Tòa soạn trân trọng gửi tới thí sinh lời khuyên của thầy.
Từ ngày 1 - 4/7 tới, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 sẽ chính thức diễn ra. Đối với học sinh lớp 12, đây là kỳ thi quan trọng, có tính bước ngoặt bởi kết quả của kỳ thi không chỉ là căn cứ để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn là cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Kỳ thi THPT Quốc gia chỉ được tổ chức duy nhất một lần, do đó, thời điểm kỳ thi càng đến gần thì áp lực càng gia tăng đối với mỗi thí sinh.
Nhiều học sinh đã chọn cho mình cách giải toả áp lực là lao vào học như một “cỗ máy”. Rất nhiều trong số đó đến lớp với bộ dạng mệt mỏi, phờ phạc bởi lịch học ôn, học phụ đạo kín cả tuần.
“Học ngày không đủ, tranh thủ học đêm”, một số phụ huynh còn mời cả gia sư về bồi dưỡng thêm cho con vào các buổi tối.
Thầy giáo giúp thí sinh chuẩn bị tâm thế vững vàng để có kết quả thi tốt nhất (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Không còn thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi khiến một số học sinh đã rơi vào tình trạng căng thẳng, thậm chí suy nhược cả về cơ thể và tâm lý, tất yếu sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình làm bài.
Mặt khác, phương pháp học tập của một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay đang còn bất cập.
Đó là tình trạng học không tập trung, lơ là, chủ quan trong suốt gần 3 năm học THPT. Đến thời điểm cuối của năm học lớp 12, nghĩa là bước vào giai đoạn “nước rút’ thì mới “vắt chân lên cổ chạy”.
Nhiều học sinh lúc này mới bắt đầu nhồi nhét kiến thức với các kiểu học tủ, học vẹt, trông chờ nhiều vào may mắn.
Rõ ràng, phương pháp học tập như trên sẽ không thể mang lại hiệu quả thiết thực và sự tự tin cần thiết khi bước vào kỳ thi.
Một mảng tối khác trái ngược với tình trạng học nhồi nhét, căng thẳng, quá tải là tình trạng học sinh có tâm lý muốn được xả hơi, thư giãn thoải mái, vui chơi “thả phanh” sau khi kết thúc năm học.
Điều này thường xảy ra với những học sinh có học lực yếu, kém. Với năng lực học tập còn hạn chế, lẽ ra “còn nước, còn tát”, nhưng thay vì ôn tập, phụ đạo, gia cố lại lượng kiến thức bị hổng, một số học sinh lại vùi đầu vào game, chat hay vô tư với những chuyến picnic, dã ngoại với tâm lý buông xuôi, an bài và phó mặc cho… số phận.
Cùng với đó, tình trạng học sinh lớp 12 tổ chức các cuộc liên hoan chia tay cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Nhất là trong những năm gần đây, khi mà điều kiện kinh tế đã ít nhiều được cải thiện, những cuộc liên hoan được tổ chức linh đình, “hoành tráng” của học sinh lớp 12 đang có xu hướng “nở rộ” thành “phong trào”.
Những cuộc liên hoan “nặng” được kéo dài kéo dài 2-3 ngày không chỉ gây tốn kém, lãng phí không cần thiết mà còn có thể kéo theo những phiền toái không đáng có, thậm chí là những hậu quả đáng tiếc, đau lòng.
Đặc biệt là khi tình trạng học sinh sử dụng rượu, bia trong các cuộc liên hoan chia tay đã không còn là hiện tượng cá biệt.
Hầu như không có năm nào là không xảy ra những vụ va quệt, tai nạn giao thông, ẩu đả, xô xát lẫn nhau sau những cuộc liên hoan của học sinh lớp 12 với sự “tiếp tay” của “ma men”.
Những vụ việc đáng tiếc ấy không chỉ làm mất đi ý nghĩa đích thực của cuộc liên hoan chia tay mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc tham dự kỳ thi THPT Quốc gia, nhất là trong khi thời gian chính thức bước vào kỳ thi chỉ còn được tính bằng ngày.
Trong kỳ thi, đề thi luôn là nhân tố quan trọng, thu hút được sự quan tâm của thí sinh.
Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi năm nay vẫn bám sát những kiến thức cơ bản đã học trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, trong đó sẽ xuất hiện những câu hỏi phân hóa trình độ học sinh.
Bên cạnh việc lưu tâm đến phạm vi kiến thức trong nội dung đề thi, cách tiếp cận và xử lý các vấn đề về “kỹ thuật” trong quá trình làm bài thi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả làm bài của thí sinh, nhất là với những môn thi theo hình thức trắc nghiệm.
Trong bài thi trắc nghiệm, để có thể giành điểm cao, thí sinh nên cố gắng làm hết các câu hỏi. Tuy nhiên, không nên để mất quá nhiều thời gian cho những câu quá khó đối với mình.
Có thể tạm bỏ qua các câu khó để làm những câu khác dễ hơn rồi sẽ quay lại làm sau. Cũng cần tránh những sai sót như: tô sai mã đề, số báo danh khi làm bài thi.
Ngoài ra, để tránh phạm quy và mất điểm không đáng có, thí sinh cần tuân thủ những hướng dẫn trong quy chế thi tốt nghiệp THPT: không được viết 2 màu mực trên bài thi, không được dùng mực đỏ, không được làm bài bằng bút chì (ngoại trừ khi vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu làm bài thi trắc nghiệm; phần viết hỏng phải dùng bút gạch chéo, không được dùng bút xoá.
Trong một vài năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT đã có quy định thí sinh được phép mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin đồng thời không nhận được âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Quy định này của Bộ GD&ĐT nhằm góp phần làm minh bạch hóa kỳ thi, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác tổ chức thi, tạo hành lang pháp lý cho những người chống tiêu cực.
Một mặt thí sinh cần nắm vững quy định về những đồ dùng thiết bị được phép mang vào phòng thi, tránh bị xử lý kỷ luật.
Mặt khác không nên có tâm lí ức chế hay căng thẳng trong quá trình làm bài, tránh bị phân tâm, ảnh hưởng tới kết quả của bài thi.
Tóm lại, tất cả những gì mà thí sinh phải làm trong thời điểm này là rà soát, hệ thống lại các kiến thức đã học.
Qua các “kênh” thông tin khác nhau, nắm vững những điểm cơ bản, cần thiết trong quy chế thi, nhất là những điểm liên quan tới nội quy đối với thí sinh trong phòng thi.
Bên cạnh việc ôn tập, củng cố kiến thức, mỗi thí sinh cũng cần dành cho mình những khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhất định nhằm ổn định tâm lý, đảm bảo sức khỏe, tạo ra "điểm rơi” tốt nhất về mặt tâm thế. Điều này càng quan trọng, khi kỳ thi đã cận kề trước mắt.
Tác giả bài viết: Bùi Minh Tuấn