu rõ Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ra soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp.
Đồng rà soát điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý hơn để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp.
Thứ 5 là Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan.
Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo. Không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế.
Bộ Công an rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về an ninh, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo những quyền kinh doanh đã được pháp luật quy định; xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường…
Không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự. Tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật không quá một lần/năm; kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp quận, huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Tác giả bài viết: Thụy Du