Tham quan hệ thống sàn giao dịch, mua bán nông sản trên mạng (Ảnh: KT) |
Ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, thương mại điện tử sẽ là hướng đi mới giúp nông nghiệp Lào Cai có thể cạnh tranh phát triển trên thị trường và mở rộng thị phần trong tương lai.
Theo thống kê, người dân Lào Cai tham gia lĩnh vực nông nghiệp là khoảng 80%, tuy nhiên chỉ tạo ra 14% GDP cho địa phương. Điều này phác họa rõ sự chênh lệch rất lớn giữa cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương này.
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, PGĐ Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 321 trang trại chăn nuôi. Trong đó chủ yếu là trang trại nuôi lợn và gia cầm thương phẩm. Có 5 cơ sở chăn nuôi lợn và gia cầm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi tập trung tại các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà. Các cơ sở này hiện đang chủ động tiếp cận và áp dụng quy trình VietGAP để sản xuất ra các sản phẩm thịt an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng đem lại giá trị kinh tế cao.
Các cơ sở trong chuỗi được kiểm tra định kỳ sản phẩm. Những sản phẩm này bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, giá nhỉnh hơn so với mặt bằng chung. Do đó, việc quản lý ATTP trong toàn bộ chuỗi là nguyên tắc hàng đầu được thực hiện trong toàn bộ chuỗi từ SX an toàn đến kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp đảm bảo an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của Lào Cai một cách hiệu quả.
Năm 2017, tỉnh Lào Cai đã triển khai và đưa vào sử dụng Hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản bằng điện thoại thông minh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 142 dòng sản phẩm nông sản an toàn thuộc 26 doanh nghiệp, HTX được gắn tem truy xuất nguồn gốc có mã QRcode.
Đặc sản mật ong của cựu binh Phạm Thanh Xuân (Bảo Yên, Lào Cai) (Ảnh: KT) |
Từ hệ thống này, các cơ quan quản lý đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản hồi của người dùng về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhiều hợp đồng đã được ký kết thông qua việc tiếp nhận thông tin từ hệ thống.
Đại diện Cty Đặc sản Tây Bắc (Tabavina), trụ sở tại thành phố Lào Cai cho biết, từ trước đến nay, ngoài biện pháp quảng cáo truyền thống, thì mới chỉ sử dụng cách quảng bá sản phẩm và thương hiệu qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo. Tuy nhiên, việc này cho hiệu quả chưa cao và không bền vững. Được sự hỗ trợ của Sở Công thương Lào Cai, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), đến nay Cty đã xây dựng được một website hiện đại. Cán bộ Cty được tập huấn nâng cao nhận thức và thương mại điện tử và kỹ năng khai thác hiệu quả website phục vụ công việc kinh doanh quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Vị này cho rằng, đây là công cụ quan trọng để quảng bá rộng rãi, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng trong cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đây cũng là biện pháp phòng vệ quan trọng trong việc đấu tranh với hiện tượng làm giả, làm nhái sản phẩm, giữ vững người niềm tin của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế, để phát triển thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cần tăng cường kết nối cung cầu. Nghĩa là cơ sở sản xuất, sàn thương mại điện tử cần có sự kết nối chặt chẽ và thống nhất với các cơ sở sản xuất. Để làm được điều đó, bản thân các cơ sở sản xuất cần làm tốt việc bảo hộ nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc điện tử.
Mô hình nuôi vịt Sín Chéng ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: KT) |
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đặng Xuân Thanh cho biết, từ năm 2015 đến nay, Lào Cai đã hỗ trợ 8 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn xây dựng bộ giải pháp thương mại điện tử...
Tác giả: KẾ TOẠI - PHAN CẢNH
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam