Thống kê của Facebook cho thấy, Việt Nam nằm trong số 10 nước bị ảnh hưởng nhất từ vụ bê bối dữ liệu mới bị phanh phui hồi tháng 3. Không ít người dùng đã chia sẻ lo lắng trên mạng xã hội rằng liệu họ có nằm trong số các nạn nhân, hay các thông tin nào của họ đã bị lợi dụng... Trong khi đó, một số khác đùa rằng "chắc công ty dữ liệu chừa mình ra".
Facebook cho biết tuần tới, một đường link sẽ được đặt ở đầu Bảng tin (News Feed) của người dùng để họ có thể biết các ứng dụng mà họ đã tham gia, thông tin nào đã chia sẻ cho ứng dụng đó và liệu những thông tin đó có bị Cambridge Analytica khai thác. Người dùng cũng có thể chủ động xóa ứng dụng mà họ không muốn duy trì nữa.
Ảnh: Yahoo |
Ngày 4/4, Giám đốc công nghệ Facebook Mike Schroepfer cho hay lượng thông tin cá nhân bị rò rỉ trong bê bối Cambridge Analytica là 87 triệu người chứ không dừng lại ở 50 triệu. Do đó, Facebook đang có những biện pháp mới để tăng cường bảo mật như giới hạn quyền truy cập của các ứng dụng bên thứ ba, xóa các thông tin cuộc gọi, tin nhắn đã tồn tại hơn một năm trên hệ thống.
Quan trọng hơn, mạng xã hội sẽ bỏ tính năng hỗ trợ người dùng tìm kiếm các thành viên khác bằng số điện thoại hay email.
Giữa tháng 3, Facebook bị tố làm rò rỉ thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng. Chúng được thu thập bởi giảng viên Aleksandr Kogan và bán cho công ty Cambridge Analytica từ năm 2015. Số dữ liệu này sau đó được cho là có tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khiến Zuckerberg phải ra điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ vào ngày 11/4 tới.
Tác giả: Minh Minh
Nguồn tin: Báo VnExpress