Tin địa phương

Dông lốc dữ dội, nông dân Quảng Bình ngậm ngùi gặt lúa nửa xanh nửa chín

Trận dông lốc vừa qua tại tỉnh Quảng Bình gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Hơn 7.000 hecta lúa và hoa màu của nông dân bị đổ rạp. Những ngày này, bà con nhanh chóng ra đồng cứu lúa, tiêu úng trên đồng và thu hoạch sớm hơn dự kiến nhằm giảm thiệt hại.

Mặc dù hơn 1 tuần nữa, lúa mới chín đều và vào thời điểm thu hoạch, nhưng ông Lương Xuân Nam, ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã huy động người nhà đi gặt lúa sớm. Nhà ông Nam trồng 7 sào lúa nhưng trận mưa dông, gió lốc rạng sáng 8/5 khiến hơn 1 nửa diện tích lúa ngã rạp, ngâm trong nước. Ông Lương Xuân Nam cho biết, lúa chuẩn bị gặt gặp lốc xoáy đổ rạp thế này năng suất sẽ bị giảm đi 1 nửa. Lúa ngã đổ ngâm trong nước nếu không tiêu úng sớm và thu hoạch ngay thì sẽ lên mầm, nông dân trắng tay.

Theo ông Lương Xuân Nam, hơn 1 tuần nữa sẽ thu hoạch bằng máy liên hợp, nhưng giờ lúa bị đổ rạp nên không cắt máy được, nông dân phải còng lưng gặt từng cây dù lúa vẫn còn nửa xanh nửa chín: “Giờ phải gặt thôi chứ không gặt sớm thì lúa sẽ lên mọng, nếu lên mầm mọng thì có thể mất thêm vụ lúa tái sinh. Nếu tính năng suất thì giờ mất đi 1 nửa, mà giờ vẫn có nhiều lúa xanh chưa chín cũng phải gặt. Chắc chắn giờ lúa đổ ngã thế này rất vất vả, gặt rất vất vả, ôm lượm từng cây lúa, cây thì gãy đổ ngâm nước nên rất khó, lại mất công”.

Nông dân ngậm ngùi gặt lúa nửa chín nửa xanh

Diện tích lúa thiệt hại do dông lốc nhiều nhất tại tỉnh Quảng Bình là huyện Quảng Ninh. Nhiều nông dân cũng đang còng lưng giữa trời nắng để nhanh chóng cứu lúa, vớt vát vụ mùa. Ông Trần Văn Phiệt, ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tiếc nuối nhìn ruộng lúa xác xơ, tiêu điều sau trận dông lốc. Chỉ còn 1 tuần nữa là ruộng lúa của ông chín hết và thu hoạch được, nhưng giờ lúa đổ ngã hoàn toàn, khả năng vớt vát được 1 nửa. Những diện tích lúa còn lại do cơ cấu giống dài ngày, mới bước vào thời kỳ trổ bông bị mưa gió quật ngã rạp, chắc cứu vãn không được là bao.

Nhiều diện tích lúa chưa chín bị ngã rạp

Ông Trần Văn Phiệt than phiền, giờ việc tiêu úng cũng chỉ hạn chế thiệt hại chứ không thể cứu được toàn bộ ruộng lúa nữa: “Lẽ ra sẽ cắt lúa muộn nhưng do thiên tai, trận dông tố hôm trước nên nhà tôi phải cắt lúa. Để lúa ngã rạp vậy càng lâu chừng nào thì càng mất lúa chừng nấy, lúa lên mầm mọng, giờ vớt vát được khoảng 1 nửa thôi chứ chả được bao nhiêu nữa. Trận dông lốc đã làm ảnh hưởng lớn, thiệt hại nhiều cho người dân”.

Vụ Đông - Xuân năm nay, nông dân tỉnh Quảng Bình gieo cấy hơn 29.000 héc ta lúa. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Trận mưa dông, lốc xoáy kèm mưa lớn vừa qua làm đổ ngã, ngập úng hơn 7.000 héc ta lúa và hoa màu. Trước tình hình thời tiết diễn biến khó lường, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo ngành nông nghiệp khẩn trương thu hoạch vụ mùa, giảm thiểu thiệt hại. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh này đã huy động lực lượng giúp nông dân khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, không để ruộng bị ngâm nước, nhằm hạn chế lúa bị nảy mầm.

Tiêu úng cứu lúa

Đối với diện tích lúa bị ngã đổ, chín hoàn toàn, cần tranh thủ thời tiết tốt, khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Năm nay, theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, các địa phương cần tập trung chỉ đạo thu hoạch vụ Đông Xuân đồng thời chỉ đạo triển khai ngay sản xuất vụ Hè Thu. Bên cạnh đó cũng chú trọng triển khai các biện pháp tiết kiệm nước tưới ngay từ đầu vụ trong tình hình nắng nóng diễn biến phức tạp, đảm bảo nước phục vụ sản xuất sinh hoạt. Theo dõi và nhận định sát tình hình thời tiết để chủ động phòng chống thiên tai, tổng hợp, đánh giá để có kế hoạch”./.

Tác giả: Thanh Hiếu

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP