Lái xe Nguyễn Văn Dũng đưa tôi ngược Bắc Lý (TP. Đồng Hới), nhập đường Hồ Chí Minh đến với Cự Nẫm, một xã của huyện Bố Trạch. Dũng năm nay mới gần 40 tuổi, bố của 2 nhóc tì, tính tình xởi lởi.
Năm 2014, để chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Bình (1945-2015), tôi cho rằng mình có một vinh dự đặc biệt khi anh Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT (nay là Giám đốc Sở Công thương) mời vào biên soạn, bổ sung “Lịch sử GTVT Quảng Bình” và làm cuốn sách ảnh “70 năm GTVT Quảng Bình”. Thời anh Nguyễn Văn Long làm Giám đốc sở đã biên soạn từ năm 1945-2000. Nhiệm vụ của tôi là chỉnh lý, nâng cao phần đã có, “viết thêm” 15 năm. Nhờ đó, tôi biết được về tên đất, tên người Cự Nẫm.
Cầu Long Đại trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông. |
Cự Nẫm đã là một mốc địa chỉ trên con đường thượng đạo, từ trong lịch sử; từng in dấu chân của vua tôi Lê Thánh Tông, trên đường mở nước vào Nam hoặc dấu chân hành quân của vua tôi Quang Trung trên đường hành quân ra Bắc...
Cự Nẫm, trước hết là “Làng chiến đấu”. Phía Tây có khe Cái Trong đổ ra nguồn sông Son, sau đó hợp với sông Gianh đổ ra biển; phía Bắc có đường xe lửa xuyên Việt chạy qua. Tỉnh lộ 2 từ Hoàn Lão lên xuyên qua Cự Nẫm từ Đông sang Tây để lên Troóc, Hà Lời, Khương Hà.
Thời chống Pháp, quanh Cự Nẫm có nhiều cao điểm độc lập hoặc liên hoàn, như: Cồn Tro, Cồn Nàn, Rú Nguốn, Đồng Dôn, Hố Đá... thuận lợi cho việc bố trí binh, hỏa lực tấn công và phòng thủ. Cự Nẫm nằm trên đường liên lạc bí mật của tỉnh, là tiền đồn phía Đông. Thế hệ cha ông, từng ví Cự Nẫm là “áo giáp” bên ngoài của vùng tự do Bố Trạch và của cả tỉnh (lúc bấy giờ cơ quan lãnh đạo kháng chiến huyện đóng ở Hà Lời, Cổ Giang, Troóc, Cù Lạc).
Những năm tháng chống thực dân Pháp, hưởng ứng cao trào “Quảng Bình quật khởi” do Tỉnh ủy Quảng Bình phát động, nhân dân Cự Nẫm đào hầm bí mật, hố chiến đấu, đặt bẫy, gài chông... Cả làng chỉ có 2 lối vào, ra, được du kích túc trực canh gác thường xuyên và đánh địch. Cự Nẫm trở thành “Làng chiến đấu mẫu mực”.
Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, thực hiện Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II), Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từng hai lần vào khảo sát ở Quảng Bình (năm 1959 và năm 1960). Dấu chân Đại tướng đã đặt lên Cự Nẫm, trong những ngày bí mật khảo sát các tuyến đường vượt Trường Sơn và thi công Quốc lộ 15A, chuẩn bị cho cuộc “chiến đấu thần thánh” của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhân dân Cự Nẫm một lần nữa phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trở thành một “địa chỉ đỏ” trên quê hương “Hai giỏi”. Nhờ thế, nhân dân Cự Nẫm đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (năm 1966 và năm 1970).
Bây giờ Cự Nẫm đang trước mắt tôi. Dòng sông Son đang trước mắt tôi.
*
* *
Với đường bộ cao tốc Bắc Nam, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có đến ba dự án thành phần. Trước hết là đoạn Vũng Áng-Bùng (2 gói thầu), sau đó là đoạn Bùng-Vạn Ninh (2 gói thầu); cuối cùng là đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ (2 gói thầu).
Những người công nhân xây dựng công trình trên tuyến đường bộ cao tốc, đoạn qua TX. Ba Đồn. |
Cự Nẫm, nơi tôi đến là điểm cuối của tuyến Vũng Áng-Bùng. Đồng làng các thôn Hà Môn, Nguyên Sơn, Đông Sơn mùa này xanh ngăn ngắt. Dũng lái xe bảo, tháng 6 tới vụ ngô sẽ thu hoạch. Trên đồng, bà con đang chăm bón, thi thoảng gặp vài con bò đang gặm cỏ. Sông Son lững lờ đến bồi hồi. Tất cả gợi lên một khung cảnh bình yên.
- Khó nhất của dự án đi qua Quảng Bình là gì? Tôi hỏi một kỹ sư trên công trường.
- Có lẽ ở phần dự án này gặp khó khăn nhất là nền đất yếu và giải phóng mặt bằng chưa xong. Bọn em còn 18 hộ, 1 trường mầm non, 1 nhà văn hóa, anh cho biết.
Trên đường đến Cự Nẫm, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, dự án đường bộ cao tốc song song. Đấy là địa bàn xã Phú Định và thị trấn Nông trường Việt Trung. Tổng Công ty 36 Bộ Quốc phòng trúng thầu thi công. Khi nhìn thấy những khu đất vừa được san ủi ngay bên tay phải trên đường đến Bùng, tôi hỏi Nguyễn Văn Dũng thì được biết, đó là khu tái định cư. À ra thế, các hộ dân, chính quyền thôn Cự Nẫm chưa bàn giao mặt bằng do nơi tái định cư chưa xong.
Bao giờ cũng thế, ngoài chính sách đền bù, chỉ cho dân nơi tái định cư bao giờ cũng là quyết định. Đấy là chưa nói đến hạ tầng điện, hạ tầng nước và nhiều nội dung xã hội khác. Triển khai dự án không thể theo kiểu “đánh úp” dân.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình dài hơn 126km. Hơn 3.100 hộ dân, 4.600 ngôi mộ trong vùng bị ảnh hưởng, trong đó, 551 hộ thuộc diện tái định cư, phải di dời hơn 3.700 ngôi mộ.
Để thi công dự án, toàn tỉnh phải có 26 khu tái định cư, với diện tích 69,13ha tại 19 xã. Được biết, tỉnh Quảng Bình đang tập trung đẩy nhanh thi công các khu tái định cư dự án cao tốc Bắc-Nam. Đây cũng là khối lượng khổng lồ.
Trước khi rời Quảng Bình về Hà Nội, tôi được biết, chiều 17/2, tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình về tình hình triển khai 6 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua 3 tỉnh này và dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối.
Phó Thủ tướng quan tâm đến bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc-Nam. Rõ ràng còn chậm. Vì vướng nhiều thứ mà chậm. Đất phải bàn giao chủ yếu là thổ cư, công trình hạ tầng liên quan nhiều đơn vị. Tuyến do Tổng Công ty 36 Bộ Quốc phòng thi công lại còn vướng đất lâm nghiệp của nông, lâm trường.
Để đáp ứng tiến độ cao tốc Bắc-Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp với các lãnh đạo chủ chốt các địa phương có dự án đi qua để có phương án sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng. Để đốc thúc tiến độ, tỉnh Quảng Bình đặt mốc bàn giao mặt bằng sạch cho dự án cao tốc chậm nhất vào cuối tháng 2. Ngoài 4 khu tái định cư hoàn thiện cơ sở hạ tầng còn 22 khu đang được xây dựng.
Trong các huyện có đường bộ cao tốc phía Đông đi qua, Bố Trạch là địa phương có tới 12 khu tái định cư. Giống như trên công trình cao tốc, huyện Bố Trạch đang tập trung bố trí nhân lực rải đều các khu tái định cư để đôn đốc các nhà thầu thi công “3 ca 4 kíp” để người dân xây dựng nhà ở.
- Dân rất phấn khởi, vì họ nhận thức được dự án đi qua, chính bà con được hưởng lợi. Họ rất sẵn sàng bàn giao anh nờ. Vấn đề là chính quyền phải chuẩn bị cho kỹ. Với phần nơi bọn em thi công, xã Cự Nẫm cam kết ngày 30/4 tới sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng, người kỹ sư cho tôi biết.
- Hy vọng là như vậy, dẫu so với cam kết của tỉnh, chậm mất hai tháng đấy, tôi nói với anh.
*
* *
Trước khi rời Cự Nẫm, tôi có dịp quan sát hướng tuyến. Đúng là vùng đất này địa chất yếu. Nhiều đoạn tuyến phải thi công bằng phương án cầu cạn. Phần cầu cạn đã gần xong. Nghe người kỹ sư nói khối lượng cũng đã được hơn 10%, có san lấp, có cầu cạn, cầu dân sinh....
Tôi tranh thủ vào các lán công nhân, nhìn tận nơi điều kiện ăn, ở của công nhân. Anh em gần như đã tập trung đầy đủ. Nhóm đang kháo nhau về chuyện Tết, nhóm đang chuẩn bị các thứ thiết yếu để sáng mai, mồng 7 Tết đồng loạt ra quân. Trên khuôn mặt, nụ cười của anh em còn không khí Tết.
Ngoài sân tiếng cười, giọng nói của anh em lẫn trong tiếng máy xúc. Tất cả hòa quyện với âm thanh mùa xuân.
Trên đường trở lại TP. Đồng Hới, thi thoảng tôi gặp những ngôi nhà xinh xắn, khuôn viên sinh thái. Nguyễn Văn Dũng cho tôi biết, những năm gần đây khu vực này homestay phát triển mạnh. Đúng rồi, động Phong Nha không xa. Ngoài Phong Nha còn Thiên Đường, Sơn Đoòng. Quảng Bình được gọi là “Vương quốc của hang động” cơ mà.
Quảng Bình đã và đang phát triển kinh tế du lịch. Nay mai đường bộ cao tốc Bắc-Nam qua địa phương hoàn thành chắc chắn sẽ góp phần phát triển, tạo ra diện mạo mới.
Tác giả: Ghi chép của Ngô Đức Hành
Nguồn tin: Báo Quảng Bình