Do vướng mắc mặt bằng khiến nhiều nhà thầu chưa thể thi công tại dự án Đường ven biển tại Quảng Bình. |
Dự án thành phần 1 Đường ven biển gồm 3 đoạn với tổng chiều dài 80km: Đoạn Nam Roòn - Quảng Phúc dài 21,9km; đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú dài 15,5km; đoạn Hà Trung - Mạch Nước dài 42,6km (không bao gồm đoạn qua FLC dài 5,8km do nhà đầu tư tự thực hiện).
Tổng mức đầu tư dự án là 2.197 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2026. Diện tích đất thu hồi 199,33ha, đi qua địa bàn 16 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố; ảnh hưởng đến 1.083 hộ. Đối với công tác tái định cư và bồi thường bằng đất, có 72 hộ bị ảnh hưởng. Bồi thường các hộ nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, toàn tuyến có 22 hộ bị ảnh hưởng.
Dự án Đường ven biển Quảng Bình có tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng. |
Theo Báo cáo số 93 ngày 4/7/2024 của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình về tình hình thực hiện dự án Đường ven biển, hiện công tác giải phóng mặt bằng đã phê duyệt phương án và chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được 70,98/80,00 km, đạt 89%. trong đó phạm vi có mặt bằng thi công liên tục được 68,64/80 km, đạt 85,5%. Năm 2024 đã giải ngân 70,551/232,413 tỷ đồng (30,4%).
Đến nay, nhiều đoạn của dự án này vẫn còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu. Như tại huyện Lệ Thủy theo chiều dài tuyến, phạm vi đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng là 22,22/26,78 km, đạt 82,97%, số hộ dân bị ảnh hưởng là 290/422 hộ, đạt 68,72%, số hộ còn lại chưa phê duyệt là 132 hộ (tính theo chiều tuyến dài là 4,56km) ảnh hưởng lớn đến mặt bằng thi công không liên tục, bị ngắt quãng.
Xây dựng khu tái định cư và bồi thường đất: có 41 hộ dân có đất ở bị thu hồi phải di dời tái định cư hoặc bồi thường đất (xã Ngư Thủy Bắc: 14 hộ/0,7km, xã Ngư Thủy: 27 hộ/1,2km; phạm vi khoảng 1,9km) vào 2 khu tái định cư tập trung nhưng đến nay chỉ mới khu tái định cư tại thôn Trung Thành, xã Ngư Thủy Bắc triển khai thi công đạt 70%. Còn lại khu tái định cư tại thôn Tân Thượng Hải, xã Ngư Thủy chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa triển khai thi công.
Công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành 70,98/80,00 km, đạt 89%, trong đó phạm vi có mặt bằng thi công liên tục được 68,64/80 km, đạt 85,5%. |
Còn tại huyện Quảng Ninh theo chiều dài tuyến, phạm vi đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng là 11,03/11,131km, đạt 99,09%, tuy nhiên phạm vi bàn giao mặt bằng mới được 10,53/11,131km (đạt 94,61%). Mặt bằng thi công không liên tục, bị ngắt quãng do các vướng mắc về tài sản tạo lập trên đất rừng, đền bù trang trại nuôi trồng thủy sản, di dời lăng mộ. Tương tự, tại huyện Quảng Trạch phạm vi đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng là 8,9/10,2km, đạt 87,3%, còn 1,3km mặt bằng thi công còn vướng mắc gồm: Trang trại nuôi trồng thủy sản, tái định cư, đoạn qua thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân...
Hầu hết những điểm còn vướng mắc chưa thể bàn giao mặt bằng tại dự án Đường ven biển đều liên quan đến các vướng mắc về tài sản tạo lập trên đất rừng, thực hiện các khu tái định cư, đền bù các trang trại nuôi trồng thủy sản (toàn tuyến có 22 hộ bị ảnh hưởng hiện vẫn đang còn vướng mắc chưa giải quyết được), rà soát về thủ tục quy chủ các hộ dân đất nuôi trồng thủy sản.
Nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản vẫn chưa bàn giao mặt bằng. |
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tại, ngày 14/3/2024, UBND tỉnh tổ chức họp kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, ngay sau đó Văn phòng UBND tỉnh đã có Thông báo số 1235/TB-VPUBND ngày 21/3/2024 về Thông báo kết luận, chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương có liên quan tiếp tục khẩn trương thực hiện một số nội dung để dự án đảm bảo tiến độ.
Trong đó, đối với trang trại nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, UBND tỉnh thành lập 2 Hội đồng cấp tỉnh gồm: Tính liên hoàn của tài sản trang trại nuôi trồng thủy sản trong và ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng; Công tác định giá các loại vật tư, máy móc, thiết bị nuôi trồng thủy sản không có trong bảng giá đền bù của UBND tỉnh. Đồng thời, đề nghị các huyện khẩn trương hoàn thiện phương án của 2 nội dung trên và trình Hội đồng cấp tỉnh thẩm định để có cơ sở phê duyệt trước ngày 10/7/2024.
Yêu cầu UBND các huyện đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường; tuyên truyền vận động người dân chấp hành bàn giao mặt bằng; giải quyết các khó khăn, vướng mắc để khẩn trương bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công đúng tiến độ; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất các huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu tái định cư, đồng thời tập trung nhân lực đẩy nhanh về hồ sơ, thủ tục công khai, trình duyệt phương án bồi thường hỗ trợ các hộ gia đình còn lại.
Tác giả: Đào Hồng Thiệu
Nguồn tin: Báo Xây dựng