Giáo dục

“Đừng để nhà giáo phải chảy nước mắt vì đồng tiền!”

Đọc bài viết “Cay đắng dạy thêm” đăng trên Dân trí, tôi thật sự tâm đắc khi tác giả hạ câu chốt “Đừng để nhà giáo phải chảy nước mắt vì tiền!”.

Cay đắng dạy thêm

Bài viết quả thật đã chạm đến nỗi trăn trở của bao người đang làm nhiệm vụ trồng người cũng như khơi lên nỗi bức xúc của các phụ huynh luôn ca thán về tiêu cực dạy thêm học thêm. “Chín người mười ý”, cuộc sống luôn là vậy. Riêng bản thân tôi lại rất đồng tình với nỗi lòng tác giả qua từng câu chữ. Giáo viên dạy thêm, thật lắm nỗi đắng cay…

Vị cay đắng bó buộc cuộc sống giáo viên chính là mức lương ít ỏi. Tuy nhiên, cứ hễ giáo viên kêu ca về lương thì ngay lập tức bị qui kết là “không có đạo đức nhà giáo”. Xin hãy cho giáo viên một tiếng nói công bằng. Đạo đức nhà giáo là lòng yêu nghề, là cái tâm với học trò, là nhân cách sống liêm khiết. Một tiếng than về đồng tiền có quá lắm không để nhận lấy sự chỉ trích vô tâm và vụ lợi? Ai ở trong ngành mới thật sự hiểu hết cái khó, nỗi vất vả của người gieo chữ nơi bục giảng.

Đừng vội nhìn vào số tiết thực dạy với một số buổi cố định! Đừng vội chăm chăm vào hai tháng hè rảnh rỗi mà nhận nguyên lương! Đặc thù công việc của giáo viên là dạy học và giáo dục với những nhiệm vụ không tính giờ, không tính tiết với vô vàng việc không tên. Đổi lại là một mức lương chỉ vừa đủ sống. Một giáo viên vừa bước lên bục giảng dưới ba triệu, một giáo viên ngót nghét chục năm tuổi nghề tầm hơn bốn triệu, chưa kể giáo viên hợp đồng “thoi thóp” với khoảng hơn 20 ngàn trên một tiết dạy. Đói, chưa bao giờ đói. Nhưng dư thừa để tích cóp, chưa bao giờ có.

Có bao nhiêu nhà giáo đã bỏ nghề vì đồng lương ít ỏi? Kha khá. Thế hệ của chúng tôi và sau chúng tôi một vài năm của thế kỉ trước đã không bám trụ được với nghề buộc phải “rẽ ngang”. Thỉnh thoảng gặp nhau vẫn nhắc về giấc mơ bục giảng phẩn trắng và thầm ao ước “giá như…”. Có bao nhiêu học sinh khá giỏi “né” cổng trường sư phạm vì “chê” lương bèo bọt? Khá nhiều. Câu nói cửa miệng vẫn truyền tai nhau “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã ngăn biết bao bước chân của người tài - người thầy giỏi tương lai. Có bao nhiêu giáo viên hiện đang “đèo bồng” nghề tay trái? Quá nhiều. Đủ mọi công việc được tận dụng để tăng thêm thu nhập: May mặc, buôn bán, viết lách, làm nông… và kể cả dạy thêm.

Ai cũng muốn được thảnh thơi sau một ngày vất vả việc trường lớp. Ai cũng muốn được thư thả đồng tiền để mua sắm, vui chơi, tận hưởng cuộc sống. Nhưng mức lương không cho phép buộc phải “cày” thêm các công việc khác. Mưu cầu hạnh phúc là quyền lợi chính đáng của mỗi người. Dùng sức lao động chân chính để tăng thêm thu nhập là nhu cầu chính đáng. Tất nhiên, tôi đã loại trừ hoàn toàn “sâu mọt” dùng mọi chiêu trò để “ép” học sinh đi học thêm.

Câu nói “Tôi sống chủ yếu nhờ dạy thêm” đã phản ánh đúng thực tế sự chênh lệch thu nhập giữa người có và không dạy thêm. Có thể là vài triệu, cũng có thể là vài chục triệu mỗi tháng. Nhưng đồng tiền ấy đâu dễ dàng có được mà phải đánh đổi bằng việc tận dụng quĩ thời gian rảnh rỗi và tổn hao sức lực từ công việc “bán cháo phổi” như cách nói hài hước của người trong nghề. Những người thầy có chuyên môn giỏi, có sức thu hút được học sinh tìm đến học và phụ huynh yên tâm gửi gắm vô hình chung bị “vơ đũa cả nắm”, bị gán ghép cho bao nhiêu từ ngữ chỉ trích, phê phán thì thật không công bằng.

Ngành nghề nào cũng có mặt trái, có những “góc khuất” xấu xí, có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Có như thế thì mới tồn tại hai thế cực giữa trắng - đen, tốt - xấu, lương thiện - độc ác… Tuy nhiên, cái tiêu cực trong dạy thêm chỉ là một phần nhỏ, là thiểu số chẳng thể nào làm lu mờ đi bức trang đa sắc của giáo dục với những người thầy vẫn ngày ngày dạy học sinh bằng nhiệt tâm, bằng chính khát khao mở mang kiến thức cho trò.

Một khi người học có nhu cầu và động lực học thêm chính đáng cộng hưởng với tài năng và tâm huyết của người thầy giỏi, há chẳng phải sẽ là bệ phóng thành công vững chắc cho tương lai ư?

Tác giả bài viết: Thùy Mai

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP