Giáo dục

Đưa môn Giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp sẽ giảm bạo lực học đường?

Liên quan đến trả lời của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng đưa môn Giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp sẽ giảm bảo lực học đường, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 16.11, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, giảm bạo lực học đường cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa)

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: Cần có phương pháp giáo dục tại gia đình, nhà trường và giảm bớt tác động tiêu cực xã hội như game, phim bạo lực.... đồng bộ nhiều giải pháp chứ đưa môn Giáo dục công dân vào môn thi tốt nghiệp để giảm áp lực bạo lực học đường thì không phải.

Trong bao nhiêu năm phát triển giáo dục, môn Giáo dục công dân không phải là môn học chính. Quan điểm cá nhân của tôi là phải giáo dục các cháu từ gia đình, nhà trường, đạo đức xã hội con người chứ không phải chỉ từ môn học này. Hình thành nhân cách đi cùng với hình thành phát triển kiến thức. Điều này cần suy nghĩ nên hay không nên đưa vào môn này vào để thi tốt nghiệp.

Ông Lợi cũng cho rằng, tình trạng bạo lực học đường là vấn đề bức xúc, nhức nhối. Trước đây, bạo lực trong nhà trường thường rơi vào nam sinh nhưng nay lại xuất hiện ở nữ giới, không phải một hai người mà đánh nhau tập thể, theo nhóm. “Đây là biểu hiện xuống cấp, thiếu đạo đức, kém văn hoá của học sinh. Tất nhiên, môn Giáo dục công dân là môn học tốt nhưng không phải là môn học quyết định, phải là giáo dục nhân cách con người đi từ mẫu giáo tới các cấp học, được chuyển biến thông qua rèn luyện của thầy, cô giáo cùng sự quan tâm theo dõi chăm sóc của gia đình” – ông Lợi nói.

Ông Lợi cho biết: Thực ra, nhiều khi chúng ta sợ giáo dục giới tính nhạy cảm, nhưng điều đó lại rất quan trọng, càng cấp cao thì phải càng phải cung cấp kiến thức tăng dần. Phổ cập phải làm sao theo hướng ở độ tuổi nào, giáo dục ở mức độ đó, càng cao thì phải tiệm cận tới vấn đề tâm lý chứ không rất nguy hiểm.

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Trưởng Ban dân nguyện, cho biết: Tôi ủng hộ việc học gì thi nấy, ở nước ngoài họ cũng vậy. Từ trước đến nay, môn Giáo dục công dân (GDCD) trong các cơ sở giáo dục còn mang tính hình thức, chưa được như mong muốn. "Nếu đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp với mục đích như Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói là để tăng cường bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho học sinh, thì công tác giảng dạy môn này ở phổ thông phải thực sự hiệu quả không mang tính hình thức như trước đây. Khi nó thực sự hiệu quả, xã hội sẽ được hưởng lợi nhiều nhất” – bà Hải nói.

Theo bà Hải, việc đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp là một cách làm tốt để nâng cao hình thành nhân cách, đạo đức lối sống của cả thế hệ trẻ hiện nay. Tất nhiên, việc thực hiện phải có lộ trình. Các cơ quan quản lý giáo dục phải chuẩn bị làm sao để việc thực hiện cho hiệu quả. Muốn vậy phải thay đổi chương trình, sách giáo khoa, giáo viên, phương tiện để thực hành…

Bà Hải cũng nhấn mạnh, từ trước đến giờ, việc dạy GDCD chưa được chú trọng, còn hình thức. Việc học mà không thi ít nhiều ảnh hưởng đến thái độ học tập của học sinh. Vì vậy, học gì thi nấy giúp cho học sinh nhận thức việc học môn đó một cách nghiêm túc hơn. Qua đó, việc học sẽ có hiệu quả, góp phần bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, lối sống cho các em, giúp giảm bạo lực học đường. Lâu nay, các trường trung học được đánh giá theo đầu vào đầu ra để xếp loại nhưng số học sinh trong trường đó ngoan, hiếu thảo với bố mẹ như thế nào hoặc có bao nhiêu vụ bạo lực, học sinh đánh nhau thế nào… lại không được đưa vào tiêu chí đánh giá.

“Việc đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp là phù hợp nhưng cần có lộ trình chứ không phải nay thấy đạo đức xuống cấp thì đưa môn GDCD vào thi, mai thấy tai nạn giao thông nhiều thì lại đưa môn khác vào thi” – bà Hải nói.

Tác giả bài viết: XUÂN HẢI

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP