Thế giới

Dùng Đài Loan mặc cả với Trung Quốc, Trump có thể bị phản đòn

Ý định của ông Trump dùng Đài Loan để gây sức ép lên Trung Quốc có thể phản tác dụng bởi Bắc Kinh hiện nắm giữ vô số công cụ phản đòn, chuyên gia nhận định.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong buổi ghi hình cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News hôm 10/12. Ảnh: AP

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã thể hiện rõ ràng rằng ông coi chính sách "Một Trung Quốc", nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh, là vấn đề cần cân nhắc, theo New York Times.

Thực hiện chính sách trên, Mỹ từ năm 1979 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan bởi Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Tuy nhiên, hồi đầu tháng, ông Trump khiến cả thế giới bất ngờ khi điện đàm cùng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, hành động được cho là phá vỡ chính sách ngoại giao Mỹ duy trì suốt hàng thập kỷ qua.

Hôm 11/12, ông tiếp tục ngụ ý có thể dùng Đài Loan như một quân bài mặc cả với Trung Quốc trong các vấn đề gây tranh cãi như tiền tệ, thương mại, Triều Tiên hay căng thẳng ở Biển Đông.

"Tôi không hiểu tại sao chúng ta phải bị ràng buộc bởi chính sách 'Một Trung Quốc' nếu ta không thể thỏa thuận được với Trung Quốc trước một số vấn đề, bao gồm cả thương mại", tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News.

Lợi dụng Đài Loan theo cách này, ông Trump đang đánh vào lĩnh vực nhạy cảm nhất mà Trung Quốc coi là "lợi ích cốt lõi". Nếu Washington chính thức công nhận Đài Loan, chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Bên cạnh đó, ông Trump cũng đứng trước nguy cơ bị phản đòn nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp đáp trả.

Tờ Global Times, ấn phẩm của People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ trích ông Trump "giống như một đứa trẻ khi thể hiện sự thiếu hiểu biết về chính sách ngoại giao". "Chính sách Một Trung Quốc không thể đem ra mua bán. Dường như ông Trump chỉ biết về kinh doanh và tin rằng mọi thứ đều có giá".

Điều chỉnh thương mại và đầu tư

Các nhà phân tích Trung Quốc nhận định Bắc Kinh, nếu muốn, có vô số công cụ kinh tế để trả đũa ông Trump. Một trong những mục tiêu nổi bật là hãng sản xuất máy bay Boeing.

Năm 2016, Boeing được dự đoán sẽ hoàn thành việc chuyển giao lô máy bay trị giá 11 tỷ USD cho Trung Quốc nhằm phục vụ cho công cuộc mở rộng năng lực vận tải của các hãng hàng không nước này. Global Times cảnh báo Trung Quốc có thể dễ dàng chuyển những đợt đặt hàng tương lai sang cho Airbus, đối thủ cạnh tranh với Boeing.

"Về lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc sở hữu rất nhiều đòn bẩy", Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán, Trung Quốc, nhận xét. "Nếu cảm thấy ông ấy vẫn muốn đẩy vấn đề Đài Loan đi xa hơn, chúng ta sẽ hành động... Nếu Trump khăng khăng giữ lập trường như vậy về Đài Loan, chúng sẽ chỉ phản tác dụng mà thôi".

Các quan chức thương mại Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ áp dụng chiêu bài phân biệt đối xử những công ty công nghệ Mỹ bằng cách sử dụng luật chống độc quyền. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã phạt Qualcomm, nhà sản xuất chip điện tử, trụ sở ở San Diego, Mỹ, 975 triệu USD, với cáo buộc độc quyền. Đây là mức phạt cao nhất trong làn sóng chống độc quyền nhắm vào các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.

Trung Quốc còn có thể làm yếu đồng tiền để khiến các sản phẩm của họ trên thị trường quốc tế rẻ hơn, hành động mà ông Trump từng lên tiếng chỉ trích trong quá trình vận động tranh cử. Song, đi đôi với đó là việc sẽ có nhiều người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài hơn. Mặt khác, tình trạng lạm phát cũng là vấn đề cần tính đến, đặc biệt đối với một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu như Trung Quốc, bởi đồng nội tệ yếu đồng nghĩa họ phải chi một số tiền lớn hơn cho các mặt hàng nhập khẩu.

Cuối cùng, Trung Quốc có thể yêu cầu các công ty nhà nước và tập đoàn tư nhân hạn chế đầu tư vào Mỹ. Một báo cáo mới đây do tổ chức nghiên cứu chính sách kinh tế Rhodium Group thực hiện cho thấy từ năm 2015, lượng đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ áp đảo hoàn toàn so với lượng đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Trung Quốc.

Ngả về Triều Tiên

Trump hôm 11/12 nói Trung Quốc "không giúp gì" Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Thực tế, Trung Quốc đã thể hiện thái độ hợp tác trước một số sáng kiến từ Mỹ nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân Triều Tiên. Bắc Kinh tháng trước ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với ngành than Triều Tiên, một trong những nguồn cung ngoại tệ lớn nhất cho Bình Nhưỡng.

Để đáp trả ông Trump, Trung Quốc có thể điều chỉnh vị thế từ một đồng minh bất đắc dĩ thành một hàng xóm thân thiết với Triều Tiên. Bắc Kinh hiện vô cùng tức giận với việc Washington quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Trung Quốc cho rằng động thái trên chủ yếu nhằm kiềm chế năng lực quân sự của nước này.

Tăng cường thương mại, viện trợ và đầu tư để cải thiện nền kinh tế Triều Tiên cũng là một lựa chọn trong tầm với của Trung Quốc, John Delury, chuyên gia phân tích người Mỹ ở Seoul, Hàn Quốc, nhận định. Với tư cách một đồng minh lâu năm, Trung Quốc cũng có thể tiến hành các cuộc tập trận chung với Triều Tiên.

Gây sức ép lên Đài Loan

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: AFP


Điều khiến Trung Quốc lo sợ nhất là hành động của ông Trump có thể khuyến khích Đài Loan tuyên bố độc lập hay khiến các quốc gia khác theo chân Mỹ công nhận Đài Loan.

Nếu ông Trump ủng hộ Đài Loan, phản ứng đầu tiên từ Trung Quốc sẽ là trừng phạt Đài Loan hơn là Mỹ nhằm giảm bớt giá trị của hòn đảo này đối với Washington, cây bút Jane Perlez từ NYTimes đánh giá.

Trung Quốc có thể khởi động bằng việc đẩy mạnh nỗ lực thuyết phục các bên vẫn duy trì quan hệ chính trị với Đài Loan cắt đứt và ngả về phía Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh sẽ chuyển mục tiêu tấn công sang lĩnh vực kinh tế, hạn chế đầu tư từ Trung Quốc vào Đài Loan, đồng thời giới hạn số lượng tour du lịch tới Đài Loan.

Tăng hợp tác với Iran

Trung Quốc là một trong những bên tham gia ký kết hiệp định hạt nhân đạt được với Iran hồi năm ngoái, theo đó sẽ loại bỏ các biện pháp trừng phạt lên Iran, đổi lại nước này phải từ bỏ 98% lượng nguyên liệu hạt nhân đang nắm giữ. Trung Quốc giờ đây có thể tiếp cận không giới hạn đối với nền kinh tế Iran. Thông qua Iran, Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông với mục tiêu làm suy yếu uy tín của Mỹ trong khu vực.

Nếu thỏa thuận trên bị hủy và phải đàm phán lại như lời ông Trump từng tuyên bố, Trung Quốc có thể vẫn sẽ tiếp tục duy trì giao dịch với Iran và dần cô lập Mỹ, Edward C. Chow, nhà nghiên cứu cấp cao về năng lượng và an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, nhận xét.

Khoảng một phần ba lượng dầu xuất khẩu của Iran có điểm đến là Trung Quốc và Bắc Kinh hiện nắm giữ vị trí nhà nhập khẩu hàng hóa hàng đầu từ Tehran. Nói cách khác, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất đối với Iran và vị thế này sẽ không thay đổi kể cả trong trường hợp ông Trump cân nhắc lại thỏa thuận hạt nhân.

"Nếu ông Trump vẫn cương quyết về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi giao dịch và đầu tư với Iran", Chow bình luận.

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP