Thế giới

G7 sẽ ra tuyên bố về Biển Đông

Các nguồn tin đều xác nhận cuộc gặp mặt của các lãnh đạo nhóm bảy nước giàu của thế giới tại Nhật sẽ ra tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” về tình trạng xây dựng đảo và quân sự hóa tại Biển Đông.

Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép (ảnh chụp ngày 29-4-2016) - Ảnh: N.C.Thành


Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có một chuyến thăm tốt đẹp tại Việt Nam với những kết quả thảo luận về chính trị lẫn những cái vẫy tay nồng nhiệt từ người dân. Những cái vẫy tay, những nụ cười đó đã tiễn ông kết thúc ba ngày thăm viếng vào trưa 25-5.

Chuyện khó ở Nhật

Nhưng viễn cảnh đó sẽ không dễ có tại Nhật. Ngay khi đặt chân đến Tokyo, ông sẽ có cuộc làm việc song phương với Thủ tướng Shinzo Abe mà các chủ đề được đánh giá là “khó nhằn” từ chuyện thăm viếng Hiroshima cho đến sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các căn cứ trên đất Nhật.

Dự báo sẽ có không ít cuộc biểu tình chống đối đòi hỏi tổng thống Mỹ phải xin lỗi về chuyện Mỹ thả bom hạt nhân xuống nước Nhật. Còn Thủ tướng Abe cũng đã bắn tiếng qua truyền thông rằng ông sẽ nhắc ông Obama phải siết lại kỷ luật của binh sĩ Mỹ tại căn cứ ở Okinawa sau những vụ việc liên quan đến giết người, quấy rối tình dục...

Dự kiến ông Obama sẽ có thể phải đối mặt những cuộc biểu tình rầm rộ ở Okinawa đòi rút quân đội Mỹ khỏi Nhật. Hiện nay hơn phân nửa trong tổng số 47.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật tập trung ở Okinawa.

Trong chương trình nghị sự chính của hai ngày 26 và 27-5, các lãnh đạo G7 đương nhiên phải đề cập đến kinh tế và thương mại thế giới. Các nhà lãnh đạo đặt mục tiêu đưa ra một thông điệp tích cực nhằm giải quyết những thách thức đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu và những nguy cơ khác. Họ cũng sẽ tham gia các cuộc đối thoại thẳng thắn về những vấn đề chính sách đối ngoại như chống khủng bố, Trung Đông, Ukraine và CHDCND Triều Tiên...

Biển Đông 
không thể thiếu

Theo Japan Times, nguồn tin của họ cho biết tại hội nghị G7 lần này ở Ise-Shima, tỉnh Mie, các lãnh đạo sẽ ra tuyên bố chung phản đối tình trạng quân sự hóa, gián tiếp chỉ trích các hành động đơn phương của Bắc Kinh tại những đảo và đá ở 
Biển Đông.

Theo đó, các nhà lãnh đạo sẽ cùng phản đối “những hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng” trong bản tuyên bố chung sau khi kết thúc chương trình nghị sự dài hai ngày. Trong đó sẽ lên án những hành vi “đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực” trong các tuyên bố chủ quyền, kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế, một cách nói rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Giới lãnh đạo sẽ cùng “bày tỏ quan ngại” về những căng thẳng trên biển Hoa Đông liên quan tới những tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngay trước thềm hội nghị, báo Asahi Shimbun dẫn lời Thủ tướng Abe cho biết Nhật và Canada cùng chia sẻ “mối quan ngại sâu sắc” về tình trạng cải tạo và quân sự hóa tại Biển Đông. Quan điểm này được ông Abe đưa ra trong cuộc họp báo chung ngày 24-5 giữa ông và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Ông Abe nhấn mạnh: “Về vấn đề Biển Đông, chúng tôi chia sẻ những quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng như việc cải tạo quy mô lớn, xây dựng các công trình và quân sự hóa. Một kết quả đạt được ý nghĩa là chúng tôi đã thống nhất với nhau trong việc hợp tác để đảm bảo những vùng biển an toàn, tự do và hoạt động theo pháp luật”.

Tuy nhiên, các thành viên G7 ở châu Âu do đang tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế với Bắc Kinh nên tỏ ra khó khăn hơn trong việc công khai chỉ trích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về những hoạt động vô lý của họ trên biển. Thủ tướng Shinzo Abe nóng lòng muốn tỏ rõ một phản ứng thống nhất của các thành viên khối G7 với những hành động thay đổi hiện trạng của Trung Quốc tại Biển Đông.

“Khi ở vị trí lãnh đạo bảy năm rưỡi qua, tôi hiểu rằng mọi lãnh đạo đều phải đưa ra những quyết định rất khó khăn, đặc biệt trong thời chiến

Tổng thống Mỹ Barack Obama trả lời Đài truyền hình Nhật NHK

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhận lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm làm việc tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Mie, từ ngày 26 đến 28-5.

Hội nghị thượng đỉnh G7 có sự tham gia của các nhà lãnh đạo của Nhật, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Mỹ và đại diện Liên minh châu Âu (EU).

Tác giả bài viết: D.Kim Thoa

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP