TAND TP HCM sẽ đưa vụ án buôn lậu hơn 6,1 tấn vàng thỏi do 24 bị cáo (ngụ TP HCM và Tây Ninh) ra xét xử vào sáng nay (16-7). Vụ buôn lậu vàng quy mô lớn này không chỉ cho thấy sự tinh vi của các đối tượng mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả của công tác quản lý, giám sát, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu tại Việt Nam.
Vàng lậu "lọt" cửa khẩu
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, vụ án bắt đầu được phanh phui từ ngày 28-9-2022. Sau thời gian theo dõi, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã bắt quả tang 4 đối tượng thực hiện giao nhận 63 thỏi vàng với trọng lượng 63 kg tại đường Hồng Lạc, phường 14, quận Tân Bình, TP HCM. Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an phát hiện 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia vào Việt Nam với quy mô lớn.
Từ đầu năm 2022, các bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (ngụ TP HCM), Nguyễn Thị Kim Phượng và Nguyễn Thị Thúy Hằng cùng ngụ tỉnh Tây Ninh đã móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu (sống gần cửa khẩu Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) để thiết lập và điều hành 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc.
Đường dây thứ nhất do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, đã lôi kéo 20 người tham gia và buôn lậu hơn 4,8 tấn vàng thỏi (trị giá hơn 6.600 tỉ đồng) từ ngày 3-8-2022 đến 28-9-2022. Tại Việt Nam, Phụng tiếp nhận nhu cầu mua vàng từ khách hàng. Sau đó, Phụng liên hệ với những người bán vàng tại chợ Olympic Phnom Penh, Campuchia để đặt mua vàng.
Trong đường dây của Phụng, Giàu chịu trách nhiệm vận chuyển vàng từ Campuchia vào Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc. Các đối tượng vận chuyển vàng lậu mỗi ngày. Cụ thể, vào buổi chiều Phụng sẽ báo thời gian, số lượng vàng mua cho Giàu. Khoảng 4 giờ 30 - 5 giờ sáng hôm sau, Giàu thuê những người Campuchia sống gần cửa khẩu Chàng Riệc nhận vàng rồi cất bên dưới sàn xe ba gác chở đá lạnh đưa sang Việt Nam. Các đối tượng đã lợi dụng chính sách cho phép phương tiện của cư dân biên giới qua lại cửa khẩu vì nhu cầu sinh hoạt không bắt buộc phải kiểm soát hải quan.
Sau đó, Giàu giao cho con trai là Trần Thanh Thắng đến cửa khẩu chạy xe ba gác chứa vàng về xưởng nước đá ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, các đối tượng lấy vàng khỏi các ngăn chứa bí mật rồi bỏ lại tiền vào bên trong xe ba gác, chất đá lạnh lên rồi chạy xe trở lại cửa khẩu. Nhóm của Giàu được trả tiền công vận chuyển 170 USD/thỏi vàng và 2.500 đồng/100 USD khi chuyển tiền thanh toán sang Campuchia. Cuối mỗi ngày, Phụng và Giàu sẽ chốt tiền hưởng lợi và thanh toán (bằng hình thức chuyển khoản) sau 7-10 ngày mua bán.
Sau khi nhận được vàng, Phụng giao cho nhóm Nguyễn Quý Trường vận chuyển vàng về TP HCM rồi giao cho khách, thu tiền về cho Phụng. Để mua bán vàng lậu, Phụng sử dụng nhiều địa điểm tại quận 5, quận 8, quận 10; mua nhiều điện thoại di động, sử dụng nhiều mạng xã hội để liên lạc, giao dịch.
Đường dây buôn lậu vàng thứ hai do Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu. Phượng là em gái của Giàu cùng sống ở khu vực cửa khẩu Chàng Riệc. Phượng mua vàng thỏi 9999 của một đối tượng người Campuchia với giá 54.000 USD/kg rồi bán lại cho Nguyễn Thị Thúy Hằng (chủ tiệm vàng Kim Oanh Hằng tại TP Tây Ninh) với giá cao hơn 300 USD/kg. Mỗi lần đặt mua, Hằng thanh toán trước cho Phượng từ 300.000 - 500.000 USD/tổng số tiền mỗi lần đặt mua vàng. Kết quả điều tra thể hiện, Phượng được hưởng lợi 100 USD/kg. Cũng với cách thức và thủ đoạn như đường dây buôn lậu vàng của Nguyễn Thị Minh Phụng, Phượng chỉ đạo Trần Thanh Thắng mang vàng lậu qua cửa khẩu bằng xe đá lạnh. Đường dây này bắt đầu hoạt động từ ngày 16-7-2022 đến ngày 28-9-2022 thì bị bắt. Trong thời gian này, Phượng đã mua 1.320 kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.800 tỉ đồng.
Tang vật vụ án. (Ảnh do Công an cung cấp) |
Vàng lậu "đi" máy bay
Cũng theo cáo trạng, trong vụ án này Đặng Thị Thanh Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng) là cá nhân đã tiêu thụ số lượng vàng lậu lớn trong đường dây của Phụng. Đặng Thị Thanh Hằng có 2 địa chỉ kinh doanh tại TP HCM và Hà Nội. Tiệm vàng Phúc Hằng không được phép kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu nhưng bị cáo Hằng cùng đồng phạm đã mua 294 kg vàng của Phụng với tổng trị giá hơn 399 tỉ đồng. Một phần trong số này được vận chuyển ra Hà Nội bằng đường hàng không.
Kết quả điều tra thể hiện Đặng Nam Trung (em ruột Hằng) thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TP HCM để giao tiền, nhận vàng mang ra Hà Nội theo sự phân công của Hằng. Khi làm thủ tục lên máy bay, Trung đi qua cửa VIP kiểm soát an ninh sân bay Tân Sơn Nhất và có quen biết với nhiều nhân viên an ninh sân bay Tân Sơn Nhất. Khi mang vàng ra Hà Nội, Trung đều nhờ làm thủ tục lên máy bay trước. Trường hợp Trung không trực tiếp mang vàng ra mà giao cho Trịnh Việt Châu hoặc gửi nhân viên hãng hàng không thì Trung sẽ nhờ trước nhân viên an ninh trực để các cá nhân này mang vàng qua cửa an ninh.
Tuy nhiên, rà soát kết quả soi chiếu của an ninh sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ xác định được chuyến bay ngày 28-9-2022, Trung bay từ TP HCM ra Hà Nội có mang theo vàng nguyên khối (khoảng 15 kg bỏ trong 3 túi ni lông màu đen). Kết quả điều tra thể hiện, nhân viên soi chiếu tại sân bay thấy bên trong hành lý của Trung có nhiều vật phẩm kim loại dạng khối nhưng không kiểm tra trực quan, cũng không báo cáo cán bộ trực an ninh. Cơ quan công an xác định có 6 cán bộ, nhân viên an ninh sân bay liên quan. Tuy nhiên, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng căn cứ quy định của Bộ Giao thông Vận tải thì hành lý xách tay của hành khách Đặng Nam Trung không có vật phẩm nguy hiểm bị cấm mang lên máy bay theo quy định của Luật Hàng không Việt Nam và danh mục vật phẩm nguy hiểm của Cục Hàng không Việt Nam. Do đó, cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý đối với 9 cá nhân này.
Đặng Thị Thanh Hằng đã rời khỏi Việt Nam Ngày 26-9-2022, Đặng Thị Thanh Hằng đã xuất cảnh khỏi Việt Nam. Hiện Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã tách vụ án hình sự đối với bị can này để tiếp tục xử lý khi bắt được Hằng. Trước đó, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã kê biên hàng loạt bất động sản của Hằng tại Hà Nội và TP HCM; phong tỏa số tiền 430 triệu đồng trong tài khoản và ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng nhiều bất động sản khác. Liên quan vụ án, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã "điểm tên" 9 cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc có dấu hiệu tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, xét thấy sai phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân nên đã chuyển hồ sơ liên quan đến Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. |
Tác giả: Trần Thái
Nguồn tin: Báo Người Lao động