Kinh tế

​Đường sắt sụt giảm sản lượng lẫn doanh thu

Ông Đoàn Duy Hoạch, phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam, cho biết trong năm 2016 sản lượng hợp nhất toàn ngành đạt 7.975,1 tỉ đồng (đạt 87,7% so với cùng kỳ năm 2015), doanh thu 8.338 tỉ đồng (đạt 88,8%), lợi nhuận sau thuế dự kiến 137 tỉ đồng.

Đây là báo cáo tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ngày 5-1.

Ông Hoạch lý giải do tổng công ty tiếp tục thoái vốn và cổ phần hóa nên số lượng công ty con, cổ phần liên kết giảm khiến sản lượng, doanh thu hợp nhất tính theo mặt bằng chung giảm so với năm 2015.

Trong khi đó, công ty mẹ doanh thu đạt hơn 2.384 tỉ đồng (bằng 85% so với cùng kỳ 2015 và đạt 91,4% kế hoạch). Công ty mẹ đạt lợi nhuận sau thuế 112,29 tỉ đồng (bằng 129,1% so với cùng kỳ 2015) nhưng lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động tài chính, năm 2016 dự kiến thu từ thoái vốn, cổ phần hóa và các hoạt động tài chính khác là 155,66 tỉ đồng.

Một trong những lý do khiến sản lượng và doanh thu giảm được giải thích là do hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các loại hình vận tải khác; cơ sở vật chất, phương tiện vận tải lạc hậu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các phương tiện vận tải khác cùng với các sự cố sập cầu Ghềnh, ô nhiễm môi trường biển miền Trung, lũ lụt liên tiếp khiến đường sắt bị gián đoạn vận chuyển tại miền Trung đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của Đường sắt Việt Nam.

Năm 2017, Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế 138 tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, phụ trách hội đồng thành viên Đường sắt Việt Nam, cho rằng năm 2016 hạ tầng đường sắt không thay đổi nhiều và đây là năm bắt đầu vận hành mô hình tái cơ cấu đi vào thực chất nên tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Đường sắt Việt Nam.

Theo ông Đông, đường sắt vẫn chưa thể giảm sự cạnh tranh vì dư địa tăng trưởng các lĩnh vực vận tải khác như hàng không, đường thủy, đường bộ vẫn còn. Vì thế, ngành cần phải duy trì ổn định và hướng tới mục tiêu phát triển, khai thác tốt hạ tầng hiện hữu, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn chạy tàu, tập trung tổ chức tốt vận tải, đưa công nghệ mới vào khai thác, quản lý tốt hạ tầng vốn có trong khi không thể một sớm một chiều có hạ tầng hiện đại…

Tác giả bài viết: Tuấn Phùng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP