Tin địa phương

Dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD tại Quảng Bình: Nguy cơ thành phế liệu

Dự án điện mặt trời trị giá gần 14 triệu USD vay của Chính phủ Hàn Quốc có nguy cơ thành phế liệu.

Dự án sau 6 năm vẫn chưa hoàn thành.

Năm 2015, Tiền Phong có loạt bài “Dự án 14 triệu USD nguy cơ thành phế liệu”, phản ánh việc UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt Dự án kéo điện lưới chồng lên Dự án điện mặt trời trị giá gần 14 triệu USD vay của Chính phủ Hàn Quốc. Số pin của Dự án điện mặt trời dự định sẽ đưa vào kho cất giữ làm vật liệu thay thế. Sau phản ánh của Tiền Phong, tỉnh Quảng Bình dừng dự án điện lưới. Tuy nhiên đến nay, dự án điện mặt trời vẫn có nguy cơ thành phế liệu.

Kỳ 1: 6 năm dân mòn mỏi chờ...

Tháng 11/2011, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho các bản của 10 xã điện lưới quốc gia không đến được. Tổng mức đầu tư của dự án: 13.783.000 USD, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc 12.000.000 USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam, thời gian thực hiện trong vòng 36 tháng kể từ ngày hiệp định vay vốn có hiệu lực.

Đây là dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó, trải rộng 10 xã của 4 huyện, với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, đơn vị.

Ngày 29/3/2012, Hiệp định vay vốn giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc được ký kết. Tỉnh Quảng Bình thành lập Ban quản lý Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời (QBSC), trực thuộc UBND tỉnh, rút ông Mai Văn Nhị, từ Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình được giao làm giám đốc dự án.

Theo phê duyệt của tỉnh Quảng Bình vào tháng 3/2015, dự án sẽ hoàn thành, người dân nghèo miền núi của Quảng Bình sẽ có điện. Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa hoàn thành. Ông Võ Quang Minh thay ông Mai Văn Nhị làm Giám đốc QBSC từ năm 2015 nói rằng ông chỉ muốn về hưu. Một số chuyên viên có trình độ, năng lực chạy khỏi dự án vì sợ liên đới trách nhiệm bởi dự án bết bát, chưa biết lúc nào hoàn thành.

Quản lí yếu kém, thông thầu

Theo các chuyên viên bỏ chạy khỏi QBSC, việc dự án bị chậm trễ tiến độ có nhiều nguyên nhân. Sự không nhất quán, thiếu quyết liệt của chủ đầu tư là UBND tỉnh Quảng Bình; Thứ đến, là việc “thông thầu” và quản lí yếu kém của Ban quản lý dự án QBSC.

Tính đến thời điểm này, UBND tỉnh Quảng Bình đã có đến 4 quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án. Mới nhất là Quyết định 1187, ngày 7/4/2017, điều chỉnh một số nội dung của Dự án QBSC, trong đó gia hạn hoàn thành dự án vào ngày 1/7/2018. Việc phê duyệt dự án điện lưới chồng lên điện mặt trời năm 2015, cộng với việc tháo pin cất vào kho, khiến tâm lí những người làm ở dự án QBSC hoang mang. Thực tế, dự án chững lại và đang chậm tiến độ.

Trong lúc đó, ở gói thầu số 7 (cung cấp thiết bị và xây lắp) có dấu hiệu thiếu minh bạch trong đấu thầu bị báo chí phanh phui, phải đấu thầu lại làm gián đoạn thời gian khá dài. Cụ thể, thời điểm ông Mai Văn Nhị làm giám đốc dự án, ông này đã ký hợp đồng với Công ty Hoàng Long (có địa chỉ ở thị xã Ba Đồn) để chấm thầu cho toàn bộ gói thầu số 7.

Ngày 1/8/2013, đại diện Công ty Hoàng Long ký Quyết định số 07/QĐ-HL về việc thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu gói thầu số 7 gồm 3 ông: Nguyễn Dương Long, Nguyễn Văn Việt và Nguyễn Thái Sơn. Tuy nhiên, các nhân sự không đóng bảo hiểm xã hội ở Công ty Hoàng Long. Trên thực tế, họ là người của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.

Đặc biệt, trong tất cả biên bản, bản báo cáo kết quả chấm thầu và đề nghị trao hợp đồng cho một nhà thầu Hàn Quốc trúng thầu, do Công ty Hoàng Long cùng Ban quản lý dự án QBSC ký, thì chữ ký của 3 người thuộc Tổ chuyên gia đấu thầu đều là giả. Tất cả cán bộ chấm thầu của Công ty Hoàng Long và tổ thẩm định của Ban quản lý dự án QBSC không có chứng chỉ chuyên ngành tiếng Anh để đáp ứng với việc chấm thầu quốc tế.

Để chữa cháy cho việc làm vi phạm của ông Mai Văn Nhị, UBND tỉnh Quảng Bình đã phải thuê Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu, thuộc Cục Quản lí đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định lại. Kết quả, tất cả các nhà thầu tham gia gói thầu số 7, được mở vào ngày 20/8/2013 không ai đáp ứng yêu cầu. Cuộc đấu thầu lần 1 bị hủy, tiếp tục tổ chức đấu thầu lại. Mất hơn 1 năm, đến tháng 12/2014 cuộc đấu thầu lần 2 mới có kết quả, nhà thầu KT Corporation (Hàn Quốc) trúng thầu với giá thấp nhất.

Một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tiến độ dự án là yếu kém trong quản lí của Ban quản lý dự án QBSC. Cho đến thời điểm này, cả liên danh nhà thầu tư vấn Dohwa, Kunhwa, Hanjo và nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị KT Corporation đều không cung cấp đủ nhân lực theo hợp đồng đã ký kết, nhưng Ban quản lý dự án QBSC không có biện pháp cứng rắn.

(Còn nữa)

Nói về nguyên nhân dự án bị chậm tiến độ, ông Võ Quang Minh cho rằng: Do hiện trường và khối lượng thi công biến động (liên quan đến các quyết định điều chỉnh dự án của UBND tỉnh Quảng Bình). Khi hợp đồng với nhà thầu KT Corporation, có 401 điểm cấp điện, nhưng khi bàn giao thực địa chỉ có 385 điểm. Trong đó, 285 điểm sai khác với hợp đồng ban đầu. Ngoài ra, nhà thầu đã không lường trước những khó khăn của hiện trường, cộng với việc kiện tụng của các nhà thầu phụ đối với nhà thầu chính…

Tác giả: HOÀNG NAM

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP