Giáo dục

Du học sinh Việt nhớ về những người thầy đáng kính

Hoàng Khánh (Đại học Luật Harvard) luôn cảm ơn cô giáo môn Địa lý cấp 2 đã mang tới những tiết học vui vẻ, lôi cuốn. Châu Thanh Vũ (ngành Kinh tế, Đại học Harvard) mãi ghi ơn chú Quang - người đã truyền đam mê Toán học cho em.

Cận Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, như bao thế hệ học trò khác, các du học sinh đều hướng về tri ân những thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt mình.

Châu Thanh Vũ (nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Kinh tế, Đại học Harvard, Mỹ) nhắc đến chú Quang - người thầy đặc biệt mà "nếu năm lớp 9 không được chú giảng dạy, chắc đứa học trò trường làng như em đã không bao giờ đậu được vào ngôi trường Phổ thông Năng khiếu". Chú cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đi học của Vũ.

"Mọi người gọi chú thay vì thầy bởi đơn giản chú Quang không phải là giáo viên và cũng không tham gia giảng dạy ở trường lớp. Nhưng, chú Quang là người đã đào tạo biết bao thế hệ học sinh giỏi, thay đổi cuộc đời của nhiều học sinh", Vũ nói và cho biết, chú có một lớp dạy Toán, chỉ nhận hạn chế số lượng học sinh nhưng nhiều phụ huynh tranh nhau đăng ký cho con học.

Châu Thanh Vũ, học bổng tiến sĩ kinh tế toàn phần tại đại học Harvard, Mỹ

Mỗi tuần, chú Quang dạy 10 buổi vào chiều mỗi ngày và tối thứ hai, tư, sáu nhưng chỉ nhận từ mỗi học trò 30.000 đồng/tháng. "Số tiền đó chỉ đủ để ăn 1-2 bát phở, thế mà chú dạy miệt mài, coi học trò là niềm vui. Mỗi lần ốm phải cho lớp nghỉ, chú lại rất buồn", Vũ nói.

Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế của Đại học Harvard tâm sự, trước khi vào học lớp chú Quang, em nghĩ mình học rất tốt môn Toán vì điểm trên lớp lúc nào cũng đạt trên 9. Tuần đầu tiên vào học, Vũ nhận ra đã không làm được những bài tập dễ nhất của chú Quang. Ngày thứ hai ở lớp, em giải một bài sai trầm trọng và bị chú mắng là "mất căn bản". Gáo nước lạnh này khiến nam sinh Ninh Thuận dù buồn nhưng có động lực học tập hơn. Nhiều hôm em thức đến 4h sáng để giải bài tập của chú Quang. Thấy chú hăng say dạy, Vũ cũng học chăm chỉ học theo.

"Sau này khi học ở Đại học Princeton (Mỹ) và được khoa Toán thuê giảng Toán giải tích đa biến (multivariable calculus) cho sinh viên năm nhất, năm hai, dù chương trình khó hơn và khác so với những gì em học, nhưng cách tiếp cận vấn đề, cách đặt câu hỏi nên bắt đầu từ đâu, những mẹo vặt, suy nghĩ nhanh trong Toán, em đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ chú Quang. Nhiều sinh viên năm nhất sau đó đã gửi email cảm ơn, bảo các giáo sư giảng khó hiểu, nhưng nhờ cách nghĩ, cách làm bài mà em chỉ họ thi rất tốt", nghiên cứu sinh Harvard nói.

Nguyễn Hoàng Khánh (Đại học Luật Harvard, Mỹ) nhớ không nguôi cô Mai Thái Hà - giáo viên dạy Địa lý trường Việt Nam - Algeria (Hà Nội) đã dạy em suốt 3 năm THCS. Cô giáo có phong cách giảng bài cuốn hút, luôn lôi kéo được sự tham gia của học sinh. "Cô dành nhiều thời gian cho học sinh luyện tập khả năng thuyết trình trước đám đông bằng cách khuyến khích các bạn, nhất là bạn rụt rè, lên bảng phân tích bản đồ, biểu đồ. Trong số giáo viên cấp 2 em học, cô là người duy nhất chú ý đến phát triển kỹ năng mềm cho học sinh", Khánh kể.



Nguyễn Hoàng Khánh, nhận hỗ trợ tài chính 80% cho chương trình Juris Doctor (tiến sĩ Luật) tại Đại học Luật Harvard, Mỹ.

Em tâm sự, nếu không được học giáo viên Thái Hà, có lẽ nghiên cứu sinh tiến sĩ Luật của Đại học Harvard đã không hiểu biết và đam mê tìm hiểu về địa lý kinh tế xã hội như bây giờ. Ngoài những tiết giảng thú vị, cô Mai Thái Hà còn gây ấn tượng bởi là giáo viên thời trang nhất trường. Mỗi lần lên lớp, cô đều nổi bật với một bộ trang phục rất trẻ trung mà không kém phần trang trọng, chuẩn mực.

Giáo viên chủ nhiệm lớp cấp 3 trường THPT Olympia (Hà Nội) cũng là người Hoàng Khánh đặc biệt yêu kính. Không chỉ dạy cách làm Toán, logic rất hay, cô còn giải thích cặn kẽ bản chất và ứng dụng của mỗi vấn đề. Có lần em hỏi đùa cô là học Toán nhiều thế, sau này có dùng không, vì với em chỉ cần biết cộng trừ nhân chia là đủ.

"Cô không cáu mà còn từ tốn giải thích về những ứng dụng cao cấp hơn của toán trong các lĩnh vực tài chính kinh tế và lập trình máy tính. Cô có khả năng đọc được suy nghĩ của học sinh. Nhiều lần em hỏi chưa hết câu hay mới giơ tay thắc mắc, cô đã biết em thắc mắc vấn đề gì và giải đáp chính xác", Hoàng Khánh kể.

Nguyễn Kim Chi, người đầu tiên nhận được học bổng 50% của trường nghệ thuật Cambridge School of Visual and Performing Arts, Vương quốc Anh.

Với Nguyễn Kim Chi (Cambridge School of Visual & Performing Arts - trường chuyên về Nghệ thuật sáng tạo và trình diễn của tập đoàn giáo dục Cambridge, Vương quốc Anh), người thầy đáng kính nhất của em là cô Đỗ Tú Oanh, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

"Lớp chuyên Văn của em toàn con gái nên cô lúc nào cũng gọi là những công chúa bé nhỏ, hay những chú cún con của cô. Trong tiết học, bên cạnh bài giảng, cô luôn đan xen các bài học cuộc sống ý nghĩa. Cô yêu thương, chăm chút học trò như con mình. Với em, cô cũng là người mẹ thứ hai", Kim Chi nói.

Nữ sinh Đại học Yale (Mỹ) Vũ Thuỳ Ngân dành nhiều tình cảm cho giáo viên đã truyền cảm hứng với môn Sinh học cho em - cô Lê Thị Dung (trường chuyên Hà Nội - Amsterdam). Ngân được học cô Dung từ lớp 9 và 3 năm cấp 3. Cô rất nghiêm khắc nhưng hay kể chuyện vui, thi thoảng trêu đùa làm học trò cười. Các tiết Sinh học của cô luôn thu hút được sự thích thú của học trò.

Vũ Thuỳ Ngân và cô giáo dạy Sinh học Lê Thị Dung.

"Dịp sắp tốt nghiệp cô nói chuyện với đám con gái trong lớp chúng em rồi nói vui là lớn rồi đừng bao giờ khóc vì bọn con trai, làm bọn em bật cười. Sau đó cả lũ lại rưng rức khóc vì nhận ra sắp không còn được học với cô nữa", Ngân kể và cho biết, hè nào du học về, cả lớp lại tụ tập đến thăm cô.

Tác giả bài viết: Quỳnh Trang - Ảnh: NVCC

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP