Giáo dục

"Đừng ai học ngoại ngữ kiểu... tham lam, như tôi"

Nhà nghiên cứu An Chi, người được biết đến với chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây, được biết là có thể viết lách tranh luận quyết liệt được với các cây đa cây đề trong lĩnh vực từ nguyên với vốn từ ngữ ở nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Đã từng "xin thẳng thắn nhận rằng, cái “vốn” ngoại ngữ của mình chỉ có thể nằm gọn trong lá tre, lá mít", An Chi cho biết ông không muốn nói mình có nghiên cứu nhiều ngoại ngữ, mà chỉ là “nhờ có vốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và chữ Hán… nên tôi có thể đọc nhiều loại sách khác nhau, sau này mới có điều kiện và vốn liếng từ ngữ để viết lách tranh luận với các cây đa cây đề trong lĩnh vực này…”.

Sở dĩ có thể tranh luận quyết liệt được với các cây đa cây đề trong lĩnh vực từ nguyên với vốn từ ngữ ở nhiều ngôn ngữ khác nhau, bởi ông luôn luôn chủ trương "phải tra cứu đến đầu đến đũa để điểm được đúng đích".

Mà "khi tự mình thấy là đã đạt được đến đúng điểm đích rồi thì An Chi không “ngại lời” trước bất cứ tên tuổi lớn nào".

20161230103626 an chi 11
Ảnh Phạm Thành Long/ Documentary Photography

“Công cuộc” học ngoại ngữ, qua lời kể của An Chi, xem ra khá… nhẹ nhàng. Ông cho biết “Ngoại ngữ đầu tiên mà tôi cho rằng mình có thể viết rõ ràng, tạm đủ để đọc sách đó là tiếng Pháp. Còn tiếng Anh, hồi tôi đi học đó là ngoại ngữ thứ nhất bắt buộc, nên phải học.

Ngoại ngữ thứ hai, vì tôi học trường Pháp, nên họ có đưa tiếng Việt, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha làm ngoại ngữ thứ hai cho học sinh học. Hồi đó tôi chọn học tiếng Tây Ban Nha. Nhưng chưa hết cấp học đó tôi đã ra Bắc, nên tiếng Tây Ban Nha của tôi vốn liếng chưa được bao nhiêu”.

Trong lĩnh vực từ nguyên, tiếng Hán được dùng rất nhiều và học giả An Chi được xem như là một “chuyên gia”. Với tiếng Hán, ông An Chi cho biết trước đây ông không được học nhưng do gia đình có buôn bán ở Chợ Lớn, ông cũng hay ra chợ nên làm quen với chữ Hán từ đó.

“Những chữ Hán đầu tiên tôi học được là qua các bảng hiệu. Có những chữ đơn giản, ví dụ như "Hiệu thuốc Đại Quang", thì chữ “đại” có 3 nét thôi, dễ học dễ nhớ lắm. Rồi chữ “quang” có 6 nét, cũng dễ nhớ…



Những chữ Hán ở các biển hiệu của Chợ Lớn đập vào mắt, in đậm trong trí nhớ của tôi. Sau này khi ra Bắc tôi học tiếng Trung thêm 1 năm, nhưng cũng là học theo kiểu bắt đầu thôi. Thành ra sự thật thì tôi không được đào tạo gì về tiếng Hán cả, chỉ có tự học" - ông an Chi nói về ngoại ngữ thứ 4 mà ông biết.

Kể về thời kỳ làm phụ ở trường bồi dưỡng cán bộ giáo viên ở Thái Bình, ông An Chi cho biết mình được phân công cho làm ở nhà ăn. "Tôi chỉ lo làm kế toán, lên bảng cho học viên biết chi tiêu của tháng là bao nhiêu, cuối tháng tổng kết lại. Từng quý một đi duyệt gạo, than, công việc hàng ngày không có nhiều, nên có thời gian nghiên cứu từ nguyên…

Trong quãng thời gian đó, có lần tôi về Hà Nội, vào chợ Đồng Xuân rồi lại đi qua chợ Bắc Qua. Không biết sao ở trong chợ Bắc Qua lại có một người bán sách cũ. Người này lại chỉ có một quyển, là quyển trung của bộ “Từ hải” (là bộ từ điển Hán ngữ nổi tiếng, ra đời năm 1936).

Thường thì người ta in “Từ hải” thành một quyền dày hoặc in thành 2 quyển, là quyển thượng và quyển hạ. Nhưng quyển mà người bán sách cũ này có thì lại nằm trong một bộ 3 quyển: thượng, trung, hạ.

Tuy chỉ có quyển trung, nhưng cũng có thể dựa vào đó để nghiên cứu từ nguyên được. Thành ra từ đó tôi đi sâu vào từ nguyên. Thật là cơ duyên".

"Cơ duyên" khi gặp cuốn "Từ hải" quyển trung ông An Chi muốn nói đến còn ở chỗ nhờ cuốn sách này mà ông lại có được một bộ sách quý khác...

"Về Hà Nội, tôi gặp bác Sáu Lời, là một vị lương y ở Viện đông y ở Hà Nội. Bác Sáu có thừa một bộ “Khang Hy từ điển” (bộ từ điển Hán ngữ nổi tiếng ra đời năm 1716), mà lại chưa có Từ Hải. Tuy tôi chỉ có quyển trung nhưng bác Sáu thương tình, ông lấy quyển đó, rồi giao cho tôi bộ thừa của Khang Hy từ điển.

Có bộ sách quý, ỷ vào trí nhớ của mình, tôi đọc lướt rất nhanh tất cả mọi thứ trong mấy tập Khang Hy từ điển…”.

"Đừng ai học ngoại ngữ kiểu... tham lam, như tôi"

Cách phát âm tiếng Quảng Đông, Quảng Tây y như người bản xứ của nhà nghiên cứu An Chi cũng làm nhiều người thán phục.

Ông An Chi cho biết về âm của tiếng Triều Châu (Quảng Đông), ông phải tra cứu ở sách vở, đặc biệt là ở một số quyển từ điển về tiếng Triều Châu, Quảng Đông.

20161230102858 an chi 3
Nhà nghiên cứu An Chi

“Riêng với tiếng Quảng Đông thì tôi có môi trường học thuận lợi. Hồi tôi 9, 10 tuổi, gia đình đã cho về Chợ Lớn ở. Thời điểm đó, người Anh đã tạo điều kiện cho người Pháp trở lại miền Nam. Pháp tấn công qua Cầu Bông, Hiệp Hòa…, coi như vùng Gia Định hồi đó không được yên tĩnh nên gia đình tôi tản cư về Chợ Lớn.

Ở trung tâm khu vực Chợ Lớn không có trường của người Việt. Chỗ có trường lại xa quá so với khu trung tâm, ở nhà thì thất học, nên gia đình cho tôi học trường của người Hoa. Trường đó nay là trường Trần Hữu Trang trên đường Trần Hưng Đạo.

Trong số bạn cùng trường tôi khi đó đó có những bạn người Quảng Đông. Tôi hay sang nhà một người bạn chơi, lên lầu để coi báo vì nhà họ thường mua nhiều báo làm bao bì gói hàng. Trong số báo đó có những tờ tiếng Hoa, tôi mày mò đọc, rồi mày mò nói chuyện với những cậu bạn trong trường, nên đâm ra phát âm được chính xác…

Khi tôi ở ngoài Bắc trở về Nam vào tháng 8/1975, mẹ tôi còn buôn bán ở Chợ Lớn, tôi công tác ở Sở Giáo dục Thành phố, tối nào tôi cũng về Chợ Lớn.

Hồi đó gia đình tôi để cho một cô người Hoa bán thuốc lá ở trước cửa nhà. Cô đó người Quảng Đông, chừng 30 tuổi trở lại. Thỉnh thoảng, tôi nói chuyện với cô bằng tiếng Quảng Đông, cô khen tôi là “Anh nói rất là đúng”… - ông An Chi giải thích lý do tại sao có thể phát âm tốt tiếng Quảng Đông.

“Hay như tiếng sanskrit thì tôi tìm được một quyển từ điển mỏng. Tôi đọc trong đó, nghiền ngẫm sao cho ngấm vào hiểu biết của mình. Dĩ nhiên làm sao mà hiểu hết được, nhưng mình cũng đọc như thế để có khái niệm khái quát về nó. Chừng nào mà “cãi” với người ta, khi đó cũng có thuận lợi” – ông An Chi chia sẻ thêm về cách học ngôn ngữ này.

Theo học giả An Chi, học ngoại ngữ càng sớm thì cách phát âm càng giống người bản ngữ. Còn tới 19, 20 tuổi, thậm chí tới 30, 40 tuổi mà học thì uốn nắn giọng nói, ngữ điệu sẽ khó.

“Nhưng sự thực với ngoại ngữ tôi làm theo… “võ rừng” thôi chứ không có phương pháp gì hết. Tôi cứ tra cứu rồi viết, tra cứu rồi viết… Tinh thần của tôi là muốn “cãi” với người ta mình phải biết sơ sơ, chứ tay ngang hoàn toàn không biết gì làm sao mà tranh luận được.

Về cách học theo từ điển, trong đó thường chia từng đoạn, có phần sách dẫn. Khi nào cần thì tìm, đọc phần nào ở trang mấy. Hãy đọc thật kỹ phần đó. Nếu hỏi kinh nghiệm của tôi thì đó là kinh nghiệm”.

Ông An Chi thú thực “Hồi học trung học, tôi không nghĩ sau này mình sẽ nghiên cứu ngôn ngữ. Các môn ngoại ngữ họ dạy thì tôi học thôi. Hồi đó, họ dạy theo bộ sách trong trường, mình cũng theo nội dung đó mà học.

Chỉ có một điều hồi đó trí nhớ của tôi rất tốt. Hồi nhỏ tôi nhớ dữ lắm.Vậy nên hồi đó tôi lướt qua hết rất là lẹ. Hồi học trường Pháp, những năm đầu tiên học tiếng Pháp, bà giáo người Pháp còn khen là “Cậu có một trí nhớ tuyệt diệu”.

Nhưng bây giờ tôi quên nhiều lắm. Hồi trước đọc mười thì bây giờ tôi quên tới bảy, tám, thậm chí là tám, chín rồi”.

Theo ông An Chi thì “Tôi thấy rằng cần phải luyện trí nhớ mới được. Chứ như hồi trước tôi đọc Khang Hy từ điển từ đầu đến cuối, kể cả khảo dị, bổ sung… một cách nhanh chóng. Nhưng đó là cách đọc tham lam quá, chạy đua với trí nhớ của mình. Hậu quả là giờ đây tôi đã quên nhiều lắm”.

“Nếu có khuyên các bạn trẻ, thì tôi khuyên rằng… không nên học ngoại ngữ kiểu vội vã và tham lam như tôi” – ông An Chi nói vui.

Nhà nghiên cứu An Chi sinh năm 1935 tại Sài Gòn, còn có bút danh quen thuộc khác là Huệ Thiên, tên khai sinh là Võ Thiện Hoa.

Ông là học sinh kháng chiến thời chống Pháp. Tháng 5/1955, ông vượt tuyến ra Bắc đi thanh niên xung phong, học Trường Sư phạm trung cấp Trung ương ở Hà Nội, dạy cấp 2 ở Thái Bình, phụ trách thư viện Trường Học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo…

Tháng 8/1975, ông trở về miền Nam tiếp tục công tác trong ngành giáo dục, rồi về hưu, đọc sách, nghiên cứu.

Từ năm 1990, An Chi bắt đầu cộng tác với báo chí, phụ trách các chuyên mục thường xuyên “Chuyện Đông chuyện Tây” trên Kiến thức ngày nay, “Từ chữ đến nghĩa” trên Đương thời,… và An ninh Thế Giới, Người đô thị, ĐHQG TP.HCM...

Các chuyên mục và sách của ông hấp dẫn người đọc bởi những giải đáp gọn ghẽ, tường tận, uyên thâm và hóm hỉnh về ngôn ngữ, văn hóa, điển tích cũng như các thắc mắc hóc búa về từ nguyên, ngữ nghĩa…

Tác giả bài viết: Ngân Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP