Vụ án vợ giết chồng rồi phi tang xác ở Bình Dương gây rúng động dư luận cả nước trong tuần qua. "Ăn theo" thông tin này, hình ảnh một phần cơ thể nạn nhân bị đưa dày đặc trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và YouTube. Những hình ảnh ghê rợn này khiến nhiều người bị ám ảnh vì vô tình nhìn thấy hoặc bị bạn bè gửi vào tin nhắn.
Bị stress nặng vì lỡ xem
"Tôi rất hạn chế cho con dùng mạng xã hội. Tối thứ bảy tuần trước, cháu mượn điện thoại của tôi để vào tài khoản Facebook đọc tin nhắn của lớp, bất ngờ tôi nghe cháu la thất thanh. Chạy vào xem thì con bé chỉ vào tin nhắn một người bạn mới gửi có hình ảnh đầu người trong vụ án ở Bình Dương. Suốt mấy ngày, con tôi bị stress nặng, mất ngủ" - chị Ngô Ngọc Huyền (40 tuổi; ngụ quận 11, TP HCM) bức xúc kể.
Không chỉ vụ án ở Bình Dương, trước đây, từng có vụ thanh niên bị chém lìa thân thể ở Vĩnh Phúc được lan truyền rộng khắp mạng xã hội Facebook đã gây hoang mang dư luận bởi hình ảnh thi thể không nguyên vẹn rất ghê rợn.
Ngoài ra, những hình ảnh bạo lực, thương tâm trong các vụ tai nạn giao thông chết người, trục vớt xác chết trôi sông, thanh niên bị giang hồ chém đứt lìa tay, đối tượng trộm chó bị trói, kéo lê trên đường làng, đánh ghen với cảnh khỏa thân, bạo lực học đường… cũng được mô tả tỉ mỉ, không được làm mờ, chia sẻ công khai, lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng Facebook, YouTube, thu hút hàng triệu lượt xem kèm theo những bình luận thiếu văn hóa. Những clip này chỉ được gỡ bỏ khi có người dùng báo cáo (report) và được Facebook xem xét, chấp nhận do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Trường hợp không có người dùng nào báo cáo, những hình ảnh đó nghiễm nhiên được chia sẻ công khai trên toàn thế giới.
Hình ảnh đối tượng trộm chó bị người dân trói, kéo lê trên đường làng đăng nhiều trên mạng gây hiệu ứng không tốt với người xem. (Ảnh cắt từ clip) |
Có thể bị xử lý hình sự
Theo TS - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM), hiện nay, việc quản lý, sử dụng mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng được thực hiện theo các quy định của Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật Viễn thông 2009, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 23/2013/TT-BTTTT, Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Quyền nhân thân của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ theo quy định của Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự và Nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm kích động bạo lực, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc… Nếu miêu tả tỉ mỉ hoặc chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh… sẽ bị xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Còn theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), việc đưa những hình ảnh bạo lực, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành, trong một số trường hợp sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả mà người đưa hình ảnh của người khác lên mạng có thể bị xử lý hình sự.
Phân tích về mặt ảnh hưởng tâm lý của người xem, TS Võ Văn Nam, giảng viên tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng những hình ảnh tiêu cực như bạo lực, xác người, cơ thể người chết nếu xem nhiều sẽ tích lũy dần vào trong vô thức, trở thành nỗi ám ảnh vô thức, gây tác hại cho suy nghĩ, hành động và tình cảm của người đó. Đặc biệt lứa tuổi học sinh, sinh viên sẽ dễ bị tác động hơn do sự phát triển tâm lý chưa hoàn chỉnh, dễ lo sợ, ám ảnh hơn, mất niềm tin vào xã hội dẫn đến sự phát triển tâm lý trở nên sai lệch. Tác động có thể không phải tức thời mà âm ỉ lâu dài, ngấm ngầm rất đáng sợ. "Nếu một người bị ám ảnh bởi những hình ảnh ghê rợn thì phải thay thế, chuyển hóa bằng những hình ảnh lành mạnh, sống động, đầy màu sắc. Những hình ảnh lành mạnh sẽ choán chỗ, dần dần những hình ảnh ghê rợn sẽ rơi vào quên lãng" - TS Võ Văn Nam nói.
Hãy nói "không"! Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng ATHENA TP HCM, cho biết có nhiều cá nhân, trang, nhóm muốn câu like, câu view nên đăng những hình ảnh ghê rợn từ các vụ án mạng khiến người dùng không khỏi bị sốc. Hiện các mạng xã hội như Facebook đều có quy định nghiêm cấm người dùng đăng tải những hình ảnh ghê rợn, phản cảm, thô tục… Nếu người dùng đăng tải thì sau đó hệ thống lọc của Facebook sẽ tự động xóa những hình ảnh này. Tuy nhiên, vẫn có thể nhiều hình ảnh lọt qua được và lúc này cần người dùng chung tay báo cáo cho Facebook để xóa. Người dùng không nên chia sẻ (share) những hình ảnh này vì nếu chia sẻ càng nhiều sẽ góp phần tăng like, view cho kẻ xấu. "Ngoài ra, trên mạng có nhiều đối tượng xấu lợi dụng đăng những hình ảnh, thông tin ghê rợn, phản cảm để dẫn dụ người dùng click vào những đường link lạ có chứa virus hết sức nguy hiểm. Do đó, tốt nhất người dùng nên "nói không" với những hình ảnh ghê rợn này, hoàn toàn không like, không share" - ông Thắng khuyến cáo. C.Trung |
Tác giả: Phạm Dũng
Nguồn tin: Báo Người lao động