Kinh tế

Đừng trở thành những 'con lừa' trên mạng

Mặt trái của mua bán online trên mạng Internet là hoạt động kinh doanh càng rôm rả thì danh sách những kẻ bán lừa người mua và những người mua trở thành những “chú lừa” online càng dài thêm.

Một chiếc đồng hồ của Apple được nhái từ tên tuổi cho đến kết cấu được rao bán công khai trên mạng. Ảnh: M.Hoàng

Rộ lên là vào những ngày mua hàng online, mà mới nhất là ngày thứ Sáu đen (Black Friday) 25-11-2016, trên mạng xã hội và trên truyền thông lại nhan nhản những lời phàn nàn, tố giác, cảnh báo về những nơi bán hàng lừa bịp khách hàng. Ngoài chuyện chất lượng hàng hóa tệ không như quảng cáo, phổ biến nhất là những chiêu thức giá ảo.

Treo đầu dê, bán thịt chó

Hoạt động mua bán online hiện nay rầm rộ không chỉ trên các website được lập dưới hình thức các chợ online mà còn cả trên các mạng truyền thông xã hội. Ai cần bán gì, mua gì cứ việc lên mạng. Thứ gì cũng có. Chỉ có điều chỗ nào nhiều mật ngọt thì lắm ruồi bu, trong thời “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều" này, mua bán trực tiếp, cầm hàng trên tay lựa tới chọn lui mà nhiều khi còn bị hố huống chi mua qua mạng, chỉ thấy hàng hóa qua hình ảnh, chủ yếu dựa vào lòng tin. Vì thế, lên mạng thì dễ nhưng giữ được mạng để đừng mất mạng là chuyện… hên xui.

Thiên hạ đã nói nhiều về tình trạng treo đầu dê, bán thịt chó. Hàng hóa thực tế không ngon lành, mướt mắt như khi nhìn thấy hay đọc giới thiệu trên mạng. Cũng không trách được khi ai rao hàng cũng đều muốn thêm mắm thêm muối cho món hàng của mình hấp dẫn hơn. Vấn đề là lỗi ở gã bán mắm, ả bán muối thôi.

Có thể nói bây giờ không nơi đâu bán hàng nhái, hàng giả dễ dàng bằng trên mạng. Mạng cũng chính là nơi giúp người ta bán những món hàng nhà làm được dạng "handmade" thiệt là tuyệt nhưng cũng là chỗ để tiêu thụ những món hằm bà lằng của những nơi sản xuất "made in… tổ dân phố". Và xin lưu ý một thực tế đang ngày càng lan rộng: Các cửa hàng online đã trở thành những kênh bán hàng đắc lực cho những loại hàng hóa làm ở Trung Quốc. Bạn chỉ cần để ý một chút ắt thấy hầu hết những món hàng lạ, hàng "độc" và có giá "rẻ tới bất ngờ" đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Giá vậy mà không phải vậy…

Tình trạng chung là có không ít người bán đưa ra những giá khuyến mãi ảo. Họ ghi là món hàng A hiện được bán với giá y, được giảm x phần trăm so với giá trước đó. Tâm lý khách hàng là thấy tỉ lệ chênh lệch giá càng lớn thì càng ham. Có ai dè người bán so sánh giá mới với giá bán cũ từ hồi tám hoánh còn "cao ngất Trường Sơn". Xảy ra phổ biến nhất trong những ngày, những mùa giảm giá là trước đó người bán đã âm thầm tăng giá hàng lên để sau đó có công bố giảm giá thì vẫn lời khẳm. Chiêu này mang tính quốc tế vì hầu như ở nước nào cũng có.

Ngay cả khi mua hàng online trên những cửa hàng online chuyên nghiệp và "có tóc để nắm" như Lazada, bạn cũng có thể bị "mua hớ". Thường thì một loại hàng có nhiều nhà cung cấp với những giá khác nhau. Vì thế, khi ưng ý một món hàng nào, bạn phải chịu khó bỏ chút thời gian tham khảo thêm những nhà cung cấp khác. Trên Amazon, Lazada,… đều có liệt kê cụ thể các nơi cung cấp từng món hàng cho "người mua hàng thông minh" tham khảo mà chọn mặt gửi… tiền.

Cũng giống như mua bán thực tế, mỗi cửa hàng có giá bán khác nhau, có thể ngoại trừ với những món hàng đã có giá cố định của chính hãng. Vì thế, người mua cần phải khai thác thế mạnh của online để có thể kiểm tra, so sánh giá của từng món hàng giữa nhiều nơi bán khác nhau hầu có thể "chọn giá đúng". Bây giờ có những trang web, những dịch vụ chuyên giúp người mua hàng kiểm tra giá, giống như web so sánh (websosanh.vn), chọn giá đúng (chongiadung.com),… mấy năm nay vẫn được ban tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (onlinefriday.vn) của Bộ Công Thương tin dùng.

Vì thế, để có thể tận hưởng được sức mạnh của công nghệ thông qua các loại hình mua bán online đầy tiện lợi, người bán cần có tâm lương thiện mà người mua cần có trí tỉnh táo và thông minh. Trước khi quyết định mua món hàng nào online, bạn hãy lấy tên và model của món hàng đó để tham khảo thông tin trên Internet. Tốt nhất là vào ngay website của nhà sản xuất. Nếu không được thì cũng tham khảo trên những website bán hàng online có uy tín. Chớ nên tin như "thánh phán" vào những lời bình phẩm của "khách hàng" được liệt kê hàng lô hàng lốc bên dưới những dòng giới thiệu món hàng. Hầu hết đều là "khách ảo, lời giả" do nơi bán chơi chiêu trò mà thôi.

Cần hành lang pháp luật xử lý

Vậy về pháp luật xử lý bán hàng gian qua mạng thì sao? Thực tế ở các nước cũng tùy nước mà thôi. Nơi nào mà xã hội thượng tôn pháp luật và bộ máy thực thi công lực, bảo vệ luật pháp mạnh thì người công dân mới được bảo vệ tốt hơn và những kẻ bất lương mới phải kiêng dè mà bớt xấu đi.

Chẳng hạn Liên minh châu Âu (EU) có những luật định và quy trình bảo vệ người tiêu dùng trước các hành vi thương mại gian lận (unfair commercial practices). Cổng thông tin điện tử chính thức (europa.eu) của EU đã dành một trang trong website Your Europe cho việc chống các hành vi thương mại gian lận. EU nhấn mạnh với các công dân 28 nước của mình rằng: Khi bạn mua hàng hóa và dịch vụ ở bất cứ nơi đâu trong EU - từ một website, một cửa hàng địa phương hay một người bán hàng bên ngoài đất nước của bạn, luật pháp EU đều bảo vệ bạn chống lại các hành vi thương mại gian lận. EU quy định: Khi quảng cáo, bán hàng hay cung cấp các sản phẩm, các công ty phải cung cấp cho người mua các thông tin chính xác đủ để người mua có thể thực hiện một quyết định mua hàng đã nắm được thông tin. Nếu không cung cấp đủ các thông tin này, các hành vi của người bán hàng có thể bị coi là gian lận. Và người mua hàng nếu bị gian lận có quyền đòi bồi thường.

EU cũng hướng dẫn công dân của mình biết hai nhóm hành vi thương mai gian lận chính mà họ được luật pháp bảo vệ:

- Những hành vi làm rối trí, làm người mua hàng lạc lối (misleading practices) thông qua hành động (như cho thông tin giả) hay lờ đi (bỏ qua những thông tin quan trọng).

- Những hành vi công kích (aggressive practices) nhằm bắt ép khách hàng phải mua hàng.

EU cũng liệt kê những hành vi thương mại gian lận bị cấm tiệt trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong đó phổ biết nhất là quảng cáo nhử mồi (bait ads), đưa ra những món "miễn phí" giả, lợi dụng trẻ em, đưa ra những công dụng hay tính năng giả, quảng cáo đội lốt tin bài (advertorial), mô hình kim tự tháp (pyramid schemes - xây dựng mạng lưới quảng cáo sản phẩm theo nhiều tầng mà mỗi thành viên phải tiếp tục chiêu mộ thêm những thành viên mới để không ngừng mở rộng mạng lưới), công bố giải thưởng và quà tặng giả, đưa ra những ưu thế giả,…

Cuối cùng phải sòng phẳng mà nói rằng: Người đi mua hàng trực tiếp ở cửa hàng, ở chợ mà bị mua lầm hàng, mua hớ giá thì đáng thương, còn người mua hàng online mà bị lừa thì đáng trách. Bởi lẽ với lợi thế online trong tay và các phương thức giao nhận hàng tùy chọn, họ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tham khảo thông tin về hàng hóa và so sánh giá cả trước khi chọn mua và thanh toán.

Ai rảnh mà đi kiện?

Có người hỏi tôi rằng những vụ bị lừa bịp khi mua hàng online ở Việt Nam như vậy có kiện được không? Có thể nói rằng hầu như luật pháp Việt Nam đều có tầm phủ rất nhiều hành vi, hoạt động trong cuộc sống công dân.

Nếu người mua có chứng cứ mình bị lừa thì cứ việc báo cho các cơ quan chức năng biết, thậm chí kiện ra tòa tho các tội danh mà bộ luật hình sự chi phối.

Chỉ có điều, thực tế là việc kiện tụng khi mua hàng trực tiếp tiền trao cháo múc tại chợ, trong cửa hàng, có chủ thể rõ ràng, địa chỉ cụ thể mà còn hên lắm mới thành công thì trên không gian mạng, mọi thứ đều ảo, phần thiệt hầu như người mua lãnh trọn để về ôm mối tình sầu mà rút sợi dây kinh nghiệm.

Tất nhiên ở đâu cũng vậy, luật pháp chỉ có thể nắm đầu những kẻ có tóc. Đó là chưa tính tới chuyện nhà chức trách có mặn mòi làm những vụ "nhẹ hều" như thế này không.

Tác giả bài viết: Chuyên gia PHẠM HỒNG PHƯỚC

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP