Kinh tế

Fitch cảnh báo rủi ro từ chính sách tiền tệ của Việt Nam

Theo Fitch, chính sách tiền tệ của Việt Nam còn quá nới lỏng và có thể tác động lên ổn định vĩ mô.

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch vừa ra báo cáo phân tích về chính sách tiền tệ của Việt Nam. Theo đó, Fitch dự báo Ngân hàng Nhà nước (SBV) tiếp tục giữ lãi suất tái cấp vốn tại 6,25% trong năm nay và 2019, để cân bằng mục tiêu tăng trưởng và lạm phát.

Hãng này cũng dự báo các nhà hoạch định chính sách áp dụng các biện pháp thắt chặt có chọn lọc, như chỉ đạo siết cho vay hoặc các biện pháp vĩ mô thận trọng. SBV đang dần hiện đại hóa khung chính sách tiền tệ, chuyển dịch theo hướng dùng lạm phát làm neo danh nghĩa (nominal anchor) và tăng tính linh hoạt cho tỷ giá. Tuy vậy, cơ quan này vẫn dùng mục tiêu tăng trưởng tín dụng là công cụ điều hành tiền tệ chính.

Nhìn chung, Fitch nhận định lập trường chính sách tiền tệ của SBV vẫn còn quá nới lỏng, thanh khoản dư thừa. Hiện tại, nó vẫn chưa tác động lên ổn định vĩ mô, nhưng rủi ro đang nghiêng về hướng suy giảm.

Công nhân làm việc trong một dự án xây dựng tại Hà Nội. Ảnh: Reuters

Thực tế, SBV đã chuyển sang lập trường thắt chặt hơn từ đầu năm nay, thể hiện qua mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn (17% năm 2018 so với 18% năm 2017). Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm cũng chỉ còn 8,2%, so với 10,8% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, SBV đã duy trì lãi suất tái cấp vốn 6,25% trong 15 tháng liên tiếp.

Cơ quan này cũng công bố nhiều quy định thắt chặt về cho vay từ tháng 8. Đến tháng 10, SBV còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại duy trì kiểm soát các khoản vay mới trong các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, tín dụng tiêu dùng và đầu tư chứng khoán.

Dù vậy, kể cả khi đã áp dụng các biện pháp này, Fitch cho rằng chính sách tiền tệ vẫn còn quá nới lỏng. Lãi suất liên ngân hàng vẫn thấp hơn đáng kể so với lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu, làm hạn chế hiệu quả từ cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ của SBV. Đến ngày 7/10, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng chỉ là 3,14%, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn một tháng là 4,11%, trong khi lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu lần lượt là 6,25% và 4,25%.

Việc này một phần do nỗ lực của SBV nhằm gây dựng dự trữ ngoại hối mà không phải can thiệp trung hòa hoàn toàn. Dù lạm phát vẫn tương đối thấp (4% trong hai tháng qua), dư thừa thanh khoản có khả năng đẩy lạm phát lên cao và tăng nợ xấu, do lãi suất có thể bị bóp méo.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng ở mức 17-18% một năm cũng vẫn cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa (11-12%). Đây là điều cần quan tâm, khi tỷ lệ nợ trên GDP khu vực tư nhân đã lên 130,7% năm 2017 (theo World Bank), từ 96,8% năm 2013. Điều này phản ánh tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tín dụng. Đây là cách thức không bền vững.

Đòn bẩy trong nền kinh tế Việt Nam cũng cao hơn nhiều các nước trong khu vực, như Philippines (47,8%), Indonesia (38,7%), Campuchia (86,7%) và Malaysia (124%). Fitch cho rằng nếu để các yếu tố bóp méo nền kinh tế tiếp tục phát triển, rủi ro sẽ ngày càng cao khi tín dụng sụt giảm do các cú sốc bên trong và bên ngoài (như sự sụp đổ của thị trường bất động sản năm 2010 – 2012) sẽ mang lại nhiều hậu quả đau đớn hơn. Nền kinh tế có thể tăng trưởng chậm hơn đáng kể và kéo dài hơn so với cuộc khủng hoảng trước trong hệ thống ngân hàng.

Khuyến nghị của Fitch được nhiều chuyên gia Việt Nam cho rằng "có cơ sở" nếu xét trên hai yếu tố là quy mô tín dụng và hệ số an toàn vốn (K). Tiến sĩ Cấn Văn Lực (Trung tâm Nghiên cứu BIDV) bình luận: "Không riêng Fitch, một số tổ chức quốc tế khác như IMF cũng có nhận xét tương tự, rằng Việt Nam cần kiểm soát quy mô và chất lượng tín dụng để đảm bảo hệ thống lành mạnh hơn”, ông Lực nói. Ông phân tích, quy mô tín dụng của Việt Nam đạt khoảng 130% GDP vào cuối năm 2017 và dự báo tăng lên 137-138% GDP năm nay. Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn hiện khá thấp trong bối cảnh tín dụng tăng 15-16% và vốn chủ sở hữu ngân hàng chỉ tăng 8-9%. Khi hệ số K thấp, sẽ khó đáp ứng chuẩn Basel II thời gian tới.

Cùng quan điểm, ông Phạm Thế Anh - giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cung tiền lớn hơn tăng trưởng sẽ khiến giá cả tăng, không tốt cho nền kinh tế. Theo ông, nếu năm nay tăng trưởng có thể đạt hoặc hơn mức mục tiêu 6,7%, chính sách tiền tệ nên thận trọng hơn để tránh rủi ro lạm phát. “Không cần cố gắng bằng mọi cách để đạt tăng trưởng cao hơn nữa, như vậy rất rủi ro cho nền kinh tế. Nếu đã vượt qua giai đoạn suy giảm, đi vào tăng trưởng ổn định và thực chất thì cần bớt dựa vào tiền tệ, kích thích tín dụng”, ông Thế Anh nói.

Chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân cũng lưu ý, nếu lạm phát xảy ra thì một trong những cách để chống là tăng lãi suất, như vậy “giá” chống lạm phát sẽ khá đắt. “Lãi suất tăng sẽ làm giảm tăng trưởng trong dài hạn, ảnh hưởng tới sức khoẻ doanh nghiệp. Phòng ngừa lạm phát bao giờ cũng dễ hơn chống lạm phát”, ông nói thêm.

Tác giả: Hà Thu - Hoài Thu

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP