Giáo dục

Đưa lời bài hát “Ông bà anh” vào đề thi: Cần thoáng ở cái đầu

VietNamNet có cuộc trao đổi với cô Dương Ngọc Yến, Tổ trưởng tổ văn, Trường THPT Trường Chinh, quận 12, TP.HCM xung quanh việc đưa bài hát “Ông bà anh” vào đề thi học kỳ.

Bài hát 'Ông bà anh' vào đề thi Ngữ văn lớp 12
Đưa lời bài hát “Ông bà anh” vào đề thi, có gì phải tán dương?

Cô có thể cho biết lý do vì sao đưu bài hát “Ông bà anh” vào đề thi học kỳ ?

Tiêu chí của chúng tôi ra đề thi cho học sinh phải là những đề các em chưa làm ở lớp, cũng chưa gặp trong các tình huống nào đã được học. Yêu cầu với các giáo viên làm đề phải tìm những văn bản mới, chứ không phải những văn bản trên mạng, đã có bài tập và có lời giải, để tạo sự công bằng cho học sinh. Khi giáo viên tìm văn bản này, tôi đã hỏi văn bản này đã ra chưa, hay như thế nào.Việc tìm văn bản này chỉ là sự ngẫu nhiên.

Lời bài hát "Ông bà anh" được đưa vào đề thi

Bài hát “Ông bà anh” được học sinh rất thích. Không chỉ các em, người lớn nghe cũng cảm nhận được âm điệu và ý nghĩa của bài hát. Dù bài hát thuộc thể loại nhạc trẻ nhưng đã có thông điệp rõ ràng. Vì điều đó chúng tôi chọn bài hát “Ông bà anh” vào đề thi để xem học sinh “ngân nga” bài hát nhưng ý sau lời các em đã hiểu chưa.

Khi đề thi đưa lên mạng, có ý kiến cho rằng tại sao trường ra đề thi về tình yêu vì tuổi các em chưa chắc đã yêu. Có nhiều tác phẩm văn thơ về tình yêu, tại sao lại ra một bài hát như vậy, có theo trào lưu xu hướng hay không…

Chúng tôi nghĩ rằng giáo dục cần có sự đổi mới. Chúng ta phải thoáng ở cái đầu chứ không phải chuyện tình yêu thật sự. Tình yêu trong bài hát là một tình yêu đẹp. Đây là tình yêu so sánh giữa ông bà xưa và hiện đại. Khi ông bà xưa yêu nhau vì cái tình chứ không phải vật chất. Đề thi cũng cảnh tỉnh các em trong việc quá lạm dụng công nghệ, thế giới ảo mà ngay cả bản thân người lớn cũng mắc phải. Đã có nhiều sự kiện đề cập buổi tối trong gia đình mỗi người mỗi góc, mỗi máy quên đi tình cảm. Đó là cách giáo dục để các em quay trở lại với thực tế.

Chúng tôi chọn đề thi này trong phạm vi học sinh trường chúng tôi. Đó là các em hiểu vấn đề, còn nội dung câu hỏi đặt ra cũng dựa trên tiêu chí đọc hiểu.

Ở góc độ giải trí, bài hát “Ông bà anh” có độ nóng, hồn nhiên, dễ đi vào lòng người. Nhưng ở góc độ chất liệu văn học câu từ rất dễ dài, yếu tố nghệ thuật rất thấp, ý kiến của cô ra sao?

Tôi cho rằng đây là ý kiến phiến diện. Tuy nhiên đề chúng tôi ra như vậy còn dư luận như thế nào là quyền của dư luận. Chúng tôi chỉ nghĩ ở góc độ học sinh làm được, cảm thụ được là thành công. Dù được ca ngợi, phê bình chúng tôi vẫn ở trên tinh thần không sai kiến thức. Câu từ trong văn bản không thể nói không có chất văn. Ngôn ngữ văn chương bao gồm ngôn ngữ sinh hoạt. Ca từ trong văn bản hướng tới giá trị đẹp đó là lời cảnh tỉnh cho mọi người.

Cô có thể chia sẻ phản ứng của học sinh như thế nào khi làm đề thi này?

Tôi ở phòng hội đồng nhưng được các giáo viên báo rằng rất bất ngờ. Khi phát đề các em ồ lên, ngạc nhiên, rất vui và thích thú. Nhiều em vừa ngân nga bài hát và làm bài. Tôi nghĩ việc này cũng đánh thức các em ở một khía cạnh nào đó về đam mê văn học, thích thú với môn văn. Văn học là nhân học và gắn với cuộc sống, không có gì phải ngại.
Đưa lời bài hát “Ông bà anh” vào đề thi: Cần thoáng ở cái đầu
Một phần đáp án được chia sẻ

Trong nhiều kì thi, kiểm tra gần đây nhiều vấn đề từ cuộc sống, mạng xã hội được đưa vào, cô nghĩ sao về vấn đề này?

Đây là cách giáo dục tích hợp liên môn khi học sinh còn hạn chế về kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng giáo dục giới tính chưa rõ ràng, bố mẹ không nói cho con hiểu. Ngay con tôi cũng cho con tôi cảm giác lo lắng khi yếu những kỹ năng này. Vì vậy nên có suy nghĩ thoáng hơn từ một tác động nào đó để các em suy nghĩ, cảm nhận, nhìn nhận và đánh giá vấn đề. Khi người lớn đọc những điều này sẽ hiểu được tâm tư của các em. Nếu đứng ở phương diện một chiều, suy nghĩ chỉ từ phía người lớn. Vì vậy nhiều đề thi đặc biệt là môn văn luôn có sự định hướng, gửi gắm thông điệp cho các em.

Bản thân cô là tổ trưởng tổ văn khi thấy các ý kiến phản đối đề thi, cô suy nghĩ ra sao?

Tôi luôn nghĩ vấn đề ở hai mặt. Bản thân tôi nghĩ đề thi ra cho học sinh không sai về mặt kiến thức, bám cấu trúc của Bộ. Đề thi của trường tôi bám rất sát đề minh họa của Bộ năm 2017 sắp tới, việc này rất quan trọng nhất. Vì vậy chúng tôi luôn rút kinh nghiệm để đạt mục tiêu.

Có ý kiến cho rằng khi đề thi sử dụng những vấn đề từ mạng xã hội, báo chí là xem nhẹ những tác phẩm văn học truyền thống. Ý cô ra sao?

Không phải vậy. Tôi khẳng định văn học rất phong phú nhưng cần mở rộng ra không chỉ ở văn học. Như bạn thấy Thơ cũng phổ ra nhạc còn con đường đến với công chúng nhiều nhất là nhạc. Điều đó không phải xem nhẹ văn chương mà đưa văn chương tới gần cuộc sống hơn. Từ Sóng của Xuần Quỳnh, Hương Thầm của Phan Thị Thanh Nhàn và nhiều tác phẩm nữa đều được phổ ra bài hát, và được công chúng biết đến nhiều hơn. Hoặc những tác phẩm văn chương chuyển thể ra kịch, phim…đó là con đường đưa văn chương tới công chúng.

Với việc ra đề như vậy, định hướng dạy và học môn Văn sắp tới ở trường sẽ như thế nào?

Chúng tôi vẫn bám sát theo cấu trúc của Bộ, môn văn sẽ có ba phần đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Ngoài ra, chúng tôi tìm những thông tin rất gần cuộc sống và đa dạng gồm thơ, văn xuôi, truyện ngắn…Và con đường cuối cùng là giáo dục, truyền tải thông điệp và tình cảm tới các em.

Sau khi chấm bài cô có thể chia sẻ học sinh đã gửi gắm gì qua bài làm?

Đề có những câu hỏi để học sinh trình bày chứng kiến, trên quan điểm bám vào yêu cầu đề. Có những câu hỏi chúng tôi thống nhất với tổ chấm hiểu theo cách nghĩ của các em nhưng không được lệch ý nghĩ. Nhiều chứng kiến rất phong phú.

Cảm ơn cô đã trao đổi!

Tác giả bài viết: Lê Huyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP